Chủ động đầu ra cho nông sản Khánh Sơn

12/08/2021 08:00 GMT+7

Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang bước vào mùa thu hoạch rộ cây ăn trái. Nhờ chủ động đầu ra nên lượng trái cây tiêu thụ vẫn đảm bảo cho người nông dân trong tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19 hiện nay.

Cựu chiến binh Lê Đăng Thung bên vườn sầu riêng ở thị trấn Tô Hạp, H.Khánh Sơn

Cựu chiến binh Lê Đăng Thung bên vườn sầu riêng ở thị trấn Tô Hạp, H.Khánh Sơn

Ảnh: Công Thi

Được mùa

Khánh Sơn là huyện miền núi của Khánh Hòa với diện tích trồng cây ăn trái khoảng 3.200 ha. Những năm qua mô hình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đã đưa thương hiệu nông sản Khánh Sơn được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H.Khánh Sơn, toàn huyện hiện nay có hơn 1.720 ha sầu riêng, 330 ha bưởi da xanh, cùng hàng trăm ha măng cụt, chôm chôm và cây ăn quả khác. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên nhà vườn được mùa. Dự kiến sản lượng trái cây thu hoạch khoảng hơn 7.100 tấn; trong đó sầu riêng ước đạt 6.250 tấn, chuối 500 tấn, bưởi 60 tấn, măng cụt 30 tấn…
Trong các loại cây trồng ăn trái tại Khánh Sơn thì sầu riêng mang lại năng suất và lợi nhuận cao hơn cả. Sầu riêng Khánh Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi cơm vàng, hạt lép, vỏ mỏng, thơm ngon. Bình quân 1 ha sầu riêng cho năng suất từ 15 - 20 tấn (cây từ 6 năm tuổi trở lên), với mức giá dao động hiện nay khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg, trừ chi phí chăm sóc, nhân công, người trồng thu lợi nhuận từ 400 - 600 triệu đồng/ha. Có thể nói giống cây này đã mang lại bộ mặt tươi mới cho kinh tế huyện miền núi của Khánh Hòa.

Chủ động tìm giải pháp đầu ra

Trước thời điểm thu hoạch, các nhà vườn ở Khánh Sơn rất lo khâu tiêu thụ bởi tình hình dịch Covid diễn biến ngày càng phức tạp. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, 50% sản lượng nông sản đã được thương lái thu mua và vận chuyển đi các vùng miền của cả nước. Nỗi lo về đầu ra đã nhẹ gánh với người nông dân.
Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND H.Khánh Sơn, cho hay để tiêu thụ toàn bộ sản lượng trái cây trong đợt cao điểm, đồng thời đảm bảo an toàn trong công tác chống dịch, ngay từ đầu mùa vụ, huyện đã chủ động kiến nghị với tỉnh nhiều giải pháp gỡ khó cho nhà vườn, từ khâu chuẩn bị dụng cụ test nhanh các thương lái, nhân công thu hoạch; cấp nhận diện luồng xanh cho xe vận chuyển nông sản; phối hợp với Sở Công thương Khánh Hòa đưa nông sản vào tiêu thụ tại các siêu thị trên toàn quốc…
Cũng theo ông Nhuận, hiện nay mỗi ngày có khoảng 100 xe ra vào cửa ngõ của huyện để chở nông sản, sản lượng xuất bán khoảng 100 tấn, chủ yếu là sầu riêng. Phần lớn các hợp đồng đã được ký từ trước nên việc thu mua diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, mỗi xã đều bố trí 1 điểm để tập kết trái cây sau thu hoạch. Các tài xế xe tải sau khi được test nhanh tại chốt cửa ngõ, sẽ chạy thẳng đến các điểm tập kết nhận hàng, không di chuyển tùy tiện và thời gian lưu lại trên địa bàn không quá 24 giờ.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với địa phương này về giải pháp tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các ngành công thương, nông nghiệp và chính quyền địa phương cùng nhau hỗ trợ người dân. Chủ động nắm chắc sản lượng để đưa nông sản vào tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên phạm vi toàn quốc…
Phát triển vườn cây ăn trái đã mang lại bộ mặt tươi mới cho kinh tế huyện miền núi Khánh Sơn

Phát triển vườn cây ăn trái đã mang lại bộ mặt tươi mới cho kinh tế huyện miền núi Khánh Sơn

Ảnh: Ba Linh

Trong đợt cao điểm về dịch Covid-19 tại Bắc Giang, vải thiều đã được tỉnh này giải quyết tiêu thụ nhanh chóng nhờ sự chung tay góp sức của chính quyền, doanh nghiệp, sự đa dạng của hệ thống phân phối từ việc liên kết các sàn thương mại điện tử tổ chức bán vải thiều Bắc Giang đến hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống. Nông sản Khánh Sơn hiện đang đi đúng hướng trong việc giải quyết vấn đề đầu ra, giúp bà con nông dân có một mùa vụ thành công, dù giá có giảm đôi chút so với các năm trước. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.