Hoang đảo

08/12/2013 03:00 GMT+7

1. Trước năm tôi sáu tuổi, bà cố tôi sở hữu hai cái cồn: cồn nhỏ hơn gọi là Cồn Lớn, cồn lớn hơn gọi là Cồn Nhỏ.


 Minh họa: Văn Nguyễn

Từ nhỏ tôi đã nhận ra sự ngược ngạo đó, nhưng tôi không bao giờ hỏi người lớn nguyên nhân. Cũng như suốt tuổi thơ tôi không bao giờ hỏi ông cố đâu. Thậm chí đến bây giờ tôi vẫn không biết vì sao ông cố chết. Chắc tại tôi ít có khiếu tò mò. Tóm lại, trước năm tôi sáu tuổi, ông cố tôi đã chết và để lại cho bà cố tôi hai cái cồn: Cồn Lớn và Cồn Nhỏ, trong đó: Cồn Lớn là cồn nhỏ, Cồn Nhỏ là cồn lớn.

Viết tới đây, tự nhiên tôi nghĩ ra một câu chuyện thế này: Một phú ông kia có hai bà vợ. Bà vợ lớn già và xấu, cô vợ nhỏ trẻ và đẹp, phú ông dĩ nhiên thương vợ nhỏ hơn vợ lớn. Cho nên, nếu có hai cái cồn, chắc chắn phú ông sẽ dành cồn lớn cho vợ nhỏ và dành cồn nhỏ cho vợ lớn. Tuy nhiên, để danh chính ngôn thuận, phú ông đã khéo léo đặt tên cồn dành cho vợ lớn là Cồn Lớn và cồn dành cho vợ nhỏ là Cồn Nhỏ. Tất nhiên tên gọi chỉ là tên gọi: Cồn Lớn vẫn là cồn nhỏ, Cồn Nhỏ vẫn là cồn lớn. À mà phú ông trên đây chả liên quan gì đến ông cố tôi đâu nhé. Tôi chỉ nghĩ ra một câu chuyện vậy thôi.

***

Năm tôi sáu tuổi, bà cố tôi đã tám mươi hai, song vẫn còn đủ minh mẫn để nhận ra mình đã quá già, bà bắt đầu công cuộc phân chia gia sản. Bà chia Cồn Nhỏ làm bốn phần: bà nội tôi một phần, ba người con gái của bà (mà tôi gọi là bà Bốn, bà Sáu, bà Tám) mỗi người một phần.

Bà cố tôi có chín người con, nhưng tới năm tôi sáu tuổi, chỉ có bốn người còn sống: bà Bốn, bà Sáu, bà Tám và ông Mười. Ông Mười là con trai út, được thừa hưởng từ đường và toàn bộ đất đai gần nửa héc ta xung quanh từ đường. Ông nội tôi là con trai trưởng, suốt tuổi thơ tôi cũng không bao giờ hỏi ông nội đâu, nhưng có lần tôi đã nghe mẹ kể rằng ông nội đi lính đã chết trong chiến tranh.

Ba tôi là con trai trưởng của ông nội, là cháu đích tôn của bà cố. Từ nhỏ, tôi đã nghe ba nói rằng bà cố đã hứa sau này để lại Cồn Lớn cho ba, nên tôi thường phi ngựa chạy lên nhà bà cố, chạy thẳng ra bờ sông, đứng chống nạnh nhìn qua Cồn Lớn bằng ánh mắt chiếm hữu trẻ con. Và, không biết bao nhiêu lần tôi đã hét toáng lên: “Mày là của tao!”.

Tiếng hét của tôi bay qua mặt nước, đập vào Cồn Lớn, vài giây sau tôi nghe có tiếng vọng lại: “Của tao! Của tao!”. Tôi gật gù hài lòng rồi quay lưng bước về nhà.

2. Chắc bạn đã biết cồn là miếng đất nổi giữa sông rồi đúng không? Cồn Lớn nổi giữa sông Cái, cách bờ phía xóm tôi chỉ khoảng hai chục mét.

Năm tôi sáu tuổi, ước mơ của tôi là bơi qua Cồn Lớn.

Để hiện thực hóa ước mơ, tôi đã vất vả tập bơi cả năm trời. Vậy mà, trong khi tôi còn phải ôm trái dừa khô để nổi trên mặt nước thì thằng Tèo, con Tí, thằng Tôm, con Tép đã bơi chó, bơi ếch, bơi bướm từ lúc nào. “Sao tao tập quài mà hông biết bơi?”. Một bữa tôi bực bội hỏi thằng Tôm. “Mày bỏ trái dừa khô ra đi, chịu khó uống nước ít bữa là biết bơi chớ gì! Ai biểu mày nhát quá chi!”. Thằng Tôm lạnh lùng phán. Tôi giận lẫy bỏ về, vừa đi vừa lẩm nhẩm: “Mày là cục cứt gì mà dám chê tao nhát?”. Từ đó, tôi càng gắn bó với trái dừa khô hơn.

***

Lần đầu tiên tôi được nghe sự tích dưa hấu là năm tôi sáu tuổi. Nhưng phải đợi một năm sau đó, trí tưởng tượng của tôi mới hoạt động. Tôi tưởng tượng Cồn Lớn chính là đảo hoang nơi An Tiêm đang sống và trồng dưa hấu. Rồi tôi nảy ra ý tưởng đổi dừa lấy dưa. Thế là trưa nào đi học về, tôi cũng lén ôm một trái dừa xiêm của bà nội giấu vào trong áo chạy lên nhà bà cố chạy ra bờ sông thả xuống sông với hy vọng trái dừa sẽ trôi qua Cồn Lớn.

Chuyện đó diễn ra trong vòng một tuần, rồi tôi bị chú Xỉn bắt quả tang. “Ê, mày đang làm gì đó?”. Chú Xỉn đột ngột lên tiếng hỏi từ sau lưng. Tôi giật mình, rồi tự hào kể cho chú Xỉn nghe ý tưởng của tôi. Chiều hôm đó, gặp tôi ai cũng chọc: “Chừng nào đổi được dưa hấu nhớ chia tao miếng nhen!”. Tôi quê quá, bưng mặt khóc. Ông Mười thấy vậy mới kêu tôi xuống xuồng, ông chở tôi qua Cồn Lớn chơi một chuyến cho biết.

Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân lên Cồn Lớn. Từ bờ bên này nhìn qua Cồn Lớn, chỉ thấy toàn dứa dại với tre. Đứng trên Cồn Lớn mới thấy ở đây trồng rất nhiều dừa, nhưng phần lớn là những cây dừa con chỉ cao một hai mét. Đặc biệt, đứng ở đầu kia Cồn Lớn, tôi đã nhìn thấy Cồn Nhỏ, lần đầu tiên.

Nhiều năm sau đó, tôi có viết một bài thơ thế này:

chắn giữa mặt sông
chẻ đôi dòng nước
cồn nhỏ
cỏ cây xanh mướt
đứng ở bờ này không thấy được bờ kia
ngày nhỏ
tụi nhỏ tưởng cồn nhỏ là đảo hoang nơi An Tiêm trồng dưa hấu
mới bày đặt khắc tên lên những trái dừa rồi thả trôi sông
và khờ dại tin những trái dừa, một ngày kia, sẽ tấp vào hoang đảo
An Tiêm sẽ đổi dừa bằng những trái dưa xanh vỏ đỏ lòng
lớn thêm một chút
ngụp lặn với những trưa trốn ngủ tập bơi
phao là những trái dừa khô đỏng đảnh thích tuột khỏi tay người
để lềnh bềnh trên mặt nước
khi tụi nhỏ nhận ra những trái dừa khô chỉ trôi dọc
chứ chẳng bao giờ trôi ngang
cũng là khi tụi nhỏ dạn dĩ sải tay bơi về phía đảo hoang
cồn nhỏ
làm gì có An Tiêm
đâu ai trồng dưa hấu
tụi nhỏ ngẩn ngơ ngồi tiếc những trái dừa
bây giờ
cồn nhỏ là hoang đảo neo giữ ngày xưa

3. Mùa đông năm đó, nước sông lạnh ngắt, tôi phải ở nhà tắm giếng. Nhưng, chiều nào tôi cũng chạy ra bờ sông ngồi nhìn Cồn Lớn. Từ ngày đặt chân lên nó, tôi càng muốn chiếm hữu nó hơn.

Và, trong lúc ngồi ngắm sông nhìn Cồn Lớn, tôi tình cờ tìm thấy ước mơ nghề nghiệp đầu tiên của đời mình.

Ông Mười có hai người con trai: chú Say và chú Xỉn. Chú Say mười tám tuổi, bỏ học nửa chừng, vừa xin được việc làm dưới bến nhà ông Xiếc. Công việc của chú Say là điều khiển chiếc xuồng máy ra giữa sông Cái, lặn xuống đáy hốt cát đầy những thau nhôm rồi nổi lên đổ đầy xuồng thì về. Đó chính là nghề hốt cát tô.

Chiều hôm đó, khi vừa thấy chú Say ngồi trên chiếc xuồng máy chở đầy cát lướt trên sông Cái, tôi vẫy tay rối rít: “Chú Say! Cho con đi với!” nhưng chú chỉ cười, rồi lạch tạch trôi khỏi tầm mắt tôi. Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng hốt cát tô một việc làm hết sảy! Chớ còn gì nữa, được lèo lái cả một chiếc xuồng máy cơ mà!

Và, tôi vẫn nghĩ như thế, cho tới mùa hè năm sau.

***

Mùa hè năm sau, sông Cái khô hạn đến mức xế chiều nào cũng lòi bãi và tôi có thể lội bộ tàn tàn ra tận giữa sông.

Một buổi chiều, chú Xỉn rủ cả bọn ra sông bắt dắt, tôi không đem theo rổ rá gì vẫn ôm trái dừa khô đi theo cho vui.

Sau vài phút mò mẫm bằng tay phải, tôi bắt được cả chục con dắt bụm đầy tay trái. Tôi khều thằng Tèo: “Tao với mày bắt chung nhen!”. Nó khinh bỉ nói: “Xì! Mày bắt chậm rì”. Tôi tức mình liệng luôn đám dắt, ngoảnh mặt kiếm trái dừa khô tiếp tục tập bơi.

Tôi nhìn thấy nó đang lén lút trôi về phía Cồn Lớn, nên tôi vội lội đuổi theo.

Khi còn cách trái dừa khô một sải tay, tôi thực hiện một cú nhào người với ý định ôm gọn nó vào lòng. Nhưng tôi ôm hụt. Cát dưới chân tôi đột nhiên biến mất. Tôi chìm thật nhanh xuống hố cát do những người hốt cát tô tạo thành, uống ngụm nước đầu tiên và nghĩ rằng mình sắp chết đuối.

Tuy nhiên, chú Say đã kịp thời nắm tóc lôi đầu tôi lên. Vậy là chú bé sụp hố cát tô đã được cứu sống bởi một người hốt cát tô. Một kết thúc đầy trách nhiệm.

Kể từ hôm đó, tôi không bao giờ được phép tắm sông nữa. Mẹ cũng cấm tôi ra bờ sông ngồi nhìn Cồn Lớn. Thay vào đó, tôi được giao chân sai vặt rót nước bưng trà cho các chú thợ xây.

Sau nhiều năm dành dụm, ba mẹ tôi đã đủ tiền để cất một ngôi nhà riêng (trước đó gia đình tôi với gia đình cậu Út ở chung nhà bà nội) có hai phòng ngủ đàng hoàng. Tôi nhắc tới phòng ngủ đàng hoàng là vì em trai của tôi đã ra đời một năm sau đó.

4. Hồi đầu tuần, em trai tôi gọi, hí hửng báo tin người ta vừa khai trương nhà hàng An Việt thôn ở bên Cồn Lớn, rồi hí hửng rủ: “Hay cuối tuần này Hai về đi! Rồi cả nhà mình qua đó ăn một bữa cho biết!”. Tôi ờ, tự nhiên thấy đắng miệng.

Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ vụ bán Cồn Lớn là một vết nhơ trong lịch sử gia đình.

***

Mùa đông năm tôi chín tuổi, em trai tôi vừa từ bệnh viện về nhà được một tuần thì ở xóm Dưới, người ta khai trương nhà hàng đầu tiên.

Nhà hàng Gió Sông nằm bên bờ sông lộng gió, lại thuộc ngoại ô thành phố nên giá cả phải chăng, thu hút rất nhiều du khách nước ngoài. Chủ nhà hàng tinh đời đã sắm ngay một chiếc ca nô để mở dịch vụ chở khách tham quan sông Cái.

Chiều hôm đó, tôi đang nằm nhà nựng em thì thằng Tèo hớt hải chạy qua báo tin có một chiếc ca nô vừa mới chạy lên, rồi nó rủ tôi chạy ra bờ sông chờ coi ca nô chạy xuống. Thế là tôi lật đật chạy theo nó ra bờ sông coi ca nô, vừa coi vừa vẫy tay rối rít, ê ê ca nô cho tui đi với.

Đêm hôm đó, tôi đang say ngủ thì có tiếng một con heo bị chọc tiết kêu eng éc khiến tôi giật bắn mình, rơi từ trên giường xuống dưới đất. Tôi sợ quá, chạy như bay qua phòng ba mẹ. Mẹ tôi cũng vừa tỉnh giấc, vội vàng đặt ngón trỏ lên môi ra hiệu tôi im lặng cho em ngủ, rồi mẹ dẫn tôi bước thật êm ra phòng khách và ôn tồn giải thích bắt đầu từ hôm nay, chú Út sẽ hành nghề mổ heo. (Từ đó, cái tên xóm Trên của tụi tôi nhanh chóng được thay thế bằng tên xóm Lò Heo. Nhưng bạn đừng vội nghĩ rằng cùng với việc đổi tên thì đạo đức của xóm tôi xuống cấp trầm trọng nhé. Vì người dân xóm tôi trước sau vẫn vậy, vẫn hiền lành và thơm thảo nhất trần đời - xin lỗi, tôi đọc truyện cổ tích hơi nhiều!)

Từ ngày chú Út mở lò heo, người dân xóm tôi được mua thịt gần nhà, mà giá cả lại rẻ hơn giá ngoài chợ. Đặc biệt, vào những dịp lễ lạt, thím tôi còn xách thịt heo đem biếu khắp xóm nữa.

Thím tôi thơm thảo là vậy, cho nên khi chú Út khiêng cứt heo và rác thải các loại ra đổ xuống sông Cái, cả xóm tôi đã im lặng ngó lơ, chỉ thỏ thẻ dặn tụi con nít đừng tắm sông nữa.

5. Năm tôi mười tuổi, bà cố tôi tám mươi sáu tuổi và đã lú lẫn được hai năm rồi. Lúc mới lẫn, bà hay nhổ bãi trầu đỏ lòm tứ tung nên bà Mười không cho bà ăn trầu nữa, thế là sáng nào bà cũng đi dọc hàng rào bứt lá dong nhai thế.

Một chiều nọ, bà Mười ngủ quên, bà cố tôi xuống xuồng chèo một mình qua thăm Cồn Lớn. Chiếc xuồng bị lật giữa sông, may mà chú Xỉn bơi ra cứu kịp thời, bà cố bị cảm lạnh, nằm rên hừ hừ suốt nửa tháng trời, tưởng chết.

Nhưng bà cố chưa chết. Một tuần sau đó, bà Mười đột ngột mời ba tôi, bà nội, bà Bốn, bà Sáu và bà Tám qua nhà bà cố rồi đột ngột chìa ra một tờ giấy trắng tinh. Tờ giấy viết rằng bà cố để lại Cồn Lớn cho bà Mười. Phía cuối tờ giấy có dấu lăn tay của bà cố và chữ ký của ông chủ tịch xã, ký hồi bốn năm về trước. Ngạc nhiên chưa? Một tờ giấy mới tinh có chữ ký của chủ tịch xã bốn năm về trước. Cả bốn bà già nhìn nhau và nhìn ba tôi chưng hửng. Ba tôi không chửi bà Mười câu nào, chỉ lầm lũi qua nhà ông giáo Thức hỏi xin ý kiến.

Ông Thức là người đã giúp bà cố làm giấy tờ phân chia Cồn Nhỏ. Ông kể hồi đó ông đã hỏi bà cố tôi có muốn làm đơn chia Cồn Lớn cho ba tôi không, ông làm luôn một lần, nhưng bà cố tôi kêu để từ từ. Rồi ông thở dài, nói chuyện hứa chỉ là nói miệng, giờ ba tôi có đi kiện bà Mười, nếu thắng thì tòa án cũng chỉ chia đều Cồn Lớn cho các con thôi, chứ cháu đích tôn chưa chắc đã có phần.

Khi ba tôi báo tin trong bữa cơm tối, mẹ tôi bình thản chấp nhận sự đã rồi, còn tôi thì tức giận dằn chén cơm xuống bàn, nói ba phải kiện, kiện lên tận tòa án quốc tế (tôi đã nghe nói đến tổ chức này trong chương trình thời sự buổi tối) để đòi lại Cồn Lớn cho con, hu hu. Tất nhiên, những gì ba tôi có thể nói chỉ là: im miệng, con nít biết gì mà nói.

6. Ba tháng sau, bà Mười bán Cồn Lớn cho ông Dũ.

Ông Dũ là Việt kiều Úc đang ấp ủ dự định hồi hương lập nghiệp. Trong một lần tham quan sông Cái bằng ca nô của nhà hàng Gió Sông, ông phát hiện Cồn Lớn là địa điểm lý tưởng để mở khu nghỉ dưỡng. Ông vội vàng mua lại Cồn Lớn với giá hai chục cây vàng. Bà Mười chia cho bốn hộ (bà nội tôi, bà Bốn, bà Sáu và bà Tám) mỗi hộ một cây lấy thảo, rồi để tránh mặt ba tôi, bà về nhà mẹ đẻ xin một miếng đất xây biệt thự, còn bao nhiêu bà gửi ngân hàng và sống an nhàn bằng lãi suất hằng tháng.

***

Nhưng, khu nghỉ dưỡng của ông Dũ không bao giờ hoàn thành. Sau khi lặng lẽ chửi ba tôi là đồ hèn, tôi lầm lì trù cho bà Mười chết sớm. Lúc bà Mười ký giấy bán Cồn Lớn, tôi lại lầm lì trù cho ông Dũ sạt nghiệp.

Và, nếu bạn muốn biết miệng lưỡi của một thằng nhóc mười tuổi thế nào, thì đây: bà Mười hiện đang sống vui vầy bên bầy cháu nội, ông Dũ tuy không sạt nghiệp nhưng đã thua lỗ rất nhiều.

Đầu tiên là gã bảo vệ công trình chết đuối. Tối hôm đó, gã lội qua xóm tôi mua rượu về độc ẩm như bình thường, nhưng trên đường lội về thì gã bị vọp bẻ. Hai người phụ nữ mò ốc đêm phát hiện ra xác chết co quắp gã đã la hét dậy cả khúc sông. Sau đó là một phần khu nhà gỗ mới xây bị bốc cháy. Ông Dũ đổ thừa do tàn thuốc của đám gã thợ xây. Đám thợ xây đổ thừa do tàn thuốc của ông Dũ. Sau nữa là một góc Cồn Lớn bị lở xuống sông. Bước qua thế kỷ hai mốt, ông Xiếc cho lắp đặt thiết bị bơm hút cát trực tiếp từ giữa sông, máy móc chạy ì ầm ngày đêm, đã giảm bớt nhân công mà năng suất cát lại cao hơn bao giờ hết. Hậu quả là phòng làm việc của ông Năm bị lở xuống sông. Ông Năm là cán bộ kháng chiến chống Mỹ, hồi trước ông làm chức gì rất to trên thành phố, khi về hưu ông xây một cái phòng làm việc ở cạnh bờ sông, ngày ngày xách cặp táp ra đó hóng gió làm thơ, chiều xách cặp táp vào nhà. Khi phòng làm việc bị lở xuống sông, ông đưa đơn kiện ra ủy ban xã. Nên ông chủ tịch xã, trong cữ nhậu đột xuất, phải quàng vai ông Xiếc thân tình nói thôi bạn mình đừng công nghiệp hóa hiện đại hóa theo kiểu phá hoại tự nhiên nữa, bạn mình kêu tụi nhỏ chạy xuồng máy như hồi trước được rồi. Cuối cùng là bạn bè rút vốn. Dự án khu nghỉ dưỡng của ông Dũ bị treo vô thời hạn.

Mười hai năm sau, ông Dũ đành bán lại Cồn Lớn cho người khác. Người này nhanh chóng xây lên đó một nhà hàng vừa cổ kính vừa dân dã đặt tên là An Việt thôn.

8. Bà cố tôi mất năm chín mươi tư tuổi. Nghĩa là bà Mười đã cắn răng chăm sóc bà cố suốt tám năm sau đó.

Cái hôm mẹ tôi gọi cho tôi báo tin bà cố qua đời, tôi đang tung tăng cùng nhóm bạn ở tận miệt vườn Cần Thơ, nên tôi nói dối mẹ tôi là tôi sắp thi kết thúc học phần không về được. Thế là mẹ tưởng tôi còn giận chuyện ngày xưa.

Nhưng tôi đã hết giận lâu rồi. Dùng từ giận là hơi nhẹ, thật ra tôi đã nguôi hận năm năm sau đó, khi tôi vào cấp ba, và bắt đầu say mê văn học. Nhưng nếu bạn hỏi tại sao hết giận rồi mà tôi vẫn không chịu lên thăm và chúc tết bà cố những năm sau đó thì tôi xin được phép trả lời là tại vì tôi không muốn nhận chút tiền lì xì ít ỏi từ tay bà Mười, nó chẳng đáng gì với cái Cồn Lớn mà tôi đã mất. Ờ thì, hết giận rồi nhưng tôi vẫn thấy tiếc.

Thật ra, cho tới hôm qua tôi vẫn tự đặt cho mình câu hỏi: Tại sao hồi đó bà cố tôi không nghe lời ông Thức làm giấy tờ để lại Cồn Lớn cho ba tôi? Rồi tôi tự trả lời, có lẽ Cồn Lớn có ý nghĩa rất lớn đối với bà cố, nên bà kiên quyết giữ nó tới phút cuối cùng. Rồi tôi tưởng tượng ông cố tôi là một nhà nho thất thời, ông cất một cái chòi nhỏ bên Cồn Lớn để lánh đời, ngày hai buổi bà cố tôi phải chèo xuồng bưng cơm nước qua cho ông, ban đêm bà chèo xuồng qua quạt cho ông ngủ rồi mới chèo xuồng về, nhưng cũng có hôm ông giữ tay bà lại, rồi những bà Sáu, ông Bảy, bà Tám, ông Chín, bà Mười của tôi lặng lẽ chào đời…

***

Giờ thì cả nhà tôi đang đặt chân trên chiếc cầu gỗ nối từ nhà ông Năm qua Cồn Lớn (chủ nhà hàng đã thuê một phần đất của ông Năm để làm mặt tiền, dọc theo mấy cây dừa, người ta treo bảng “An Việt thôn - Island Restaurant” nhấp nháy cả ngày đêm, nhìn rất bắt mắt.

Đứng giữa chiếc cầu gỗ nhìn xuống dòng sông mùa nước cạn, thấy phân, rác nổi lềnh bềnh mà tôi tiếc bời bời. Tôi tiếc một dòng sông sắp qua đời. Còn Cồn Lớn bây giờ là của người ta rồi, sáng nay tôi đã dặn mình không nên tiếc nữa, dù ba tôi vừa định giá nó khoảng chục tỉ tôi cũng không tiếc nữa.

Nhưng tôi sẽ luôn nhớ về Cồn Lớn như là một hoang đảo neo giữ tuổi thơ tôi. 

Truyện ngắn của Nguyễn Hoàng Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.