Mỹ chống gián điệp mạng Trung Quốc bằng... cấm vận?

21/11/2013 16:30 GMT+7

(TNO) Ủy ban Nghiên cứu an ninh và kinh tế Mỹ - Trung Quốc (UCESRC) đề xuất tiến hành hàng loạt các biện pháp cấm vận nhằm ngăn chặn các hoạt động gián điệp mạng của Bắc Kinh.

(TNO) Ủy ban Nghiên cứu an ninh và kinh tế Mỹ - Trung Quốc (UCESRC) đề xuất tiến hành hàng loạt các biện pháp cấm vận nhằm ngăn chặn các hoạt động gián điệp mạng của Bắc Kinh.

AFP ngày 21.11 dẫn bản báo cáo thường niên của UCESRC đề cập đến việc chính quyền Trung Quốc “đang chỉ đạo và tiến hành một chiến dịch gián điệp mạng quy mô lớn nhằm đánh cắp dữ liệu mật từ các cơ quan chính phủ và khối doanh nghiệp tư nhân của Mỹ”.

UCESRC đề xuất hàng loạt các biện pháp đối phó, bao gồm: Cấm nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc có công nghệ trộm của Mỹ; cấm các công ty Trung Quốc trộm công nghệ Mỹ mở tài khoản, giao dịch tại các ngân hàng của Mỹ; cấm các đối tượng liên quan đến những vụ gián điệp mạng đi đến Mỹ…

UCESRC nhận định cần phải áp dụng nhiều biện pháp cấm vận cùng một lúc hơn là áp dụng từng biện pháp một.

Trong một bản báo cáo công bố hồi tháng 2, hãng an ninh mạng Mandiant (Mỹ) đề cập đến một đơn vị gián điệp mạng bí mật, bao gồm các tin tặc, đóng ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). 

Theo Mandiant, đơn vị này có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động gián điệp, thực hiện các cuộc tấn công mạng nhắm vào các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tư nhân Mỹ để trộm tài liệu mật.

UCESRC cho biết các hoạt động tấn công mạng từ Trung Quốc nhắm vào Mỹ chỉ giảm đi trong vòng một tháng sau khi Mandiant công bố báo cáo, nhưng sau đó tiếp tục gia tăng.

Chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc tấn công mạng này và cho rằng bản thân Trung Quốc cũng là nạn nhân của tin tặc.

Phúc Duy

>> Căng thẳng Mỹ - Trung về gián điệp mạng
>> Phanh phui vụ gián điệp mạng lớn nhất thế giới
>> Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên tiếng về cáo buộc tin tặc
>> Tin tặc Đông u tấn công Apple?
>> Trung Quốc bị tố đứng sau tin tặc
>> Dùng tin tặc làm tình báo mạng?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.