'Có cuộc tiếp xúc, cử tri TP.HCM dành 4/5 thời gian để nói về dự án treo'

16/05/2024 14:00 GMT+7

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết dự án treo, quy hoạch treo là vấn đề người dân rất bức xúc, thường xuyên nêu ra trong các buổi tiếp xúc cử tri tại TP.HCM.

Sáng 16.5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội trước kỳ họp Quốc hội.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết vấn đề dự án treo, quy hoạch treo thường xuyên được người dân nêu ra trong các buổi tiếp xúc cử tri, như dự án Sing - Việt và nông trường An Hạ (H.Bình Chánh) hay kênh Hàng Bàng (Q.6)... Cử tri phàn nàn rằng đã phản ánh với đại biểu mấy nhiệm kỳ trước rồi nhưng không thấy giải quyết.

"Tôi làm đại biểu ở nhiều nơi và thấy cũng có thực trạng này", ông Nghĩa nhận định, đồng thời cho biết tình trạng dự án treo, quy hoạch treo gây ra sự bất an, người dân không thể an cư lạc nghiệp.

Vị đại biểu này nhấn mạnh đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM chứ không phải của Quốc hội, nhưng vì UBND TP.HCM và các quận, huyện không giải quyết rốt ráo nên người dân mới phản ánh đến đại biểu Quốc hội. "Có cuộc tiếp xúc, cử tri dành 4/5 thời gian để nói về những tồn tại này mà không góp ý về việc xây dựng pháp luật", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Nhiều đồ án quy hoạch, dự án treo kéo dài hàng chục năm ở TP.HCM

Nhiều đồ án quy hoạch, dự án treo kéo dài hàng chục năm ở TP.HCM

SỸ ĐÔNG

Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị TP.HCM quan tâm giải quyết những vấn đề thiết thân của người dân như ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ngập nước, sụt lún, đặc biệt là tình trạng ngập nước chỉ sau mấy cơn mưa đầu mùa. 

"Với TP.HCM, mưa và ngập là vấn đề người dân quan tâm, đối diện hằng ngày trong khi dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng thì chưa hoàn thành", ông Trương Trọng Nghĩa nói thêm.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thanh Sang, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cho biết trong các buổi tiếp xúc cử tri ở TP.Thủ Đức, người dân lần nào cũng hỏi về tiến độ giải quyết khiếu nại tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu công nghệ cao (TP.Thủ Đức). Cụ thể, buổi tiếp xúc hồi cuối năm 2023 có 25/27 ý kiến, còn đợt tháng 5.2024 cũng ghi nhận hơn 20 ý kiến về việc này.

Trong các buổi tiếp xúc, đại diện UBND TP.Thủ Đức đã giải trình nhưng không giải quyết được vụ việc. "Người dân muốn Quốc hội giám sát tối cao về vấn đề này", ông Sang cho biết, đồng thời đánh giá các ý kiến rất quyết liệt, lần sau quyết liệt hơn lần trước. Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Sang đề nghị UBND TP.HCM quan tâm giải quyết để tránh phát sinh những vấn đề an ninh trật tự.

Sẽ khai thác ngắn hạn nhà đất đang bỏ trống

Đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ sự tiếc nuối trước tình trạng nhiều công trình dang dở khi gần hoàn thiện, hiện phải phơi mưa phơi nắng, trong đó có nhiều công trình lớn, ngay mặt tiền khu vực trung tâm. Lý do, nếu là dự án đầu tư công thì dính vào các vụ án, vụ việc; còn dự án của tư nhân thì vướng pháp lý.

Riêng với dự án đối diện chợ Bến Thành, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị UBND TP.HCM làm việc với cơ quan tư pháp, cơ quan Trung ương ưu tiên tháo gỡ để đảm bảo mỹ quan khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vận hành.

'Có cuộc tiếp xúc, cử tri TP.HCM dành 4/5 thời gian để nói về dự án treo'- Ảnh 2.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu thực trạng nhà đất công trên địa bàn TP.HCM vẫn còn bỏ trống, lãng phí

NGUYÊN VŨ

Một vấn đề khác được đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá được cử tri quan tâm là tình trạng tài sản công, đất công chưa sử dụng để lãng phí.

"Cử tri nói TP.HCM thiếu đất cho giao thông, công viên, trường học thì không có lý gì để tài sản công bỏ hoang, lãng phí", ông Ngân nhắc lại. Trong tài sản công, ngoài những khu đất thuộc quyền quản lý của TP.HCM còn có nhiều tài sản thuộc cơ quan Trung ương quản lý cũng trong tình trạng bỏ trống.

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở TN-MT Huỳnh Văn Thanh cho biết TP.HCM có Ban chỉ đạo 167 rà soát, sắp xếp và xử lý đối với nhà đất công trên địa bàn. Đối với tài sản thuộc cơ quan Trung ương, Ban chỉ đạo 167 của TP.HCM chỉ góp ý về quy hoạch, hiện trạng sử dụng và ngành nghề, chức năng kinh doanh theo quy định. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản sẽ sắp xếp.

Dù vậy, ông Thanh nhìn nhận sau khi sắp xếp và cho tiếp tục sử dụng thì có một số nhà đất bỏ trống, sử dụng không đúng mục đích.

'Có cuộc tiếp xúc, cử tri TP.HCM dành 4/5 thời gian để nói về dự án treo'- Ảnh 3.

Khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong (Q.10, TP.HCM) bị sử dụng sai mục đích nhưng chưa thể thu hồi

NGỌC DƯƠNG

Ông Thanh cho biết Thành ủy TP.HCM giao Sở TN-MT đề án quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn đất đai để tạo nguồn lực đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng giao Sở TN-MT đề án khai thác ngắn hạn quỹ đất chưa được giao, chưa cho thuê hiện do Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý.

Những nhà đất này được sắp xếp, thu hồi lại và giao Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý. "Trong thời gian chưa bán đấu giá hoặc sử dụng mục đích khác theo quy hoạch thì khai thác tạm trong ngắn hạn. Hiện nay chỉ có rào tôn và giữ, vừa tốn chi phí hằng năm, vừa dễ bị lấn chiếm trái phép", ông Thanh nói và cho biết đề án này sẽ được Sở TN-MT trình UBND TP.HCM trong tháng 5.2024.

Kinh tế TP.HCM khởi sắc sau dịch Covid-19

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2024, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tổng mức lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 367.000 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,1%; tổng thu ngân sách hơn 183.000 tỉ đồng, tăng 7,5% so với dự toán. Công tác chăm sóc sức khỏe và y tế được chú trọng; hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi, đa dạng; công tác đảm bảo an ninh trật tư, an toàn xã hội được thực hiện nghiêm.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá các chỉ số kinh tế của TP.HCM đang ở mức cao nhất từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020. Điều đó cho thấy những nỗ lực của TP.HCM mang lại sự phục hồi tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân dự báo khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 8%/năm mà Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11 đề ra. Do vậy, đại biểu cho rằng nên tách năm 2021 ra bởi dịch Covid-19 là tình huống bất khả kháng, đồng thời nỗ lực trong năm 2024 - 2025 thì sẽ đạt được chỉ tiêu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nhận định 10 tháng triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, chính quyền TP.HCM đã có nỗ lực rất lớn, hoàn thiện các khâu pháp lý, tạo năng lượng tích cực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.