Công an TP.HCM: Định danh xe máy sẽ thuận lợi cho phạt nguội

12/04/2024 04:32 GMT+7

Đại diện Công an TP.HCM nhìn nhận việc phạt nguội xe máy vẫn còn khó khăn nhất định, và việc xử phạt sẽ thuận lợi hơn khi biển số xe máy được định danh.

Chiều 11.4, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM thông tin về tình hình xử phạt qua hình ảnh (còn gọi là phạt nguội) các phương tiện vi phạm.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT xử lý vi phạm hơn 29.200 trường hợp, trong đó có hơn 7.300 trường hợp đã nộp phạt hơn 16 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm gồm điều khiển xe quá tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh, đèn tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, dừng đỗ xe không đúng quy định...

Triển khai hệ thống giám sát hình ảnh, phạt nguội hàng chục ngàn trường hợp vi phạm

Ngoài phạt chủ xe ô tô thì công an cũng xác minh, phạt nguội đối với xe máy nhưng việc xác minh và xử lý còn khó khăn nhất định. "Hiện nay, Bộ Công an và Công an TP.HCM đang thực hiện định danh biển số xe máy. Đây là điều kiện thuận lợi để xử phạt nguội đối với xe máy", thượng tá Hà nói thêm.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT TP.HCM xử lý vi phạm hơn 29.000 trường hợp bằng hình thức phạt nguội

Trong 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT TP.HCM xử lý vi phạm hơn 29.000 trường hợp bằng hình thức phạt nguội

VŨ PHƯỢNG

Liên quan đến việc đầu tư hệ thống camera giám sát, thượng tá Hà cho biết việc xử phạt qua hình ảnh giúp người dân nâng cao ý thức tham gia giao thông, giảm tải cho lực lượng CSGT trong tuần tra, kiểm soát, nhận được sự đồng thuận cao. Hiện Công an TP.HCM đang phối hợp Sở TT-TT xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh qua camera tập trung với những giải pháp công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn.

Về việc chưa áp dụng đóng tiền bảo lãnh thay cho tạm giữ phương tiện, thượng tá Hà cho biết hiện công an tạm giữ giấy tờ thay cho tạm giữ phương tiện để đảm bảo việc thực hiện quyết định xử phạt. Người dân cũng thấy rằng, trường hợp tạm giữ giấy tờ thì thuận lợi hơn. Theo thống kê, trên địa bàn TP.HCM chưa có trường hợp nào nộp tiền, tài sản đảm bảo để thay thế cho việc tạm giữ phương tiện.

"Việc tạm giữ giấy tờ có thuận lợi là áp dụng ngay trong giai đoạn xác minh. Còn việc nộp tiền bảo lãnh để đảm bảo việc thực hiện quyết định xử phạt thường ở giai đoạn cuối của quá trình xác minh, khi xác định được hành vi vi phạm", đại diện Công an TP.HCM phân tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.