Chợ 'độc' mùa nước nổi

06/10/2013 09:00 GMT+7

Mùa nước nổi tràn về cũng là lúc làng quê ở An Giang lại chộn rộn với các chợ “độc” chuyên bán các mặt hàng chỉ xuất hiện trong mùa.


Hái bông điên điển bán  - Ảnh: Đặng Ngọc

Chợ trùn Thất Sơn

Một trong những chợ “độc” chỉ xuất hiện theo con nước nổi là chợ trùn nằm trong góc khuất ở chợ Hòa Hưng (thị trấn Nhà Bàng, H.Tịnh Biên) có tuổi đời trên 40 năm. Chị Sang, một trong những chủ vựa trùn, nói cả miền Tây chỉ có nơi đây là có chợ trùn, các mối lái khác đều tới đây lấy trùn bán lại. Quả thật chị nói không quá lời, miền Tây có nhiều chợ côn trùng nhưng chưa có nơi nào có chợ trùn độc đáo như vùng Thất Sơn.

Chị Sang kể khi nước lớn tràn về, chợ trùn mới hoạt động xôm tụ, còn năm nào nước thấp chợ chắc chắn đìu hiu. Chị giải thích: “Nước lớn nên cá tôm cũng nhiều, ngư dân mới phấn khởi mua trùn làm mồi câu cá, tôm, lươn... Trùn bán ở chợ này là trùn hổ - mồi ngon rất bén cá tôm. Ngư dân còn dùng trùn để ủ sau đó đặt trong các ống trúm dụ bắt lươn, cua và các loài cá khác”. Theo kinh nghiệm của nhiều người trong nghề bán trùn, có một điều trùng hợp đó là khi trời sa mưa thì trứng trùn trong lòng đất nở thành trùn con. Đến khi con nước nổi tràn về thì trùn đã lớn, rồi sau đó qua mùa nước nổi tới nắng hạn trùn lại chết tan vào đất.

Mỗi ký trùn có giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng, tùy theo mua lẻ hay mua sỉ. Chị Sang nhẩm tính từ sáng tới giờ mới bán được hơn 50 kg. Nghe chúng tôi hỏi thường mỗi ngày bán được bao nhiêu ký, chị nhìn xa xôi nói, mấy năm trước chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ là cân bán cả trăm ký trùn, có khi một ngày bán cả tấn. Ngày xưa nghe tên chợ trùn Thất Sơn ngư dân nào cũng biết. Còn bây giờ mọi chuyện đã khác...

Chị Sang bộc bạch năm nay mới 46 tuổi, nhưng đã có thâm niên bán trùn hơn... nửa đời người. Chị nói ngày xưa chợ trùn náo nhiệt lắm không lưa thưa như bây giờ đâu. Trong xóm con nít đã biết hốt trùn như hốt đất, nhà nào cũng chứa trùn hổ, vậy mà lái tới hối cân bán không đủ, rạng sáng ghe xuồng đậu đầy bờ kinh chờ tới lượt cân trùn. Những năm nước ngập lênh láng, người ta bơi xuồng tới cân trùn nên chợ đã nhộn nhịp càng thêm ồn ào.


Chị Sang đang cân trùn bán - Ảnh: T.D 

Từ khi nghề nuôi cá tra và cá ba sa thịnh vượng thì chợ trùn càng sôi động hơn. Lúc đó, các ngư dân tới đặt mua trùn để đi câu cá ba sa, cá tra về bán cho các chủ bè thả làm cá giống. “Nhưng khoảng năm 2000, chợ trùn bắt đầu thưa thớt người mua kẻ bán", chị nói. Chị Sang lý giải do bây giờ các đồng lúa đã làm đê bao nên cá không còn lội vào đồng được. Nguồn lợi thủy sản giảm sút kéo theo các ngư dân đánh bắt cũng ít hẳn đi, rồi sau đó lại lai tạo thành công cá tra, cá ba sa nên dân câu cá giống xem như hết thời. Ngoài ra, ngày xưa ít sử dụng phân bón nên trùn hổ sinh sôi nhiều nhưng ngày nay dùng nhiều phân hóa học đã ảnh hưởng tới sinh trưởng của trùn làm cho chúng càng ít đi.

Anh Tư Vững  (35 tuổi, ngụ thị trấn Nhà Bàng) nói, bây giờ trùn hổ thì bắt bán câu cá, còn trùn quắn người ta mua làm thuốc hay nấu cháo ăn. Vững nói: “Trùn quắn ngâm rửa rạch, đem nấu cháo ăn ngon hơn cháo gà. Nhưng món này chỉ đãi người quen còn người lạ ăn ngại miệng”.

Rộn ràng chợ "độc"

 

Mùa lũ dễ sống, cá cua bắt cũng dễ, bán cũng mau

Anh Sáu Hớn, chợ Bắc Đai, An Giang

Vào những ngày đầu tháng 10 này, chúng tôi có dịp len lỏi qua các tỉnh lộ, hương lộ vùng Vĩnh Quới (H.Tịnh Biên). Bà con ngư dân nói năm nay nước nổi lớn hơn năm 2012 nên cá tôm cũng khấm khá hơn. Vùng Thất Sơn có nhiều chợ họp rất sớm, tan nhanh nên người dân còn gọi là chợ “âm phủ”. Một trong những chợ âm phủ lâu đời là chợ Tha La, nhóm họp khoảng 3 giờ sáng ở chân cầu Tha La, tới 5 giờ thì chợ tan.

Khoảng thời gian tuy ngắn nhưng chợ thật rộn ràng. Xuồng câu lưới, lọp dớn... tấp nập đổ về. Các lái cá chộn rộn cân cá, rồi phân chia cá đồng theo nhóm, đưa lên xe đi nhanh về thị thành cho kịp buổi chợ trưa. Quá 6 giờ, chợ âm phủ Tha La nhường bước lại cho các chợ “chồm hổm” bán các loại cá nuôi chen lẫn cá sông, cá đồng.

Họp trễ hơn chợ âm phủ một chút là chợ tép đồng, chợ cá chạch ở xã Vĩnh Quới, H.Tri Tôn. Độ 6 giờ sáng, những người dân sau một đêm giăng lưới, kéo lưới vất vả trên đồng đã đem cá tép tới đây cân. Cảnh bán diễn ra ồn ào nhưng tan rất nhanh vì người mua kẻ bán quá rõ nhau nên không ai nói thách, cò kè thêm bớt.

Anh Sáu Đặng, một lái tép nói mùa nước nổi năm nay anh thu mỗi ngày hơn 300 kg tép với giá 10.000 đồng/kg. Lượng tép này được cân bán lại cho những người chuyên nấu bún cá, bún cua. Họ dùng để ủ làm mắm tép hay phơi tép làm khô trộn ăn với bún cá, bún cua.

Năm nay các cánh đồng vùng Tri Tôn nhiều nơi nước ngập lênh láng, nên với kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề, vựa cá ông Ngọc dự đoán cá linh, cá đồng như cá rô, cá sặc, cá lóc cùng các loài cá sông như cá khoai, cá chốt sẽ nhiều hơn.

Mùa này cũng là mùa của những chợ tự phát như dọc theo quốc lộ 941 qua các xã Vĩnh Bình, Vĩnh An, Vĩnh Hanh của H.Châu Thành, hai bên đường rất đông người bày bán bông điên điển và gỏi điên điển. Bà Tư Bé, ngụ ở xã Vĩnh Bình nói mấy năm gần đây hàng trăm hộ dân tận dụng nước nổi trồng điên điển bán và cho thu hoạch khá. Bà  Bé nói: “Cây điên điển ngộ lắm, có nước nổi tràn về đồng dù nước lớn hay nhỏ chúng mới mọc được, khi nước rút bông tàn tụi tôi chặt bỏ cây điên điển trồng cây khác, đợi tới lũ năm sau tiếp tục trồng điên điển”. Bà Bé cho biết một hộp gỏi chua điên điển giá 30.000 đồng, còn một 100 gram bông điên điển tùy theo đầu mùa hay cuối mùa lũ má bán giá 3.000 - 4.000 đồng...


Chợ cua đồng Khánh An

Chợ cua ốc đầu nguồn

Nếu miệt Thất Sơn sôi động với những chợ cá, tép thì vùng An Phú - đầu nguồn sông Hậu - cũng rôm rả với các mặt hàng cua đồng, ốc, rắn. Người mua kẻ bán hối hả để chủ vựa kịp vô hàng chuyển cua ốc lên xe tải đưa về TP.HCM, Hà Nội. Khác với chợ ở Thất Sơn, chợ độc vùng An Phú chỉ hoạt động vào ban chiều.

Ngay trên bãi đất trống gần chợ xã Khánh An, chợ ốc đồng lúc này đang nhộn nhịp. Cánh đàn ông thì khiêng cân ốc, cánh phụ nữ thì phân loại ốc lớn nhỏ, loại bỏ ốc chết cân ký bán cho các hộ nuôi cá. Bà Tư Lê, chủ vựa ốc, cho biết ốc đồng mua lại của ngư dân với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Cầm con ốc to ù, bà Tư Lệ giải thích: “Mùa lũ mới có ốc đồng nhiều, người Sài Gòn, Hà Nội rất khoái ốc này vì chúng là ốc bươu chính hiệu". Bà Tư Lệ nhẩm tính có ngày cân mua hơn 2 tấn ốc, phân loại xong đóng ốc vô thùng đưa lên xe tải đi xa.

Từ chợ ốc đi vài cây số lại thấy nhộn nhịp chợ cua đồng. Anh Ba Long, chủ vựa cua, vui vẻ nói nước hơi lớn hơn năm rồi nên cua đồng cũng nhiều hơn, bình quân một ngày vựa anh thu trên 1 tấn cua. Anh Ba Long nói không ngờ gần đây dân Sài Gòn lại xem cua đồng là đặc sản, họ chỉ thích cua thiên nhiên chứ không kết cua nuôi. Mùa lũ nên nhiều con cua mập ù với đôi càng chắc khỏe. Anh Long cười: “Nước lũ về nên mua bán cũng thảnh thơi, còn mùa khô cua ít, giá mấy chục ngàn đồng ký mà mấy lái ở Sài Gòn cứ thúc hối không biết kiếm ở đâu mà giao cho đủ”. 

Buổi chiều ở chợ Bắc Đai lại huyên náo. Người thì cân cua, người thì cân ốc, rắn, rắn mối... tạo ra âm thanh náo động làng quê.  Anh Sáu Hớn bán tạp nhạp cua rắn nói: “Mùa lũ dễ sống, cá cua, bắt cũng dễ, bán cũng mau. Như bầy rắn mối này mùa lũ nhiều lắm nên giá rẻ, 1 kg giá 50.000 đồng, đâu chừng 20 con được 1 kg, ăn no bụng luôn à nghen. Mùa khô làm gì có giá đó”.

Thanh Dũng

>> Đặc sản mùa nước nổi
>> Mưu sinh mùa nước nổi
>> Du lịch “bụi” mùa nước nổi
>> Du lịch mùa nước nổi hút khách
>> Khám phá mùa nước nổi
>> Tràm Chim mùa nước nổi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.