Cử tri kiến nghị bỏ độc quyền phân phối điện, Bộ Công thương nói gì?

20/05/2024 10:55 GMT+7

Cử tri kiến nghị về tình trạng độc quyền trong sản xuất và phân phối điện, cần để các tổ chức, cá nhân có năng lực có thể tham gia vào các công đoạn này.

Sáng 20.5, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 7. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6.

Báo cáo cho thấy, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, 2.216 kiến nghị của cử tri đã được tiếp nhận, tổng hợp. Nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung như: lao động - thương binh và xã hội, y tế, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp - nông thôn…

"Đến nay, 2.210 kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời, đạt 99,7%", báo cáo nêu.

Cử tri kiến nghị bỏ độc quyền phân phối điện, Bộ Công thương nói gì?- Ảnh 1.

Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 7

GIA HÂN

5 tổng công ty điện lực đang phân phối hơn 90% tổng sản lượng

Một trong những nội dung được đề cập trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc Bộ Công thương trả lời kiến nghị của cử tri về tình trạng độc quyền trong sản xuất và phân phối điện. Theo đó, cử tri kiến nghị để các tổ chức, cá nhân có năng lực có thể tham gia vào các công đoạn này.

Bộ Công thương cho hay, việc tham gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào khâu phát điện và phân phối bán lẻ điện đã từng bước giảm dần về thị phần. Thay vào đó, tỷ trọng tham gia của khối tư nhân vào các hoạt động của ngành điện có xu hướng tăng dần theo thời gian.

Đối với khâu phát điện, Bộ Công thương dẫn chứng đã có nhiều thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động phát điện, bao gồm nhà nước, tư nhân, nhập khẩu, nước ngoài.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, tính đến tháng 11.2023, tỷ trọng của các thành phần kinh tế trong khâu phát điện như sau: EVN chiếm 13%, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 8%, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chiếm 2%, Genco 1 chiếm 9%, Genco 2 chiếm 5%, Genco 3 chiếm 7%. Các nhà máy điện BOT chiếm 11%, tư nhân chiếm 42%, và nhập khẩu điện chiếm 2%.

Đối với khâu phân phối bán lẻ điện, hiện nay, 5 tổng công ty điện lực thực hiện chức năng phân phối, bán lẻ điện cho các khách hàng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, chiếm khoảng trên 90% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc.

Ngoài ra, còn có hơn 1.000 tổ chức thuộc tư nhân hoặc cổ phần, các hợp tác xã thực hiện cung ứng điện cho khách hàng, chiếm khoảng gần 10% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc.

Bộ Công thương cho hay, việc tham gia của EVN vào khâu phát điện và phân phối bán lẻ điện đã từng bước giảm dần về thị phần (ảnh minh họa)

Bộ Công thương cho hay, việc tham gia của EVN vào khâu phát điện và phân phối bán lẻ điện đã từng bước giảm dần về thị phần (ảnh minh họa)

T.N

Giá gạo tăng mạnh, Nhà nước can thiệp được không?

Một nội dung nữa được nhắc tới trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Bộ Tài chính đã trả lời kiến nghị của cử tri về thị trường gạo tháng 8.2023 có biến động mạnh về lượng cung và cầu, dẫn đến giá gạo tăng mạnh, gây khó khăn về nhu cầu lương thực cho hộ nghèo và người lao động.

Cử tri kiến nghị cơ quan quản lý cần chủ động thực hiện các biện pháp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn và thực hiện bình ổn giá thị trường để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của luật Giá và các văn bản hướng dẫn, nhà nước thực hiện quản lý giá đối với các mặt hàng nói chung, giá các mặt hàng lúa, gạo nói riêng theo cơ chế thị trường.

Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng lúa gạo được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Bô Tài chính khẳng định, Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động giá các mặt hàng trên qua các biện pháp kinh tế vĩ mô và sử dụng biện pháp bình ổn giá các hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá có biến động bất thường về giá hoặc khi mặt bằng biến động làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.

Cạnh đó, Nhà nước thực hiện quản lý và điều hành giá theo quy định của pháp luật thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra… góp phần tạo mặt bằng giá ổn định cho sản xuất nông nghiệp và đảm bảo đời sống nhân dân.

Căn cứ chỉ tiêu, kế hoạch, số lượng đã giao, hàng năm Bộ Tài chính thực hiện mua lúa, gạo dự trữ quốc gia góp phần ổn định giá thóc, gạo trên thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.