Cuộc gọi rác... không nghỉ lễ

01/05/2024 06:22 GMT+7

Mặc dù cả nước đang bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài nhưng các đối tượng telesales, đối tượng lừa đảo vẫn… miệt mài hoạt động.

Nghỉ lễ cũng không yên

Đang bận rộn tranh thủ chuyển sang căn hộ mới thuê ở Q.7 (TP.HCM), chị N.D.Y thấy có cuộc điện thoại gọi đến, nghĩ rằng là nhân viên vệ sinh máy lạnh, chị bắt lên nghe nhưng hóa ra lại là nhân viên chào mời đầu tư tài chính. Điên tiết, chị Y. định to tiếng mắng cho một trận, nhưng kẻ "rảnh hơi" kia đã vội vàng cúp máy.

Anh T.M.K (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng đang tận hưởng kỳ nghỉ của mình cùng với gia đình ở Bình Định, nhưng một cuộc điện thoại lạ gọi đến làm anh tuột hết cả hứng vì đó là cuộc gọi của nhân viên đặt tour du lịch của một công ty nào đó.

"Tôi có đăng ký thông tin đặt tour hè cùng gia đình vào tháng 6, nhưng công ty đó chưa liên hệ lại thì đã có nhiều cuộc gọi của các công ty du lịch khác gọi đến. Tại sao lại có sự trùng hợp như vậy? Liệu rằng có sự thông đồng hay lộ thông tin đăng ký hay không?", anh T.M.K thắc mắc.

Vẫn còn nhiều cuộc gọi rác làm phiền người dân trong kỳ nghỉ lễ

Vẫn còn nhiều cuộc gọi rác làm phiền người dân trong kỳ nghỉ lễ

Đ.N.T

Chị N.H (Q.4) bức xúc cho biết chị liên tục nhận được các cuộc gọi rác mời gọi đầu tư chứng khoán vào những ngày nghỉ lễ. Bình thường, chị ít khi nghe điện thoại không có lưu tên. Nhưng vì lễ ở nhà có đặt hàng qua mạng, sợ người giao đồ tới... nào ngờ.

"Lễ cũng không tha, mệt mỏi thật. Chưa kể lễ cũng là dịp các hội nhóm trên Zalo, Telegram hoạt động mạnh mẽ hơn. Mới nghỉ 3 ngày lễ, tôi đã được lôi vào 5 - 6 nhóm, nào là Room siêu VIP - VNINDEX tư vấn miễn phí mua bán không chat tới gần ngàn thành viên; Rồi nhóm Tư vấn siêu VIP - Phím lệnh mua bán; rồi là Nhấp chuột có tiền...", chị N.H than thở.

Mấy ngày gần đây, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng VN (VNCERT - Cục An toàn thông tin) cũng liên tục ghi nhận nhiều phản ánh từ người dân khi nhận được cuộc gọi lừa đảo từ các số điện thoại lạ mời tham gia hội nhóm Telegram, Zalo để đầu tư tài chính với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dùng.

Trước kỳ nghỉ lễ, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cũng đã triển khai nhiệm vụ tăng cường đảm bảo an toàn thông tin mạng trong dịp lễ. Theo đó, Cục yêu cầu các đơn vị cần tăng cường theo dõi, cập nhật, xử lý các phản ánh, khiếu nại của người dùng về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, đặc biệt là tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi lừa đảo qua hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác do Cục An toàn thông tin chia sẻ; xử lý quyết liệt, triệt để các trường hợp phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo mà người dùng phản ánh. Cục cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác, cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, nhất là trên mạng; tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư, luôn luôn đề phòng trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công nghệ cao…

Những thói quen tưởng vô hại mà… hại không tưởng

Anh T.K.H có thói quen chụp hình CCCD cả 3 người trong nhà lưu trong điện thoại để tiện sử dụng. "Vợ, con toàn đãng trí, cứ lâu lâu lại gọi hỏi có nhớ số CCCD không. Tôi lưu trong điện thoại, chuyển qua Zalo là xong đỡ mất công nhắn nhít", anh H. giải thích. Không chỉ CCCD, nhiều người cũng lưu những giấy tờ thường xuyên sử dụng trong điện thoại cho tiện.

Thói quen tưởng chừng tiện dụng, vô hại này vừa được cảnh báo có thể khiến chúng ta mất tiền như chơi. Ngân hàng BIDV mới cảnh báo, người dùng điện thoại Android tuyệt đối không lưu trữ trên thiết bị di động: ảnh chụp CMND hoặc CCCD hoặc hộ chiếu cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu truy cập ứng dụng ngân hàng. Theo ngân hàng này, thời gian gần đây xuất hiện các đối tượng giả danh là cán bộ của các cơ quan Nhà nước, Chính phủ (đặc biệt là cơ quan công an, thuế) gọi điện thoại thông báo khách hàng cần khai báo/cập nhật thông tin tại các ứng dụng của cơ quan Nhà nước (như VNeID, VSSID, eTax...) và sẽ gửi/đọc các đường link tải ứng dụng giả mạo cho khách hàng.

Mặc dù đang nghỉ lễ nhưng các đối tượng giấu mặt vẫn hoạt động không ngừng nghỉ

Mặc dù đang nghỉ lễ nhưng các đối tượng giấu mặt vẫn hoạt động không ngừng nghỉ

NVCC

Sau khi ứng dụng giả mạo được cài đặt vào điện thoại, các đối tượng sẽ tạo ra một số tình huống để người dùng thực hiện các giao dịch như đổi mật khẩu, chuyển khoản lệ phí công… Khi khách hàng thực hiện, các ứng dụng giả mạo này sẽ theo dõi và đọc trộm các thông tin mà khách hàng nhập vào toàn bộ các ứng dụng trên điện thoại, cũng như các thao tác mà khách hàng thực hiện trên thiết bị (bao gồm cả nguy cơ đánh cắp thông tin trên SmartBanking), từ đó cướp quyền điều khiển thiết bị di động cũng như tài khoản của khách hàng. Hiện tượng được ghi nhận chủ yếu xảy ra với khách hàng sử dụng hệ điều hành Android.

Do đó, BIDV khuyến cáo khách hàng đang sử dụng các thiết bị Android thực hiện tắt các ứng dụng có quyền Hỗ trợ (Accessibility) tại mục "Cài đặt > Hỗ trợ > Ứng dụng đã cài đặt".

Tương tự, Ngân hàng VietinBank cũng cảnh báo các phần mềm giả mạo dịch vụ công như Bộ Công an, VNeID, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Thuế... hướng dẫn người dùng tải ứng dụng về máy, từ đó chiếm quyền kiểm soát điện thoại và chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử… của khách hàng.

Thực tế, các chiêu trò lừa đảo liên tục cảnh báo trên nhiều kênh truyền thông nhưng nạn lừa đảo qua điện thoại, dẫn dụ lừa đảo vẫn diễn ra phổ biến và không ít người bị sụp bẫy.

Công an TP.HCM cho biết, tội phạm lừa đảo qua mạng luôn lợi dụng những sự kiện, những tình huống và nhu cầu của người dân vào từng thời điểm để đưa ra các thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong đó có thủ đoạn nhân dịp lễ 30.4 và 1.5 cũng như du lịch mùa hè, để lừa người dân mua các tour du lịch giá rẻ, máy bay giá rẻ để chiếm đoạt tiền chuyển mua vé và mua tour du lịch. Để phòng ngừa tội phạm, cơ quan công an đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân đề cao cảnh giác không mua vé máy bay, mua tour du lịch giá rẻ trên mạng mà không xác định được trang web chính thống của cá nhân, tổ chức chính thống cung cấp dịch vụ. Công an cũng tuyên truyền để các doanh nghiệp trên lĩnh vực cảnh giác phát hiện các trang web, tài khoản giả mạo, kịp thời tố cáo đến cơ quan chức năng để ngăn chặn xử lý; tăng cường công tác nắm tình hình trên không gian mạng để kịp thời có giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý đối tượng phạm tội.

Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao giúp giảm các cuộc gọi lừa đảo sử dụng SIM rác. Tuy nhiên, các cuộc gọi rác như quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu, mời chào sản phẩm dịch vụ sẽ chưa bị loại bỏ vì về bản chất loại hình này không phải là loại hình cần che giấu thông tin. Khác với các cuộc gọi lừa đảo là người gọi cần phải ẩn danh để tránh bị xử lý, các cuộc gọi rác hiện tại thậm chí còn chủ động cung cấp thông tin về công ty, tổ chức đang thực hiện cuộc gọi để mời chào người dùng tham gia sử dụng dịch vụ của họ. Điển hình trong đó là các cuộc gọi mời đầu tư, chứng khoán, bất động sản, du lịch, học ngoại ngữ...

Một chuyên gia an ninh mạng

Gần đây cuộc gọi rác đang chuyển sang dùng các đầu số cố định hoặc nền tảng OTT. Với các nền tảng này chúng có thể tạo hoặc mua tài khoản của người khác để thực hiện cuộc gọi cho các nạn nhân. Đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý các nhà mạng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ điện thoại cố định chặt chẽ hơn, để tránh làm phiền, gây bức xúc cho người dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.