Đã nên bỏ khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến?

20/10/2021 05:00 GMT+7

Việt Nam đã chuyển trạng thái chống dịch từ 'zero Covid' sang sống trong môi trường có dịch. Vấn đề đặt ra là thời điểm này đã nên tính đến việc xóa bỏ khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến chưa?

Tại cuộc gặp mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lực lượng tuyến đầu chống dịch, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội, cho rằng đã đến lúc xóa bỏ các khu cách ly tập trung, các BV dã chiến (BVDC) và thay vào đó là hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân (BN) tại nhà theo cấp phường, xã.

Bệnh viện dã chiến từng đông nghẹt bệnh nhân tại Bình Dương sắp được đóng cửa

ĐỖ TRƯỜNG

Covid-19 sáng 20.10: Cả nước 865.558 ca nhiễm, 792.029 ca khỏi | TP.HCM thí điểm mở cửa trường học

Cần tăng năng lực cho y tế cơ sở

Thực tế, nhiều địa phương vẫn đang duy trì các khu cách ly tập trung và chuẩn bị BVDC, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vắc xin tại các tỉnh còn thấp, nguồn lực y tế mỏng.

Theo TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock, Đại học Sydney (Úc), với BVDC khi số lượng F0 ít thì không cần mở. Tuy nhiên, khi quá nhiều F0 trung bình hoặc nặng, nhất là trong bối cảnh vắc xin còn ít mà các BV thông thường không đủ chỗ thì vẫn cần tới BVDC. TS Thu Anh cũng cảnh báo với số lượng lớn người lao động từ TP.HCM và các tỉnh phía nam về các địa phương thì các khu cách ly tập trung có nguy cơ quá tải, có thể dẫn tới lây nhiễm chéo.

Chuyên gia này cho rằng ngoài việc ưu tiên khẩn cấp tiêm vắc xin cho những người dễ tử vong và bệnh nền, cần tăng năng lực của y tế cơ sở, thay đổi mô hình điều trị như tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến từ cơ sở, tập huấn cho người dân, huy động đội ngũ tình nguyện viên để hỗ trợ được F0 tại cộng đồng khi số lượng lớn.

“Những vùng có nguy cơ hiện nay như đồng bằng sông Cửu Long dân cư thưa hơn TP.HCM, nhưng các điều kiện về y tế, hỗ trợ an sinh đều không bằng. Vì thế, muốn an toàn phải dự trù xa, tính tới các nguy cơ bùng phát dịch. Việc chuẩn bị, tăng năng lực cho hệ thống y tế từ cấp cơ sở không chỉ tốt cho quản lý dịch bệnh Covid-19 mà còn tốt cho cả quản lý hậu đại dịch tới đây và các bệnh tật khác”, TS Thu Anh đánh giá.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc duy trì khu cách ly tập trung hay không nên giao cho từng địa phương linh hoạt áp dụng. Dù vậy, TS Nga cũng khuyến cáo không nên duy trì các khu cách ly tập trung quy mô quá lớn tới vài nghìn người hoặc không đảm bảo điều kiện, dễ dẫn tới lây nhiễm chéo. Ví dụ, ổ dịch tại BV Việt Đức (Hà Nội), thời điểm phát sinh các ca đầu tiên từ 30.9, nhưng tới nay sau 20 ngày vẫn phát sinh các ca mới, trong khi chủng Delta lây lan chỉ cần 2 - 3 ngày sẽ khởi phát bệnh. Đa số ca bệnh tại BV Việt Đức đã được đưa đi cách ly tập trung tại BV Thanh Nhàn và một số khu cách ly tập trung khác trên địa bàn Hà Nội, cho thấy đã xuất hiện lây nhiễm chéo trong quá trình cách ly.

“Các khu cách ly tập trung đông người, nhiều người ở cùng một phòng điều kiện không đảm bảo nên bỏ vì dễ lây chéo. Nhưng vẫn cần duy trì một số khu cách ly quy mô nhỏ cho các đối tượng có nhu cầu như người nhập cảnh, các F1 tự nguyện đi cách ly vì sợ lây cho gia đình, những người điều kiện nhà cửa quá chật chội”, ông Nga nói và lưu ý các khu cách ly cần đảm bảo điều kiện mỗi người một phòng, tránh tiếp xúc lây chéo lẫn nhau.

Đặc biệt, các khu vực nông thôn hoặc các tỉnh, khi trẻ em là F1 thì không nên bắt buộc đi cách ly tập trung mà nên cho cách ly tại nhà, vì các cháu đều nhỏ, cần người chăm sóc. Tương tự, với người già cao tuổi là F1 cũng cần được cách ly tại nhà.

TP.HCM đề nghị phân bổ thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 cho 13 tỉnh thành phía Nam

Chưa nên vội xóa bỏ

Ở góc độ khác, một chuyên gia về y tế với kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm cho rằng chưa nên vội xóa bỏ các khu cách ly tập trung và BVDC. Lý do, việc phát hiện sớm, truy vết, cách ly vẫn là biện pháp quan trọng để dịch không lây lan, không bùng phát tại nhiều địa phương.

Bình Dương sắp đóng cửa BVDC 20.000 giường

Chiều 19.10, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết địa phương này dự kiến đóng cửa BVDC cơ sở Thới Hòa (TX.Bến Cát) vào cuối tháng 10.2021.

Theo ông Minh, hiện nay số BN Covid-19 được điều trị khỏi bệnh, xuất viện ở Bình Dương đạt khoảng 98% so với tổng số ca mắc ghi nhận trong toàn tỉnh (tính đến ngày 19.10, Bình Dương ghi nhận 225.853 ca dương tính Covid-19, trong đó có 217.573 ca xuất viện). Hiện Bình Dương chỉ còn 8.280 BN đang được điều trị trong các BVDC, cơ sở điều trị Covid-19. Riêng tại BVDC lớn nhất Bình Dương cơ sở Thới Hòa, lúc cao điểm đã thu dung điều trị cho trên 20.081 BN Covid-19 nhưng đến ngày 19.10, theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương, tại đây chỉ còn 379 BN đang điều trị.

Ông Võ Văn Minh khẳng định với số ca F0 nhập viện mỗi ngày (dao động ở 3 con số) nhỏ hơn rất nhiều so với số ca xuất viện (dao động ở

4 con số - PV) nên UBND tỉnh Bình Dương đã có chủ trương và quyết định đóng cửa BVDC cơ sở Thới Hòa vào cuối tháng 10.2021. Bình Dương chỉ giữ lại và sử dụng các khu cách ly, điều trị ở cấp huyện thị với số lượng mỗi cơ sở ở tuyến huyện khoảng từ 300 - 400 giường bệnh. Cũng theo ông Minh, hiện nay Bình Dương đã cho giải thể, trả lại mặt bằng, phòng ốc của các trường học, trung tâm văn hóa… trước đó đã trưng dụng để làm khu cách ly tập trung, khu điều trị.

Đỗ Trường

Đặc biệt, việc tiêm chủng chưa bao phủ đủ lớn để đạt miễn dịch cộng đồng trên phạm vi cả nước. Người tiêm đủ liều vắc xin rồi vẫn còn nguy cơ nhiễm và người đó vẫn có thể lây cho người khác. Người bị lây nhiễm có thể không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ không phải nhập viện, không gây quá tải, không tử vong nhưng họ lại có thể lây nhiễm và khi lây nhiễm cho người cao tuổi, người có bệnh nền, hay trẻ em, người chưa tiêm vắc xin đầy đủ có thể diễn biến nặng, thậm chí tử vong. Hoặc, họ lây cho những người chưa tiêm vắc xin, lây cho trẻ em… tại những vùng tỷ lệ tiêm chủng thấp như vậy sẽ khiến bùng phát dịch.

Tại VN, hiện nay, trẻ em chưa được tiêm vắc xin Covid-19, việc tiêm đủ liều vắc xin cho người dân chưa cao và khi chúng ta nới lỏng giãn cách có người nhập cư đến họ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đầy đủ thì nguy cơ bùng phát dịch cũng cao.

Với thực tế trên, theo chuyên gia này, việc cách ly các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, phong tỏa trên phạm vi hẹp, truy vết tìm các ca liên quan ca bệnh để cách ly là cần thiết và vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động KT-XH.

Đặc biệt, việc cách ly F0 là rất cần thiết trong điều kiện nhiều gia đình nơi ở chật hẹp, vệ sinh chung. Vì vậy, rất cần cân nhắc khi xóa cách ly tập trung. Có thể xem xét thu gọn khu cách ly tập trung nếu đánh giá dịch ổn định chứ chưa thể xóa bỏ. Mở rộng cũng như yêu cầu việc tăng cường cách ly tại nhà với các F0 đủ điều kiện.

Các BVDC cần căn cứ tình hình thu dung điều trị, điều kiện nhân lực để rút gọn hơn. Tuy vậy, trong giai đoạn dịch hiện nay, khi diễn biến của các biến chủng lây lan mạnh, bất ngờ, khó lường, gây bệnh nặng, trong khi đó nhiều nơi BVDC mới hình thành, việc hình thành là để đáp ứng với tình huống “bất trắc” xảy ra, do đó không nên xóa bỏ vì dịch chưa thể lường trước. Trong tình huống dịch diễn biến phức tạp thì chúng ta không khôi phục lại kịp. Chỉ nên xóa bỏ tại một số địa phương vừa qua có dịch bùng phát đã mở ra nhiều BVDC.

Đồng thời, vẫn cần tăng cường nhân lực cho y tế cơ sở, với nhân lực trang thiết bị, sẵn sàng cho điều trị các F0 đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà. Cần căn cứ tiêu chí đánh giá nguy cơ của Bộ Y tế theo Quyết định 4800/QĐ-BYT để chuẩn bị đủ cơ sở điều trị bao gồm cả cơ sở điều trị hồi sức tích cực ICU.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.