Giám định tài chính, đất đai phục vụ xử lý án tham nhũng còn hạn chế

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/08/2019 00:00 GMT+7

Vấn đề giám định tài chính, ngân hàng và đất đai đang hết sức khó khăn, nhất là liên quan tới góp vốn, cổ phần hóa, cổ phiếu, đầu tư, đối tác công, tư.

Sáng 7.8, trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về công tác giám định tư pháp trong tố tụng hình sự, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đánh giá việc giám định về tài chính, ngân hàng, đất đai để phục vụ xử lý án tham nhũng, kinh tế còn hạn chế.
Theo Viện KSND tối cao, ngoài những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện đúng thời hạn tại điều 208 bộ luật Tố tụng hình sự thì các trường hợp khác, việc giám định thường chậm, không đáp ứng yêu cầu của cơ quan tố tụng. Cụ thể, ông Pha dẫn chứng vụ việc Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Sở Quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank VN, thời gian giám định tới 5 năm; hay vụ án Nguyễn Đức Kiên tại Ngân hàng Á Châu chậm định giá giá trị cổ phần, cổ phiếu, bất động sản.
Ông Dương Ngọc Hải, Phó trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, cũng cho biết việc giám định về tài chính, ngân hàng, đất đai “đang vướng”. Theo ông Hải, TP.HCM có 40 vụ án bị vướng khi giám định, trong đó 3 vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư phòng, chống tham nhũng theo dõi và nhiều vụ do Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo đều trưng cầu Sở Tài chính TP.HCM giám định nhưng đều vướng, khiến có vụ án kéo dài hơn 1 năm, trong khi dư luận cho rằng các cơ quan tố tụng bao che. Theo ông Hải: “Có những vụ chi phí giám định để chứng minh hành vi tham ô, gây thất thoát còn cao hơn cả số tiền tham ô nên không thể thực hiện được”.

Sẽ ấn định thời gian cụ thể với quy trình giám định

Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng cho rằng, vấn đề giám định tài chính, ngân hàng và đất đai đang hết sức khó khăn, nhất là liên quan tới góp vốn, cổ phần hóa, cổ phiếu, đầu tư, đối tác công, tư... “Như vụ án Phan Văn Anh Vũ, chúng tôi phải trưng cầu giám định các nội dung liên quan từ Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ Xây dựng, thậm chí cả Bộ GTVT, Bộ TN-MT”, ông Vương nói và đề nghị các cơ quan lập pháp phải quan tâm tới vấn đề này, nhất là làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong giám định tư pháp.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Bộ Tư pháp dự kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề trong luật Giám định tư pháp, trong đó có việc bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định, quy định trách nhiệm các bộ, ngành chuyên quản lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời gian giám định cụ thể đối với từng loại việc giám định trong quy trình, quy chuẩn giám định, khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định, gây ảnh hưởng tới tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.