Học sinh sốc vì ‘gậy’... hạnh kiểm!

Đêm đã khuya, tôi nhận được hơn 20 tin nhắn của hai học sinh lớp 10 một trường THPT tại tỉnh Lâm Đồng. Đọc nội dung, tôi cảm nhận các em đang rất buồn, sốc vì kết quả xếp loại hạnh kiểm (đánh giá rèn luyện) cuối năm học.

“Con buồn quá thầy ơi”

Học sinh T.Q viết: “Con buồn quá thầy ơi, cố gắng bao nhiêu đổ sông đổ bể hết luôn thầy ạ. Con ấm ức quá mà không biết tâm sự với ai. Con chưa dám kể với mẹ, vì mẹ sẽ tin cô, nên con tâm sự với thầy ạ”.

“Cô kêu con có ý kiến thì nhắn tin cho cô, tới lúc nhắn quá trời thì cô lại ‘thả tim’ và không nói gì đến việc này nữa ạ”, T.Q chia sẻ. 

Còn học sinh T.Y bức xúc: “Cô không chịu tin tụi con nói”, đồng thời kể với tôi chuyện lớp em và những rối rắm.

Những tin nhắn giữa đêm của hai học trò cho thấy sự thất vọng, nỗi lo lắng của các em trong vấn đề đánh giá (đánh giá rèn luyện) cuối năm học.

Như vậy, nếu thầy cô (và cả gia đình) chưa lắng nghe học sinh trong việc đánh giá rèn luyện thì liệu rằng điều này sẽ dẫn những việc làm “quá xa” của trẻ hay không. 

Kiểm tra cuối kỳ 2 vừa xong, lẽ ra phía trước là những ngày hè vui tươi, bổ ích. Đằng này, chuỗi ngày hè kéo dài với bức xúc, buồn bã, canh cánh đối với hai học sinh kể trên.

Tổ tư vấn học đường, lãnh đạo nhà trường cũng nên tăng cường hoạt động, tạo cơ hội cho học sinh trải lòng về vấn đề đánh giá rèn luyện

Tổ tư vấn học đường, lãnh đạo nhà trường cũng nên tăng cường hoạt động, tạo cơ hội cho học sinh trải lòng về vấn đề đánh giá rèn luyện

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH


Không thể cân, đo, đong, đếm hạnh kiểm học sinh

Giáo viên thực hiện đánh giá rèn luyện học sinh bậc THCS, THPT (đang học Chương trình GDPT 2018) theo Thông tư 22 năm 2021 của Bộ GD-ĐT. Học sinh được đánh giá kết quả rèn luyện theo 4 mức: Tốt, khá, đạt, chưa đạt. Tại Thông tư 22, Bộ GD-ĐT quy định nội dung cần đạt, làm căn cứ cho nhà trường đánh giá kết quả rèn luyện học sinh.

Đối với học sinh lớp 9, 12 (Chương trình GDPT 2006), việc xếp loại hạnh kiểm được thực hiện theo Thông tư 58 năm 2011 của Bộ GD-ĐT. Theo đó, hạnh kiểm được xếp thành 4 loại: Tốt, khá, trung bình, yếu sau mỗi học kỳ và cả năm học. Việc xếp loại hạnh kiểm cả năm học chủ yếu căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm học kỳ 2 và sự tiến bộ của học sinh.

Việc xét hạnh kiểm học sinh cuối năm khiến thầy cô rất đau đầu, không thể tránh khỏi bất đồng và mất thời gian. Đôi khi thầy cô còn phải chịu điều tiếng với phụ huynh, học sinh.

Một nguyên nhân khiến việc xét hạnh kiểm, rèn luyện học sinh gây mất hòa khí trong giáo viên là vấn đề tâm lý. Điều này xuất phát từ việc giáo viên chủ nhiệm lớp luôn muốn bảo vệ học sinh của mình, muốn lớp có tỷ lệ học sinh được xếp hạnh kiểm và rèn luyện ở mức tốt, cao hơn lớp của đồng nghiệp. Vì thế, việc  giáo viên xếp hạnh kiểm học sinh được ví như việc “luật sư bảo vệ thân chủ của mình trước tòa”.

Thầy cô và cả gia đình cần lắng nghe học sinh trong việc đánh giá rèn luyện

Thầy cô và cả gia đình cần lắng nghe học sinh trong việc đánh giá rèn luyện

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Còn việc xếp loại hạnh kiểm học sinh trung bình, yếu hoặc rèn luyện đạt, chưa đạt là việc cực chẳng đã, ngoài ý muốn đối với giáo viên chủ nhiệm lớp, cũng bởi vì cái gọi là “thủ tục hành chính” trói buộc giáo viên.

Để có căn cứ xếp loại học sinh hạnh kiểm trung bình, yếu hay rèn luyện đạt, chưa đạt, giáo viên phải có hồ sơ đầy đủ: Bản tường trình vi phạm, bản kiểm điểm của học sinh, biên bản vi phạm, biên bản xử lý kỷ luật của nhà trường rồi minh chứng (tang chứng, vật chứng…).

Chưa hết, giáo viên chủ nhiệm phải mời phụ huynh học sinh vi phạm nội quy đến để họp thông báo hành vi vi phạm, mức xử lý kỷ luật... Nếu phụ huynh không đồng ý thì lập hội đồng kỷ luật để xem xét lại. Với trình tự thủ tục như vậy, giáo viên khó có thể quyết liệt theo đuổi cái gọi là “tranh tụng”. Nhiều thầy cô tâm sự rằng “thôi thì “dĩ hòa vi quý” cho qua, bởi không khéo lại "rước họa vào người".

Thực tế cho thấy hành vi, vi phạm của học sinh về nội quy của trường diễn ra muôn màu muôn vẻ về hình thức, tính chất, động cơ, mức độ vi phạm, hậu quả từng vụ việc khác nhau, không thể lấy học sinh A làm chuẩn để xét học sinh B…, và cũng không thể so sánh hạnh kiểm em này với em khác, lớp này với lớp khác.

Do đó, giáo viên chủ nhiệm cần sự bao dung, sáng suốt, linh hoạt trong quá trình xếp học sinh mức nào (theo quy định). Thầy cô cũng nên tìm hiểu nguyên nhân, nhận xét tinh tế, thấu tình, hợp lý, kỷ cương gắn với tình thương, nhìn nhận sự nỗ lực “sửa sai” của học sinh để các em “tâm phục, khẩu phục”. Nếu đánh giá mà thiếu thông tin, chủ quan, “đếm” vi phạm quy ra mức đánh giá thì giáo viên đánh mất cơ hội dạy học sinh nên người tử tế.

Tổ tư vấn học đường, lãnh đạo nhà trường cũng nên tăng cường hoạt động, với nội dung, hình thức linh hoạt, tạo cơ hội cho học sinh trải lòng về vấn đề đánh giá rèn luyện. 

Cần sự quan tâm mực thước của phụ huynh

Phụ huynh cũng cần thay đổi lối nghĩ, yêu cầu đối với học tập, rèn luyện của con em. Xưa nay, trên hết vẫn là học làm người tử tế, học thật, học lễ - học văn để giỏi kỹ năng, sức khỏe tốt và sống hướng thiện. Kết quả rèn luyện, học tập của con em dù cao hay chưa như mong muốn, phụ huynh tìm hiểu kỹ, xác định nguyên nhân để hỗ trợ học sinh.

Trách la, thậm chí “roi vọt” chỉ góp phần đẩy học sinh vào ngõ cụt. Đối với những vấp váp, phụ huynh có thể xem đó là cơ hội cho học sinh tự nhìn lại mình để làm tốt hơn. Trẻ là thế, nhưng để được thế, cần lắm sự quan tâm mực thước của phụ huynh.







Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.