Muôn nẻo hút khách đến bảo tàng

10/10/2013 03:20 GMT+7

Nhiều bảo tàng quốc gia châu Á đã đi rất xa trong việc trở thành địa chỉ văn hóa cho mọi người, trong khi bảo tàng ở Việt Nam lại thưa thớt khách.

Nhiều bảo tàng quốc gia châu Á đã đi rất xa trong việc trở thành địa chỉ văn hóa cho mọi người, trong khi bảo tàng ở Việt Nam lại thưa thớt khách.


Khu vực trưng bày cho người khiếm thị tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc - Ảnh: Anma cung cấp

 

Người khiếm thị cũng đến bảo tàng


Nếu không có Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, rất nhiều người khiếm thị nước này đã không thể “nhìn thấy” chiếc bình gốm nhạt hình thiên nga. Kể từ tháng tư vừa rồi, một hệ thống trưng bày riêng cho họ đã chính thức hoạt động. Khu vực trưng bày cho người khiếm thị ở ngay cạnh khu dành cho du khách bình thường. Tại đó, nhờ tai nghe, nút bấm, tay sờ, họ có thể nghe thuyết minh, đọc chữ nổi và tự cảm nhận hiện vật. Điều đáng chú ý là dự án này được lên kế hoạch và phát triển từ đầu đến cuối dựa trên tham khảo ý kiến của Hội Người mù Hàn Quốc.

“Khu vực dành cho người khiếm thị giúp họ thưởng thức trưng bày bất cứ lúc nào, không cần đăng ký trước. Ngoài ra, dự án này cũng giúp họ có thể nhìn thấy hiện vật bằng chính đôi tay, trái tim và suy nghĩ của mình”, bà Kim Younga, Tổng giám đốc Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, cho biết tại Hội nghị của Hiệp hội Các bảo tàng quốc gia châu Á lần thứ 4 (ANMA) diễn ra ở Hà Nội hôm qua (9.10).

Luôn tạo cảm hứng cho công chúng

“Một trong những vai trò của giáo dục bảo tàng là mở ra các cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Để họ có thể trải nghiệm và học tập ở mọi bảo tàng vào bất cứ lúc nào”, bà Kim Younga nói. Đây cũng chính là nguyên tắc mà nhiều bảo tàng đang đi theo, ngày một nhiều hơn. Cũng vì thế, bảo tàng nơi bà làm còn tổ chức “bảo tàng lưu động” bao gồm trưng bày, chiếu video cho những nhóm thiệt thòi về văn hóa, để qua đó họ có thể tham gia học tập suốt đời. Bảo tàng còn có chương trình đào tạo giáo viên hoặc trung gian hướng dẫn. Qua một khóa học, các giáo viên trung học đều có thể tự hướng dẫn học sinh khi đến tham quan.

Bảo tàng Văn minh châu Á, Singapore lại có câu chuyện thu hút khác. Tiến sĩ Alan Chung, Giám đốc bảo tàng này, cho biết ông luôn tìm cách tạo cảm hứng cho công chúng bằng tương tác. Điều này quan trọng vì bảo tàng chính là nơi giảng dạy và truyền cảm hứng. Khách tham quan giờ đã vươn rộng ra thế giới nên nếu truyền bá kiểu o ép sẽ không hiệu quả.

Theo nguyên lý này, Bảo tàng Văn minh châu Á đã phát triển một ứng dụng trên điện thoại iPhone hồi 2011. Nó đi kèm trưng bày chuyên đề Những chiến binh đất nung: Hoàng đế đầu tiên và di sản của ngài. Ứng dụng Trải nghiệm con đường của chiến binh là ứng dụng bảo tàng đầu tiên trên thế giới kết hợp công nghệ thực tế tăng cường (AR), trò chơi theo bối cảnh và tính tương tác.

“9 tháng trước khi khai mạc triển lãm, chúng tôi làm việc với hình ảnh hàng trăm hiện vật. Trong đó có 11 hình ảnh đất nung nổi tiếng với kích thước thực tế. Hình ảnh hiện vật đó không để trưng bày mà làm trò chơi”, ông Chung nói.

Trông người, ngẫm ta

Theo nhiều chuyên gia bảo tàng, việc chưa ý thức được chức năng giáo dục cho mọi người đã khiến bảo tàng Việt Nam còn chậm phát triển. Chẳng hạn, rất ít bảo tàng ở Việt Nam có được một khu vực trưng bày cho người khuyết tật. “Bảo tàng Dân tộc học là bảo tàng hiếm hoi có lối đi cho xe lăn, cho người khuyết tật”, một chuyên gia bảo tàng nói.

Bảo tàng Việt Nam không chỉ “quên” giao lưu với người khuyết tật mà cả những trò chơi tương tác cũng là điều hiếm hoi. Chính vì thế, khi Bảo tàng Lịch sử Việt Nam mở CLB Em yêu lịch sử với trò chơi vận động, các em đã hào hứng hơn nhiều khi tới bảo tàng. “Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ thiết kế thêm các trò chơi để hấp dẫn các em”, tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nói.

Việc giúp giáo viên có thể tự hướng dẫn học sinh tham quan hiện cũng chưa được thực hiện. Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tiến sĩ Lê Thị Minh Lý từng thiết kế giúp bài giảng cho bảo tàng. Tuy nhiên, cho tới nay, cũng chưa rõ bảo tàng nào áp dụng bài giảng được thiết kế khá sinh động, lồng ghép với các môn học. Chẳng hạn, khi tham quan đôi dép Bác Hồ, các em vừa được nghe câu chuyện lịch sử, vừa được giảng về ma sát, vừa được học về sử dụng đồ vật tái chế để bảo vệ môi trường.

Có tới 3 bảo tàng (Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ VN, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh) lọt vào danh sách hấp dẫn nhất châu Á, nhưng bảo tàng của chúng ta còn nhiều việc phải làm, đặc biệt trong thay đổi tư duy.


Trinh Nguyễn

>> Thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam
>> Hội nghị bảo tàng châu Á tại Việt Nam
>> VN cho bảo tàng Mỹ mượn hiện vật trưng bày  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.