Tấn công mạng và nguy cơ chiến tranh Trung Đông

20/11/2013 15:35 GMT+7

(TNO) Một cuộc chiến tranh mạng giả lập tại Israel cho thấy các lãnh đạo trên thế giới không được trang bị đủ để đưa ra những phán đoán chính xác trước tình huống này.

(TNO) Một cuộc chiến tranh mạng giả lập tại Israel cho thấy các lãnh đạo trên thế giới không được trang bị đủ để đưa ra những phán đoán chính xác trước những kẻ thù vô hình trong thế giới mạng.

>> Chiến tranh mạng: Cuộc chiến không khói súng
>> Chiến tranh mạng - Kỳ 2: Chiến trường không biên giới
>> Chiến tranh mạng - Kỳ 3: Cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu

 Tấn công mạng và nguy cơ chiến tranh Trung Đông
Ảnh minh họa - AFP

Theo tình huống giả lập trong cuộc Hội thảo Yuval Ne'eman do ĐH Tel Aviv (TAU) tổ chức ngày 11.11, các cuộc tấn công mạng và khủng bố khởi phát từ Israel sẽ kéo Mỹ và Nga đến bờ vực chiến tranh Trung Đông.

Kịch bản bắt nguồn bằng một vụ nổ giàn khoan ngoài khơi, nhiều vụ nổ tại Haifa và Tel Aviv, các vụ sập mạng máy tính khiến nhiều bệnh viện tê liệt và các cơ quan hàng không không thể liên lạc với máy bay. Việc dư luận quy chụp trách nhiệm cho phong trào Hezbollah châm ngòi cho một cơn mưa rốc két phóng từ Li Băng trong khi các tay súng tại Gaza đã lợi dụng tình trạng hỗn loạn thực hiện các vụ phóng tên lửa và phục kích bắt cóc hai binh sĩ Israel.

Phản ứng của các quốc gia

Trong tình huống giả lập, ngay sau cuộc tấn công, Israel tiến hành không kích trên cả hai mặt trận Gaza và Li Băng, dẫn đến đe dọa leo thang ở chiến tranh ở Syria, nơi Hezbollah đang chiến đấu với quân nổi dậy al-Qaeda nhằm ủng hộ chế độ Bashar al-Assad do Nga hậu thuẫn.

Trong vòng vài giờ, cuộc khủng hoảng đã lan sang nước Mỹ. Mất điện trên diện rộng ở Mỹ, Phố Wall ngưng hoạt động, sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York và các trung tâm khác phải đóng cửa. Nhà Trắng tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc sau khi xảy ra vụ tai nạn máy bay làm khoảng 700 người thiệt mạng ở sân bay Washington Dulles và một vụ tương tự xảy ra tại sân bay O'Hare ở Chicago.

Các hoạt động ngoại giao điên cuồng nhằm chặn đứng cuộc khủng hoảng đang leo thang đã thất bại. Trong khi đó Nga và Trung Quốc yêu cầu phải có “bằng chứng hiển nhiên” về kẻ chủ mưu của các cuộc tấn công như là điều kiện tiên quyết để phối hợp hành động với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Về phần mình, Hezbollah vẫn tiếp tục phủ nhận vai trò chủ mưu trong các đợt tấn công khủng bố ban đầu. Trong khi đó, Tehran khẳng định Israel đã chiếm quyền điều khiển một máy chủ ở Iran để tấn công một địa điểm ở California (Mỹ) nhằm khơi mào cuộc chiến tranh chống người Shiite trong khu vực.

Bất chấp những cảnh báo của Mỹ, Nga đã triển khai một Tiểu đoàn bộ binh gần Damascus để bảo vệ các kho vũ khí hóa học của Syria. Song song đó, một hạm đội nhỏ của Nga trang bị tên lửa S-300 và các khí tài khác đang trên đường đến căn cứ hải quân ở Tartus với nhiệm vụ bảo vệ thành phố cảng Syria và các tài sản quan trọng khác khỏi sự xâm chiếm của Israel.

Bờ vực chiến tranh

Tình huống giả lập kéo dài gần 5 giờ được tạm ngưng khi cả Moscow và Washington đều tăng cường lực lượng nhằm hỗ trợ các đồng minh của mình và tiến gần đến bờ vực chiến tranh Trung Đông.

"Nếu chúng tôi không dừng lại, toàn bộ khu vực có thể bị nhấn chìm trong biển lửa", trang Defense News dẫn lời ông Haim Assa, chuyên gia về lý thuyết trò chơi và là chuyên gia tư vấn lâu năm của Bộ Quốc phòng Israel. Ông Assa đồng thời là người thiết kế tình huống giả lập cho Phòng thí nghiệm mô phỏng (Simlab), một phần của Hội thảo Yuval Ne'eman thuộc ĐH Tel Aviv.

Trả lời phỏng vấn trang Defense News, ông Assa cho biết kịch bản dựa trên các sự kiện cực đoan nhưng thực tế phản ánh năng lực không gian mạng hiện hữu hoặc dự kiến sẽ trở thành hiện thực trong những năm tới.

"Những gì chúng ta cần học ở đây là phải nhanh chóng khoanh vùng các sự kiện không gian mạng có thể biến động nguy hiểm trong khi các nhà lãnh đạo lại được chuẩn bị kém để đối phó trong lĩnh vực không gian mạng", ông nói.

"Chúng tôi đã phải kiểm tra lại hơn 70 lần và không đưa ra quyết định chỉ dựa trên các báo cáo tin tức”, ông Assa cho biết thêm.

Ngoài ra ông còn đề cập đến một tình huống - xảy ra ở giữa chương trình giả lập - là khi các hình ảnh truyền hình về các nạn nhân với bề ngoài có vẻ bị rối loạn hô hấp đã khiến các quan chức Israel phạm sai lầm khi cho rằng họ bị tấn công bằng vũ khí hóa học.

Không có “bằng chứng hiển nhiên”

Trong khi giới chức Washington thận trọng trong việc xác định nguồn gốc của các cuộc tấn công mạng thì Israel đã cố gắng tuyệt vọng để tìm kiếm cái gọi là “bằng chứng hiển nhiên” của họ. Cuối cùng, quyết định của Israel được đưa ra chỉ dựa trên sự nghi ngờ mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo vốn quen thuộc với lĩnh vực thông thường và không am hiểu về lĩnh vực mạng.

"Khi phải đối mặt với tình huống mới về không gian mạng, quyết định của chúng tôi là không đủ chính xác", Defense News dẫn lời cựu Tư lệnh không quân Isarel Eitan Ben-Eliahu, người đóng vai Bộ trưởng Quốc phòng Israel trong tình huống giả lập.

Tướng về hưu người Mỹ Wesley Clark, người đóng vai Tổng thống Mỹ , thừa nhận những thách thức vốn có trong các cuộc xung đột với kẻ thù vô danh trên mạng.

"Trong tình huống mô phỏng, chúng tôi nhận ra sự khó khăn trong việc ra quyết định nếu không thể xác định được nguồn gốc của các cuộc tấn công", ông nói.

Lúc ban đầu, khi bị vặn hỏi bởi Thủ tướng Israel, do cựu chỉ huy Mossad Ami Ayalon đóng vai, chuyên gia giữ vai chỉ huy tình báo Israel đã trả lời “chúng tôi không có bằng chứng hiển nhiên về mặt pháp lý, nhưng tất cả các dấu chỉ đều dẫn đến Iran". Nhưng Tổng thống Iran, do cựu Giám đốc Mossad Shabtai Shavit, thì tuyên bố Tehran trước sau hoàn toàn không dính líu, mà chỉ là nạn nhân của Israel. Còn tướng Clark (trong vai Tổng thống Mỹ) từ chối ủng hộ một cuộc tấn công phối hợp nhằm vào Iran, nhưng mạnh mẽ bảo vệ quyền tự vệ của Israel.

Thủ đoạn của Iran

Cuối cùng, thông tin được tiết lộ cho biết thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahri và các nhóm đồng minh trong khu vực chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công mạng và khủng bố ban đầu và Israel đã sai lầm khi quy chụp cho Hezbollah do Iran hậu thuẫn.

Zawahri đã lập kế hoạch các cuộc tấn công nhằm châm ngòi chiến tranh giữa Israel và Hezbollah, đối thủ của al-Qaeda trong cuộc chiến ở Syria.

Thủ lĩnh al-Qaeda giả định chính xác rằng Israel sẽ đổ lỗi cho các tổ chức người Shiite tại Li Băng, từ đó dẫn đến việc Hezbollah phải rút các nguồn lực và nhân lực ra khỏi chiến trường Syria, các chuyên gia cho biết.

Với các cuộc tấn công mạng lớn nhằm vào Mỹ thì Iran quả thực là nước chịu trách nhiệm. Nhưng có một tình huống làm sửng sốt khoảng hai chục người tham gia đóng vai trò các quan chức của Israel, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Syria, Hezbollah, Hamas và al-Qaeda, là Tehran đã tấn công một máy chủ của Israel nhằm đổ tội cho Tel Aviv.

"Iran đã làm sụp đổ thị trường chứng khoán và gây ra các vụ rơi máy bay", Assa nói. "Với nỗ lực nhằm cô lập Israel trong thời gian chuẩn bị một thỏa thuận giải trừ hạt nhân, Iran đã chơi đòn bẩn để thế giới nghĩ rằng Israel sẽ bất chấp thủ đoạn nhằm lôi kéo Washington vào một cuộc tấn công phối hợp". Cuối cùng, các chiến binh mạng của Mỹ đã bóc trần trò bịp của Iran và gỡ tội cho Israel.

Phòng thủ là phương pháp tự vệ tốt nhất

Erez Kreiner, người thành lập Cục bảo vệ thông tin quốc gia Israel, cho biết trò chơi mô phỏng đã nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của phòng thủ mạng. Đây không chỉ là chiến lược thông minh mà còn là phương tiện ngăn chặn các cuộc tấn công mạng.

"Ngược lại với khái niệm tấn công là phương pháp phòng thủ tốt nhất đã được thừa nhận trong chiến tranh quy ước, trong lĩnh vực không gian mạng thì phòng thủ là phương pháp tự vệ tốt nhất", ông nói.

"Rất ít nhà lãnh đạo am lĩnh vực này. Hầu hết các chính trị gia hàng đầu và quan chức quân sự cao cấp đều biết về S-300 hoặc Kalashnikov, nhưng họ lại không nắm vững về Zeus hay Conficker", Kreiner đề cập đến các loại virus máy tính nguy hiểm.

Riêng thiếu tướng về hưu Itzik Ben-Israel, Chủ tịch Hội thảo Yuval Ne'eman và là cựu Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Israel, cho biết trò chơi mô phỏng nhấn mạnh một thực tế rằng, nếu không có chiến lược phòng thủ không gian mạng thích hợp, thì những người ra quyết định rất khó nắm thế chủ động.

"Chiến lược phòng thủ phải bao gồm tất cả các cơ sở hạ tầng dân sự như bệnh viện, điện, nước, giao thông vận tải,… vì tất cả mọi thứ kết nối với máy tính đều có thể trở thành mục tiêu của các vụ tấn công mạng", Ben-Israel cho biết.

Bên cạnh năng lực về công nghệ, các quốc gia liên quan đến lĩnh vực không gian mạng phải phát triển cơ sở pháp lý, xã hội, giáo dục, ngoại giao và các quy phạm, trong đó tăng cường hiểu biết về luật pháp quốc tế, ông nói.

Kết quả của cuộc hội thảo hôm 11.11 sẽ được chuyển cho chính phủ Israel như một công cụ để trau dồi các quy trình liên quan đến không gian mạng, trang Defense News cho biết.

Nguyên Giang

>> Châu u đối phó nguy cơ chiến tranh mạng
>> Trung Quốc diễn tập chiến tranh mạng
>> Mỹ thất thế trong chiến tranh mạng
>> Hàn Quốc thiệt hại 805 triệu USD vì bị Triều Tiên tấn công mạng
>> Tin tặc 16 tuổi của vụ tấn công mạng lớn nhất lịch sử internet bị bắt
>> Mỹ bí mật tấn công mạng Iran, Nga, Trung Quốc và Triều Tiên
>> Trung Quốc bị tấn công mạng 'lớn chưa từng có

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.