Lai Châu - Cuối trời Tây Bắc: Cột mốc lòng dân

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
09/02/2023 07:59 GMT+7

Ở Lai Châu, ngoài cột mốc 79, 42 cao và khó đi nhất nhì Việt Nam, còn có mốc quốc giới số 67 (2) cũng rất đặc biệt: Mốc nằm ngay trong sân nhà chị Lý Thị Xuân (bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, H.Phong Thổ).

CHUYỂN NHÀ RA... MỐC

Ông Lý A Nhị (72 tuổi, người dân tộc Dao, nguyên Trưởng bản Hùng Pèng) là cựu chiến binh bộ đội biên phòng (BĐBP), từng tham gia chiến đấu ở Tây nguyên những năm 1971 - 1975, sau đó chuyển ra công tác ở BĐBP Lai Châu, đến năm 1978 mới phục viên về địa phương. Trong những ngày đầu của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2.1979), ông là trung đội trưởng dân quân xã Ma Ly Pho, sát cánh cùng bộ đội Đồn BP cửa khẩu Ma Lù Thàng kiên cường đánh trả quân Trung Quốc xâm lược.

Lai Châu - Cuối trời Tây Bắc: Cột mốc lòng dân - Ảnh 1.

Ông Lý A Nhị trò chuyện với bộ đội Đồn BP cửa khẩu Ma Lù Thàng tại mốc 67 (2) trong sân nhà

M.T.H

"Khi kết thúc chiến tranh, người dân địa phương từ nơi sơ tán trở lại bản và dần ổn định cuộc sống. Trước khi phân giới cắm mốc, đường biên giới tự nhiên chạy theo dòng sông Nậm Cúm, nên người phía bên kia thường lợi dụng vượt sang, dân bản và BĐBP liên tục đấu tranh ngăn chặn. Nhà tôi sát bờ sông, trở thành nơi đóng chốt của BĐBP", ông Nhị kể.

Ông Nhị nhớ lại: "Ngày 20.8.2002, cột mốc 66 (2) chính thức được cắm ở phía đông nam cầu Hữu Nghị, giữa cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) và Kim Thủy Hà (Trung Quốc) khiến bà con trong vùng mừng khôn xiết: có mốc quốc gia, phân định rạch ròi lãnh thổ để yên tâm sản xuất, và kiến nghị cấp trên nhanh cắm mốc các khu vực còn lại".

Cuối tháng 3.2005, mốc giới số 67 (2) được cắm ở bản Hùng Pèng, ngay sân nhà ông Lý A Nhị cạnh bờ sông Nậm Cúm. Hồi mốc mới cắm, ông Nhị suốt ngày ngồi ngắm, cuối ngày là hô hào con cháu ra lau bụi, quét lá rụng quanh mốc. Ai đến, ông cũng khoe: "Duy nhất có cột mốc biên giới trong nhà".

Ngày 26.11.2003, Quốc hội khóa XI ra Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh là Điện Biên và Lai Châu. Theo đó, BĐBP tỉnh Lai Châu cũng được chia tách thành lập mới và đi vào hoạt động từ ngày 1.1.2004.

Từ ngày 1.1.2004, BĐBP Lai Châu có nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới Việt - Trung dài 273 km (sau khi phân giới cắm mốc là 265,165 km).

Khu vực biên giới gồm: 23 xã (nay là 22 xã), 211 bản, 11.326 hộ với 63.760 nhân khẩu (đến 12.2021 là 17.662 hộ/84.945 khẩu), có 10 dân tộc anh em sinh sống thuộc 3 huyện biên giới: Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè (nay là 4 huyện biên giới Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè...

(Nguồn: UBND tỉnh Lai Châu)

Mấy năm sau, khi con gái út Lý Thị Xuân lấy chồng, ông Nhị giao hẳn căn nhà cho vợ chồng anh Tèo Văn Dự và chị Lý Thị Xuân với lời kết luận trong cuộc họp bản Hùng Pèng: "Chúng nó trẻ khỏe, tôi cho căn nhà và mảnh vườn, chính là để chúng trông coi, bảo vệ cột mốc 67 (2)".

Ở bản Lao Chải (xã Sì Lờ Lầu, H.Phong Thổ), gia đình ông Chẻo Chỉn Lụ có mốc số 72 cắm ngay tại nương nhà. Mỗi lúc đi nương, ông Lụ đều dành thời gian kiểm tra mốc giới, ghi chép từng chi tiết, đối chiếu thông tin, quan sát kỹ thực địa và phát quang cỏ dại, không để che khuất tầm nhìn, đắp đất chỗ bị nước xói... Mấy năm qua, vợ chồng ông quyết định chuyển hẳn lên lán ở, để vừa tiện làm nương vừa trông coi mốc 72.

Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy BĐBP Lai Châu, cho biết: "Thực hiện phong trào tự quản đường biên, mốc giới, an ninh trật tự bản, đến nay Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo các đồn BP tham mưu cho địa phương ra quyết định thành lập 52 nhóm hộ/635 hộ/1.168 cá nhân đăng ký tự quản 223,189 km đường biên, 77 cột mốc và 2 công trình biên giới; thành lập 211 tổ tự quản an ninh bản/1.090 thành viên…".

Lai Châu - Cuối trời Tây Bắc: Cột mốc lòng dân - Ảnh 3.

Cán bộ chiến sĩ Đồn BP Pa Vệ Sử canh gác bên mốc 42

GIAN NAN CẮM MỐC

Lên Pa Vệ Sủ (H.Mường Tè, Lai Châu) hỏi chuyện từ lão làng Vàng Mồ Tờ (70 tuổi, hiện đang ở bản A Mại), thế nào cũng được nghe kể chuyện cắm mốc 42 và làm kè bảo vệ ở cột mốc khó đi nhất Việt Nam.

Vốn là Chỉ huy trưởng quân sự xã, rồi Chủ tịch UBND, HĐND xã Pa Vệ Sủ mấy chục năm, nên ông Tờ rất nhớ: Mốc 42 cắm ngày 8.10.2008, nhưng trước đấy mấy năm, cả BĐBP, tổ phân giới cắm mốc và cán bộ xã đã phải khảo sát, làm việc với bên bạn, đi lại thực địa đến mòn chân.

Cuối năm 1989, khi quan hệ Việt - Trung dần bình thường hóa, tiếng súng đã tạm ngưng, nhưng các hoạt động lấn chiếm của phía Trung Quốc lại xảy ra thường xuyên, BĐBP phải rất kiên trì, mềm dẻo, khôn khéo, cương quyết, không để xảy ra xung đột vũ trang trên biên giới.

Từ năm 1991 - 2000, BĐBP Lai Châu đã đấu tranh ngăn chặn xâm canh 51,28 ha (Trung Quốc xâm canh 42,68 ha, Lào xâm canh 8,4 ha) và đặc biệt là tình trạng người Trung Quốc khai thác trái phép lâm thổ sản, chăn thả gia súc, trồng hoa màu ở địa bàn các xã Sì Lờ Lầu, Vàng Ma Chải, Ma Ly Pho, Huổi Luông (H.Phong Thổ); Hua Bum, Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm (H.Mường Tè); đánh cá ở đầu nguồn Sông Đà, suối Nậm Náp…

Thời điểm 2001 - 2003, BĐBP Lai Châu đã ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động vi phạm chủ quyền, lấn chiếm biên giới như: xâm canh, xâm cư ở các điểm C và xã Ka Lăng, Pa Ủ, Hua Bum, Mù Cả (H.Mường Tè); xã Sì Lờ Lầu, Vàng Ma Chải, Dào San (H.Phong Thổ); xây dựng kè, nắn dòng chảy khu vực suối biên giới đối diện cửa khẩu Ma Lù Thàng, khu vực suối Nậm Lé đối diện với địa bàn xã Huổi Luông, H.Sìn Hồ (nay là H.Phong Thổ)…


(Nguồn: BĐBP Lai Châu)

Do đường đi quá khó khăn vất vả, thời tiết khắc nghiệt nên phải thuê nhân công gùi cõng vật liệu với giá 1 triệu đồng/can nước 20 lít, 50.000 đồng/kg xi măng. "Mốc 42 làm bằng bê tông, chỉ cao 1,2 m chứ không phải đá hoa cương như một số mốc khác, nhưng cũng phải huy động gần 30 người và 4 con ngựa thay nhau khiêng cõng. Tham gia được gần 10 ngày, chủ ngựa sợ ngựa chết vì kiệt sức, nằng nặc đòi về", ông Tờ nhớ lại và lắc đầu: "Một tuần liền mới đưa được mốc 42 lên cắm ở chóp núi cao 2.856,50 m gần đỉnh Pu Si Lung. 15 năm sau ngày cắm mốc, đường đi vẫn gian nan vất vả, mới thấy anh em BĐBP kiên cường"…

Lai Châu - Cuối trời Tây Bắc: Cột mốc lòng dân - Ảnh 5.

Tình quân dân

Đầu tháng 1.2023, tôi lên mốc 42 cùng đội tuần tra của Đồn BP Pa Vệ Sử (BĐBP Lai Châu), có anh Giàng Ha Cà (Phó chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ, H.Mường Tè) đi cùng. Suốt 3 ngày 2 đêm lên xuống mốc, Cà cứ ước: "Giá làm được đường mòn đi được xe máy, thì đỡ bao nhiêu công sức", khiến tôi nhớ đến cái hang đá cạnh con suối Nậm Xì Lường, cách mốc 42 khoảng 3 tiếng đồng hồ leo núi luồn rừng. Đây là nơi nghỉ qua đêm của BĐBP Đồn Pa Vệ Sử khi đi tuần tra và cũng là nơi ăn ở sinh hoạt của anh em, lúc phải trực canh, đấu tranh khi có tình hình trên khu vực mốc 42. Cái hang này, cách đồn đúng 12 tiếng đi bộ qua núi cao, qua suối sâu…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.