Lắt léo chữ nghĩa: Chữa lành, xu hướng đang bị lạm dụng

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
11/05/2024 06:42 GMT+7

Liên Hiệp Quốc đã gọi năm 2021 là "năm của sự chữa lành" (year of healing). Trên giao diện Google, từ khóa "làm sao chữa lành" (how to heal) đã đạt mức tìm kiếm cao nhất mọi thời đại.

Kể từ đó, "chữa lành" trở thành xu hướng mới, rất thịnh hành tại VN. Những cơ sở "chữa lành" mọc lên như nấm, nhà nhà đi "chữa lành", song dường như nhiều người còn mơ hồ về khái niệm này.

Trong Kinh thánh, có nhiều ghi chép về việc Chúa Jesus chữa bệnh (hay chữa lành) cho con người. Trong tôn giáo, chữa lành có nghĩa gốc là sử dụng sức mạnh siêu nhiên để chữa bệnh. Ngoài ra, người ta tin rằng "chữa lành" là hành động trừ tà mà các phù thủy sử dụng để chữa trị cho người bệnh, chẳng hạn như lễ trừ tà ở Sri Lanka (Network of awakening của Noriyuki Ueda, 1990).

Ở VN, từ chữa lành xuất hiện khoảng thế kỷ 19, có nghĩa là chữa khỏi bệnh: "GUÉRISSABLE, adj. (Bệnh) trị được, chữa lành được" - quyển Vocabulaire annamite-français (1898) của J. F. M. Génibrel, tr.176. Hiện nay, thuật ngữ chữa lành gần như tương ứng với từ liệu dũ (療癒) trong tiếng Trung Quốc; Iyashi (癒やし) tiếng Nhật; chiyu (치유) trong tiếng Hàn Quốc - viết theo Hanja là trị dũ (治癒).

Thuật ngữ chữa lành tương ứng với từ heal healing trong tiếng Anh. Xét về từ nguyên, động từ heal xuất phát tiếng Anh cổ hælan, có nghĩa là "chữa bệnh; chữa trị; làm khỏe mạnh hoàn toàn"; hælan có nguồn gốc từ tiếng Đức nguyên thủy *hailjan. Còn healing có nghĩa là "sự chữa bệnh, phục hồi sức khỏe", một từ biểu thị cho sự "khôi phục hoàn toàn" (từ đầu thế kỷ 13) và "chạm vào để chữa khỏi" (từ những năm 1670).

Theo Cambridge Dictionary, healing là quá trình phục hồi hoàn toàn hoặc giúp cải thiện, khỏe lại sau khi bị thương hoặc lâm vào cảm xúc đau đớn. Socrates từng nói: "Đừng cố chữa lành mắt mà không chữa lành đầu, đừng cố chữa lành đầu mà không chữa lành cơ thể, và đừng cố chữa lành cơ thể mà không chữa lành tâm hồn". Nhận định này tương ứng với 3 yếu tố của việc chữa lành, đó là chữa lành cảm xúc (emotional healing), chữa lành tâm hồn (soul healing) và chữa lành thể chất (physical healing).

Có nhiều cách chữa lành, đối với tâm hồn và cảm xúc thì điều trị bằng các phương pháp tâm thần học và tâm lý học, thiền định, yoga, cầu nguyện, hoạt động nghệ thuật và sáng tạo, giác sát hay tỉnh giác (mindfulness), tức thực hành chánh niệm, tập trung vào thời khắc hiện tại, nghĩ sâu về các giá trị thật sự của cuộc sống …; đối với thể chất thì điều chỉnh lối sống, cân bằng dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, sử dụng vật lý trị liệu sau chấn thương và các biện pháp chăm sóc y tế…

Ở Nhật Bản, những năm gần đây, con người, đồ vật hay bài thơ nào… có tính cách hay đặc tính chữa lành được gọi là yashi-kei (癒し系), yu yashi kei (癒やし系). Các nữ nghệ sĩ có khí chất "ấm áp", "dịu dàng" và "mềm mại", làm dịu người xem; các diễn viên hài, nam chính trị gia và học giả… cũng được xem là "loại người chữa lành"...

Nhìn chung, chữa lành là loại bỏ những cảm xúc xấu, những tổn thương tinh thần và thể chất, tùy theo người mà có liệu pháp điều trị riêng, không nên lạm dụng từ này một cách tùy tiện như "quán nhậu chữa lành", "gội đầu chữa lành", "đánh ghen chữa lành" hay những từ khóa tìm kiếm trên Google Trends (VN) trong 7 ngày qua (từ ngày 2.5.2024) như: "đi chữa lành với bồ", "3 mẹ con chữa lành nhà tắm", "đi chữa lành bị vợ phát hiện"…

Cuối cùng, cần thận trọng trước những dịch vụ quảng cáo chữa lành trên mạng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.