Mỏi mệt vì “cao khảo”

23/06/2009 10:39 GMT+7

Hơn 10 triệu thí sinh đã dự thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc vào đầu tháng 6 trong kỳ thi mang tính bước ngoặt được gọi là “cao khảo”. Kỳ thi này luôn gây áp lực rất lớn cho thí sinh và phụ huynh.

Suốt năm qua, chàng trai Lưu Kỳ Siêu, 19 tuổi, chỉ chú tâm vào một chuyện duy nhất là học luyện thi vào đại học. Anh học miệt mài từ sáng đến tối. Siêu nói: “Tôi muốn học đến sát ngày thi, tôi quyết tâm đạt được mục tiêu”. Siêu là người đầu tiên trong gia đình có cơ may được thi vào đại học. Cha anh, ông Lưu Kiệt, chỉ học hết phổ thông trung học và hiện buôn bán máy móc ngành dệt, mong muốn cho con được theo học tại một trường đại học danh tiếng nào đó.

Áp lực nặng nề

Năm ngoái, Siêu đã thất bại một lần, làm gia đình hết sức thất vọng vì anh chỉ đạt được 432 điểm trên tổng số 750 điểm - quá thấp so với điểm tuyển của một trường đại học hạng nhì, chưa tính đến các trường đứng đầu như cha mẹ anh mong muốn. Anh kể lại rằng không khí yên lặng bao trùm gia đình nhiều ngày và Siêu đã khóc nhiều lần trong nửa tháng sau đó. Anh nói: “Mẹ tôi rất giận, bà than thở rằng suốt nhiều năm ròng rã nuôi nấng chăm sóc, nấu ăn, giặt giũ cho con, hy vọng con tập trung vào việc học nhưng bây giờ kết quả học tập thấp như thế này”.

Đêm trước khi đi thi, Siêu nấn ná mãi bên cạnh giường của cha mẹ mình, anh vào giường trằn trọc không ngủ được nhiều giờ liền. Anh nói: “Trong lúc thi, đầu óc tôi trống rỗng”.

Không muốn bỏ lỡ kỳ thi, nhiều nữ sinh phải dùng thuốc để tránh ngày thi trùng vào ngày hành kinh. Tại tỉnh Tứ Xuyên, một số thí sinh học bài trong bệnh viện để được tiếp ô xy với mong muốn giúp họ dễ tập trung hơn. Nhiều thí sinh con nhà khá giả được cha mẹ thưởng rất lớn khi họ đậu vào đại học. Trần Quỳnh, một cô gái 17 tuổi, nói: “Cha mẹ tôi hứa thưởng một chiếc xe hiệu Audi nếu tôi đậu vào Đại học Nam Khai ở Thiên Tân”.

Kỷ luật phòng thi rất nghiêm ngặt cũng là áp lực cho thí sinh. Một nữ thí sinh vào trễ 4 phút, bị giám thị không cho vào ở kỳ thi năm 2007, đã cùng với người mẹ của cô van xin để được vào phòng thi. Tuy nhiên, tình trạng gian lận thi cử cũng hết sức tinh vi, phần lớn dựa vào các thiết bị điện tử viễn thông hiện đại nhất. Năm ngoái, đã có 2.645 vụ gian lận bị phát hiện.

Học sinh nông thôn ít có cơ hội

Lần thi này, Lưu Kỳ Siêu tính toán rằng anh có thể đạt nhiều hơn 100 điểm so với năm ngoái nhưng anh vẫn thất vọng vì chưa chắc được tuyển vào các trường đại học hàng đầu. Bạn học của anh, Lý Dĩ Nhiên, 18 tuổi, thì phấn khởi hơn khi tính rằng mình đạt được khoảng 482 điểm, đủ điểm vào nhóm trường đại học thuộc hạng nhì. Trước khi đi thi, cô và gia đình nghĩ rằng đây là lần cuối cùng, nếu rớt cô sẽ không đi thi lần nào nữa.

Theo báo The New York Times (Mỹ), nhiều nhà chuyên môn phê phán rằng các kỳ thi đại học tại Trung Quốc là thí dụ minh họa cho nền giáo dục chú trọng vào trí nhớ hơn là tư duy độc lập và phát huy tính sáng tạo. Các nhà giáo dục cũng nói lên sự thiếu công bằng, trong đó, học sinh nông thôn ít có cơ hội được học tập hơn học sinh thành phố và tình trạng chú trọng vào số lượng hơn chất lượng. Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký thi đã giảm bớt chút ít - giảm lần đầu tiên trong 7 năm qua - nhưng đã tăng rất nhiều so với chỉ khoảng 5 triệu thí sinh dự thi hồi năm 2005. Trung Quốc hiện có hơn 1.900 cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học với hơn 19 triệu sinh viên theo học - gấp 6 lần so với thập niên trước.

Theo Trúc Lâm / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.