''Cha mẹ bỏ rơi con ngày càng nhiều!''

17/10/2004 00:40 GMT+7

Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, TP.HCM, là một cơ sở khang trang trên khu đất gần 10.000m2, với nhiều dãy nhà núp mình trong cây xanh, có cả phòng sinh hoạt chung, phòng hát múa, trạm xá, sân chơi.

Tại đây, các em được hưởng một cuộc sống đầy đủ về vật chất và được học hành, chăm sóc chu đáo, theo như lời của ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc trung tâm thì đó là những nỗ lực của cán bộ nhân viên để phần nào bù đắp những khoảng trống mênh mông về tình cảm của những đứa trẻ không còn sợi dây liên kết của gia đình. Cuộc trò chuyện giữa ông Trung và phóng viên báo Thanh Niên đã hé lộ rất nhiều điều về thế giới của các em...

Giám đốc Trung kể: "Tại trung tâm này hiện đang nuôi dưỡng gần 500 trẻ mồ côi, trong đó có gần 100 em bị nhiễm HIV được nuôi ở cơ sở 2. Đây là trung tâm nuôi trẻ mồ côi lớn nhất thành phố và cũng là trung tâm lớn nhất cả nước. Nuôi trẻ mồ côi là một công việc đầy khó khăn. Dạy trẻ mồ côi sơ sinh thì chỉ khó khăn trong việc chăm sóc. Còn với các em lớn hơn, đa số không được ăn học, kém văn hóa, không có nề nếp, đa số khi mới vào chỉ nhăm nhăm chực trốn ra ngoài để đi "bụi" tự do hơn... Để đối phó uốn nắn chúng là cả một quá trình lâu dài. Bình thường một bà mẹ cai quản 4-5 đứa trẻ là quá tải nhưng ở đây có bà mẹ phải phụ trách hơn 20 con. Các bà mẹ chỉ thực sự được ngả lưng vào 9 giờ tối.

Tại Tam Bình, mỗi trẻ em được nhà nước trợ cấp 150.000 đồng tiền ăn hằng tháng nhưng trung tâm đã lo được cho các em từ 7 tuổi trở lên 300.000 đồng/tháng. Với các em từ sơ sinh đến 6 tuổi và các em bị mắc bệnh AIDS là 450.000 đồng/tháng. Đó là nhờ lòng hảo tâm của các mạnh thường quân.

Nhưng có lẽ, vấn đề lớn nhất khi các em đến tuổi dậy thì đó là lúc "cái tôi" trỗi dậy, chúng bắt đầu có ý thức về nguồn gốc, về cội rễ, đau khổ, băn khoăn trước câu hỏi: ta là ai, cha mẹ ta là ai, ta sinh ra từ đâu? Chúng luôn hy vọng tìm được gia đình, nguồn cội.

Trong trung tâm có bé Thủy, mẹ là bác sĩ, cha là một thương binh bị tâm thần. Mẹ bỏ em đi lấy chồng khác. Cách đây vài năm, mẹ nghĩ tới em, mẹ con đã gọi điện, viết thư cho nhau khiến Thủy tràn đầy hy vọng và hạnh phúc. Khi chuẩn bị thu xếp từ ngoài Bắc vào thăm con gái thì bà bác sĩ đột ngột bị tai nạn chết. Cô bé bị sốc. Mọi thứ sụp đổ, từ một cô bé nhanh nhẹn, hoạt bát bỗng trở nên ù lì, đờ đẫn, bạo động, chống lại các cô trong trung tâm và đánh nhau ở trường.

Hoặc trường hợp cậu bé Tí người Nha Trang, bị mẹ bỏ rơi trên tàu. Nhưng em vẫn hy vọng rằng đó là do mình bị lạc chứ chẳng có người mẹ nào bỏ con cả... 16 tuổi, em đòi được đi tìm mẹ. Trung tâm đưa em về quê, theo đúng lời em mô tả nhưng không tìm thấy mẹ. Nghe nói mẹ đã đi biệt xứ và đã lấy chồng khác. Nhưng đứa bé vẫn không chịu tin rằng nó bị mẹ bỏ rơi.

Những năm gần đây, số trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi tăng lên đột biến. Điều này phản ánh một thực trạng xã hội: mẹ bỏ con rất nhiều! TP Hồ Chí Minh có khoảng 1,2 triệu dân nhập cư, 60% số họ là công nhân. Nhiều phụ nữ trẻ bị lợi dụng, sa ngã, sinh con ngoài ý muốn và đã bỏ rơi con ngay khi đứa bé còn đỏ hỏn. Lý do? Họ là công nhân, đồng lương tằn tiện đủ sống, lại còn phải gửi về quê phụ giúp gia đình, nếu thêm một đứa bé nữa thì không nuôi nổi. Hơn nữa, còn là vấn đề danh dự cá nhân. Chúng tôi liên hệ về địa phương thì thường nhận được câu trả lời: cô gái này đi làm ở đâu không rõ. Hoặc khi tìm đến gia đình thì bị cha mẹ cô mắng té tát: con tôi lấy chồng hồi nào mà sinh nở? Định bôi nhọ thanh danh gia đình tôi hay sao?"...

Nhiều bà mẹ trẻ được gọi lên trung tâm, họ sợ lắm, họ nói: "Ở đây chúng sống sướng hơn". Cũng có một vài bà mẹ động lòng quay lại thăm con nhưng không dám nhận con về nuôi. Một mẹ trẻ nói: "Lương em thường xuyên phải gối đầu hằng tháng, nếu nhận nó về thì không biết lấy gì nuôi? Nhận về rồi cũng phải bán nó đi thôi. Ở đây may ra nó còn được người tử tế đón về nuôi". Và chị gạt nước mắt ra về...

Cũng có trường hợp nhẫn tâm, vứt con đi từ khi đỏ hỏn, thời gian sau chúng lớn phổng, họ quay lại nhận để đem đi... bán. Trung tâm đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Bởi vậy, nếu ai muốn nhận con về nuôi đều phải có sự xác nhận của địa phương sở tại trong bản cam kết nuôi con. Ở trung tâm, mỗi em một hoàn cảnh. Số em có cha mẹ nghiện ma túy rất nhiều. Cha mẹ đi trại của cha mẹ, con thì vào đây. Rất ít người quay lại đón con. Có em 10 năm rồi nhưng chưa có người thân nào đến tìm.

Ông Nguyễn Văn Trung tại trung tâm.

Cũng có em cha mẹ đến đón chúng tôi không cho về vì họ đến đón các em về để bắt chúng đi xin ăn nuôi gia đình. Lại có trường hợp rất đáng tiếc của em Thi, học rất giỏi, được vợ chồng một luật sư người Mỹ đỡ đầu cho sang Mỹ ăn học. Bỗng nhiên... lòi đâu ra một người cha, ông này đòi quyền nuôi con. Chỉ thị của Sở Thương binh - Xã hội không cho em xuất ngoại nữa, thì đồng thời người cha này cũng lặn luôn. Ông ta chỉ định kiếm chác mà thôi.

Ở đây, dù gia đình các em có đối xử với chúng như thế nào thì chúng vẫn đau đáu nghĩ về cội nguồn, gốc gác. Đó như một điều tất yếu của con người vậy. Ở trung tâm có nhiều em được đi xuất ngoại, khi về giàu có, đều tìm cách giúp đỡ họ hàng. Đơn cử như em Cường, trước kia sống với cha mẹ ở trại phong được đón về trung tâm nuôi. Suốt thời gian ở đây không hề có bóng dáng một người họ hàng chú bác thăm hỏi. Cường có người đỡ đầu đi nước ngoài. Khi em trưởng thành quay về thì có một xe họ hàng kéo ra sân bay đón. Em Thu An cũng vậy, khi trở về bỗng ở đâu xuất hiện, nào là cha, anh em họ hàng xúm lại nhận gốc gác...".

Ông Trung bộc bạch: "Còn chúng tôi, chúng tôi chỉ xác định mình là những người chèo đò. Chúng tôi hạnh phúc vì niềm vui được chăm sóc và nuôi dưỡng cho các em trưởng thành và nhìn ngắm thành quả của mình".

Hồng Dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.