Hàng tiêu dùng dồn dập tăng giá

02/05/2005 23:33 GMT+7

Gánh nặng về sự tăng giá liên tục của hàng hóa trong năm 2004 chưa vơi thì những tháng đầu năm 2005, lại có thêm một đợt tăng giá dồn dập. Nhiều người tiêu dùng nghĩ rằng giá tăng là do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu. Thực tế không phải như vậy...

 

"Điệp khúc" tăng giá

 

Ghi nhận của chúng tôi từ các siêu thị, tiệm tạp hóa, chợ... trên địa bàn TP.HCM cho thấy, những nhu yếu phẩm như bột giặt, kem đánh răng, dầu gội đầu, nước rửa chén... đã đồng loạt tăng giá (hoặc giữ nguyên giá nhưng giảm thể tích, trọng lượng) ngay sau đợt tăng giá xăng dầu vừa rồi. Phần lớn người tiêu dùng nghĩ rằng giá các loại hàng hóa này tăng là do tác động của việc tăng giá xăng dầu nhưng thực ra, quá trình theo dõi của chúng tôi cho thấy những mặt hàng này đã tăng giá đều đặn nhiều đợt từ trước đó.

 

Chẳng hạn, từ đầu năm đến giờ, bột giặt Viso chanh tăng giá 3 lần. Lần thứ nhất giảm trọng lượng gói từ 200 gam xuống còn 150 gam, vẫn giữ giá 2.000đ/bịch; lần thứ hai tiếp tục giảm trọng lượng xuống còn 140 gam, vẫn giữ giá 2.000đ/gói, lần thứ ba tiếp tục giảm trọng lượng xuống còn  130 gam vẫn giữ giá 2.000đ/gói. Vị chi, trong vòng khoảng 3 tháng, bột giặt Viso chanh tăng khoảng 30%!

 

Sự tăng giá đồng loạt trên đã tạo một áp lực lớn về chi tiêu cho người tiêu dùng. Cô Ngô Thị Dẫu - nhà ở Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết: "Hạn chế chi tiêu là chuyện đương nhiên. Gia đình tôi và nhiều gia đình khác đều thực hiện "kế hoạch" này nhưng "hầu bao" vẫn bị thâm hụt nghiêm trọng so với trước đây. Chẳng hạn, so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ riêng tiền chợ cho 8 nhân khẩu cũng đã tăng thêm từ 800.000đ - 1.000.000 đồng/tháng. Chi phí cho các hàng tiêu dùng hằng ngày như bột giặt, kem đánh răng, dầu gội đầu... cũng tăng thêm 30.000đ/tháng".

 

Chị  Lê Thị Mỹ Vân ngụ ở đường 12, P.4, Q.8, TP.HCM cho biết: "Tôi đã phải cắt giảm hết mức chi phí tiêu dùng để lo tiền sữa cho con tôi". Chị Vân cho biết con gái chị năm nay hơn 3 tuổi, theo dõi giá các loại sữa trên thị trường chị nhận thấy giá sữa Grow Advance - là loại chị cho con gái uống - và các loại sữa Lactogen, Anlene, Milo... cũng như các loại sữa tươi đóng hộp đều tăng cao. Từ đầu năm 2005 đến nay, phần lớn các loại sữa trên thị trường đã tăng giá 2 - 3 đợt, riêng sau đợt giá xăng dầu tăng vừa rồi, các loại sữa này đã tăng thêm trung bình từ 3.000đ - 4.000đ/hộp.

 

Tăng giá có... lộ trình

 

Điều bất thường rõ ràng ở chỗ những đợt tăng giá hàng tiêu dùng nói trên hoàn toàn không phải chỉ do ảnh hưởng từ giá xăng dầu. Chủ một cửa hàng bách hóa lâu năm trên đường Lê Quang Sung, Q.6, TP.HCM nhận xét: "Từ năm 2004 đến nay, cứ khoảng 2 - 3 tháng, các công ty lớn như Lever Viet Nam, P&G VN... đưa về đợt hàng mới thì y như rằng, giá hàng cũng  tăng lên liền. Tôi cho rằng họ có cả chiến lược tăng giá chứ không phải bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu vì trước khi giá xăng dầu tăng, giá hàng hóa cũng đã tăng liên tục nhiều lần". Đại diện một số siêu thị tại TP.HCM cũng có nhận định tương tự. Theo ông Ngô Minh Hải - Phó giám đốc hệ thống Siêu thị Citi Mart, hiện cơ cấu tiêu thụ trong hệ thống Siêu thị Citi Mart cho thấy thị phần sản phẩm hóa mỹ phẩm của các công ty đầu tư nước ngoài chiếm đến 70%, các công ty trong nước chỉ còn khoảng 30%. Các đợt tăng giá chủ yếu diễn ra ở thị phần của các công ty đầu tư nước ngoài.

 

Phân tích sau đây của ông Ngô Minh Hải rất đáng chú ý: "Các công ty trên bắt đầu thực hiện việc tăng giá nghĩa là chiến lược kinh doanh của họ tại Việt Nam đã thành công bước đầu. Cách đây khoảng 8 năm, bột giặt Omo xuất hiện tại thị trường Việt Nam với thị phần rất thấp vì giá bán đắt hơn nhiều so với sản phẩm Việt Nam lúc đó như Daso, Viso... Sau đó Công ty Lever Viet Nam đã tiến hành đồng loạt nhiều biện pháp thu hút sự chú ý của người tiêu dùng như quảng cáo trên ti vi, phát sản phẩm xài thử, phát áo Omo cho các đại lý...

 

Trong khoảng 5 năm đầu, công ty vẫn giữ giá bán và chất lượng không thay đổi dù giá các loại sản phẩm khác cùng loại tăng do ảnh hưởng của giá nguyên liệu, giá xăng dầu tăng. Các biện pháp này giúp Omo dần dần giành lấy thị phần cao và Lever Viet Nam đã mua luôn thương hiệu Viso. Bột giặt Omo và Tide lúc đó hầu như đã chiếm lĩnh thị trường, và hai thương hiệu bắt đầu "chiến đấu" với nhau. Cả hai loại bột giặt này đã đua nhau giảm giá kịch liệt. Sau khoảng 6 tháng so kè, hai thương hiệu này bắt tay nhau, rồi cứ thế mà cùng nhau tăng giá đến ngày hôm nay. Tính ra, từ năm 2002 đến nay, giá bột giặt Omo và Tide đã tăng khoảng 10.000 đồng/kg".

 

Và không chỉ bột giặt, nhiều loại sản phẩm khác như kem đánh răng, nước rửa chén, xà bông, dầu gội có thị phần cao cũng đang có dấu hiệu tăng giá theo lộ trình vạch sẵn. Có nhiều cách lý giải về hiện tượng tăng giá có chủ đích này. Có người cho rằng các nhà sản xuất có thể đã chiếm lĩnh thị trường nên bắt đầu tăng giá để thu lợi nhuận, bù đắp chi phí đầu tư cho thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối... trước đó; cũng có thể do đối thủ cạnh tranh đã bị hạ... Dù gì đi nữa, theo nhiều đại diện siêu thị, người tiêu dùng hãy cứ chuẩn bị... tinh thần để chịu đựng bởi với xu hướng hiện nay, các loại nhiều loại hàng tiêu dùng, đặc biệt là các loại hóa mỹ phẩm từ nay trở đi chỉ có tăng giá chứ khó có chuyện giảm nữa.

 

Hùng Sơn - Cẩm Nhi

 

 

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.