Chất xám đẩy lùi "chất trắng"

15/11/2005 22:34 GMT+7

Giảng đường đại học không còn ở "nơi xa lắm" khiến người cai nghiện khó có thể với tới được. Giảng đường đang ở đây, ngay trong những trung tâm cai nghiện và nó đang mở rộng cánh cửa đón những con người một thời va vấp, thắp lên trong họ niềm tin vào cuộc sống.

"Tôi là tân sinh viên!"

Vượt qua con đường đất đỏ dằn xóc và bụi tung mù mịt, hai bên là những cánh rừng cao su bạt ngàn, chúng tôi nhìn thấy tấm băng-rôn lớn, đỏ rực giăng ngang đường với hàng chữ: "Chào mừng lễ khai giảng lớp cử nhân kinh tế ngành quản trị kinh doanh của các tân sinh viên - ngày 11/11/2005". Đến nơi rồi! - ai đó reo lên. Tiếng hát rộn ràng vọng ra từ khuôn viên Trung tâm Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 4 (gọi tắt là Trường 4, thuộc Lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM đóng tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Hồi hộp, bối rối pha lẫn nét tự hào hiện rõ trên 62 gương mặt tân sinh viên (SV) - những bạn trẻ đang cai nghiện, người hậu cai nghiện và cả những cán bộ, nhân viên Trường 4.

Người cười nhiều nhất vì sung sướng với chữ "tân SV" mà mọi người trân trọng gọi mình trong buổi lễ khai giảng chính là bạn Ngô Văn Nhị (thường trú Q.Gò Vấp, TP.HCM), hiện là học viên cai nghiện tại Trường 4. Nhị cho biết, bạn đã tốt nghiệp lớp 12 từ năm 1997 nhưng khi nghe trung tâm mở chương trình ĐH, bạn đã đăng ký ngay. Chúng tôi hỏi Nhị: "Tốt nghiệp đã lâu, bạn không ngại mình sẽ bị quên chữ à?", Nhị cười: "Những ngày ở đây, mình đã học lại lớp 11, lớp 12, học mà không cần lấy bằng tốt nghiệp. Bởi thế, mình tin là mình có thể theo được chương trình ĐH".

Trong khi đó, bạn Nguyễn Tuấn (Q.Bình Thạnh) không giấu được xúc động khi kể cho chúng tôi nghe đoạn đời lầm lỡ vừa qua. Tuấn cho biết, bạn đã từng học năm thứ hai ĐH Bách khoa, ngành Điện tử viễn thông. Mọi việc dang dở khi bạn dính vào ma túy! Khóe mắt Tuấn rưng rưng khi tâm sự rằng những ngày đầu cắp sách trở lại giảng đường - dù là giảng đường ĐH từ xa - khiến bạn bùi ngùi khi nhớ về bạn bè cũ, thầy cô và những ước mơ trong trẻo một thời... Tuấn bộc bạch: "Lúc đầu, mình cho rằng bị đưa vào đây là... xui quá! Nhưng rồi mình nghĩ, nếu không có những ngày tĩnh tâm để suy xét lại tất cả sự việc của chính mình như vầy thì làm sao nhận ra được giá trị cuộc sống, giá trị của lao động, của sự sum họp gia đình mà trước đây mình không hề màng tới. Mình rất mừng khi Trung tâm mở lớp ĐH từ xa cho người cai và hậu cai nghiện theo học, để anh em có thể hội nhập tốt hơn với đời".

Đừng "nửa chừng xuân"!

Từ tháng 7/2005 đến nay, Trường ĐH Mở - bán công TP.HCM đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Lực lượng TNXP TP.HCM mở 2 lớp cử nhân kinh tế ngành quản trị kinh doanh cho 134 học viên, người sau cai, cán bộ nhân viên của Trung tâm Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 4 (Bình Dương), số 5 (Đắk Nông); phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM mở một lớp cử nhân ngành công tác xã hội cho 89 học viên, nhân viên Trung tâm Giáo dục chữa bệnh Phú Văn (Bình Phước).

Đó là mong muốn của chính những học viên, người thân của học viên và những người có trách nhiệm, tâm huyết với chương trình đào tạo từ xa tại các trung tâm cai nghiện (do Trường ĐH Mở - bán công TP.HCM phối hợp với trung tâm cai nghiện thực hiện). Theo bà Hoàng Thị Diễm Trang - Phó chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP.HCM, thời gian qua, Lực lượng TNXP TP.HCM đã tổ chức xóa mù và phổ cập văn hóa đến bậc PTTH cho các học viên. Bà Trang nhận xét phương pháp đào tạo ĐH từ xa nói trên là rất linh hoạt, rất tốt cho những ai hiếu học, muốn mở rộng tri thức. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý cách học này đòi hỏi sự tự giác, nghiêm túc và bền chí. Bà Trang yêu cầu các đơn vị thuộc lực lượng TNXP tạo điều kiện tốt nhất để các học viên an tâm theo học và nhất là có đầy đủ giấy tờ pháp lý để học viên nhận được bằng ĐH sau khi tốt nghiệp chương trình. Ông Phạm Anh Ba - Phó phòng Giáo dục thường xuyên Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đánh giá rất cao chương trình trên và cho rằng chương trình mang đậm tính nhân văn, mở ra nhiều cơ hội hội nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện. Ông Ba đề nghị các trường, trung tâm nên liên kết mở thêm nhiều ngành học mới cho học viên. Trao đổi với báo Thanh Niên, PGS, TS Lê Bảo Lâm - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở -  bán công TP.HCM nói: "Nếu các trung tâm có nhu cầu mở thêm nhiều ngành học mới cho học viên, chúng tôi sẵn lòng đáp ứng!".

"Nếu tôi trúng 100 tờ vé số độc đắc thì tôi cũng không vui bằng sự kiện hôm nay!" - ông H., phụ huynh của một học viên Trường 4 đã xúc động nói trong lễ khai giảng. Hai năm nay, vợ chồng ông H. (đều là giáo viên) kiên trì đèo nhau trên "con ngựa sắt" từ TP.HCM lên Trường 4 (đi về khoảng 200km) để động viên đứa con trai duy nhất của mình đang cai nghiện tại đây. Ông H. tâm tình: "Tôi không ngờ con tôi lại đưa "chất trắng" vào người. Chúng tôi hy vọng các cháu sẽ đeo đuổi chương trình đến cùng chứ không phải theo kiểu "nửa chừng xuân", nhằm lấy chất xám đẩy lùi chất trắng!". Đáp lại lòng mong mỏi của các bậc phụ huynh, thầy cô và những người lãnh đạo, bạn Cao Đăng Quỳnh (sinh năm 1979, ngụ Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp) thay mặt các học viên hạ quyết tâm: "Em biết những ngày đầu theo học ĐH chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng chúng em xin hứa sẽ chăm chỉ học tập, rèn luyện để ngày bế giảng khóa học, chắc chắn chúng em sẽ trở thành cử nhân kinh tế ngành quản trị kinh doanh. Món quà này em sẽ dâng lên ba mẹ để bù đắp một phần lỗi lầm mà trước kia em vấp phải...".

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.