Doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội: Thiệt thòi thuộc về người lao động

09/04/2006 23:20 GMT+7

Chỉ tính riêng quý I năm 2006, các doanh nghiệp ở Đà Nẵng đã nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) số tiền lên đến 13 tỉ đồng. Mặc dù có chế tài hẳn hoi, nhưng cơ quan có nhiệm vụ thu BHXH vẫn không thể giải quyết triệt để số nợ tồn đọng này...

Ông Nguyễn Văn Tiết - Trưởng phòng thu BHXH TP Đà Nẵng đưa ra một danh sách dài những doanh nghiệp dây dưa nộp BHXH, BHYT mặc dù đã nhiều lần được nhắc nhở. Nhiều công ty nợ đọng BHXH, BHYT đến 9 tháng, có công ty nợ đến... 15 tháng. Điển hình như Công ty nông sản XNK & thực phẩm chế biến nợ đến 15 tháng với tổng số nợ 134 triệu đồng; Công ty xây dựng công trình số 1 nợ 9 tháng với số nợ gần 350 triệu đồng; Trung tâm ứng dụng công nghệ mới và công trình 768 có đến 9 tháng nợ với hơn 200 triệu đồng; Công ty công trình 503 nợ 11 tháng với số nợ 626 triệu đồng... Gộp những công ty bị cho là chây ì nộp BHXH, số tiền nợ lên đến 13 tỉ đồng. Quả là không nhỏ! Không chỉ những doanh nghiệp nợ BHXH, con số doanh nghiệp trốn BHXH được lãnh đạo BHXH Đà Nẵng cho là... không đếm xuể. Theo thống kê sơ bộ, hiện Đà Nẵng có hơn 4.500 đơn vị, doanh nghiệp, nhưng hiện tại, con số doanh nghiệp đóng BHXH (kể cả những doanh nghiệp thường xuyên nợ BHXH) chỉ hơn 2.000 - chưa đầy một nửa. Không nộp BHXH, dĩ nhiên thiệt thòi không thuộc về doanh nghiệp mà chính công nhân sẽ không được hưởng những quyền lợi tối ưu của người lao động theo quy định của Nhà nước. Những quyền lợi về BHYT, ốm đau, hưu trí, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất, lương hưu... của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Nghị định 113, quy định xử phạt hành chính đối với những doanh nghiệp nợ BHXH quá hạn, trốn BHXH với mức phạt tối đa 20 triệu đồng. Nhưng xem ra, quy định này khó lòng thực hiện, bởi cơ quan thu BHXH không có thẩm quyền xử phạt đối với những doanh nghiệp này, phải nhờ đến Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Thế nhưng, nhiều năm nay, mặc dù BHXH đã lập danh sách báo cáo về những doanh nghiệp chây ì nộp BHXH hoặc trốn nộp BHXH, nhưng cũng chỉ bị nhắc nhở. Chế tài có, nhưng không có cơ quan chức năng thực hiện, nên doanh nghiệp vẫn xem việc nộp BHXH là công việc tự nguyện hay không tự nguyện, chứ không phải trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Nghị định 02 của Chính phủ đã ban hành thêm một chế tài, nhằm răn đe những doanh nghiệp để quá hạn BHXH là tính lãi suất theo ngân hàng số tiền nợ của doanh nghiệp, nhưng xem ra khó mà thực hiện, bởi tiền gốc đòi còn khó, huống gì tiền lãi...! Năm 2005, tại Đà Nẵng, 2 doanh nghiệp liên doanh nước ngoài bị xử lý nghiêm do vi phạm trong vấn đề nộp BHXH. Đây chỉ là con số quá ít ỏi doanh nghiệp bị xử lý. Còn nhớ, khi đoàn thanh tra đến làm việc, hai công ty này còn đóng kín cửa, không cho đoàn vào làm việc, và thờ ơ với vi phạm của chính mình.

Biện pháp mạnh nhất hiện nay của cơ quan thu BHXH là gửi thư nhắc nhở, gửi báo cáo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về những doanh nghiệp nợ và trốn BHXH, nhưng biện pháp "giơ cao đánh khẽ" này xem ra không hiệu quả. "Các doanh nghiệp không nộp BHXH đồng nghĩa không nộp BHYT vì hai chế độ này luôn đi kèm khi thu. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp không nộp BHXH, người lao động cũng sẽ không được hưởng bất kỳ chính sách bảo hiểm nào dành cho mình như luật quy định. Quay đi ngoảnh lại, chỉ có người lao động là chịu thiệt. Nhưng chưa một công nhân nào biết đến quyền lợi ấy của mình mà đòi hỏi. Nhận thức xã hội của người lao động vẫn còn chưa cao!", ông Tiết nhận định. Vì thế, chuyện nộp và nợ BHXH vẫn là bài toán nan giải chưa có lời kết.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.