Sẽ mạnh tay với doanh nghiệp nợ thuế

05/02/2007 22:27 GMT+7

Theo Cục Hải quan TP.HCM, danh sách doanh nghiệp (DN) cố tình chây ì nợ thuế đã lên đến 1.000 DN với số tiền nợ trên 200 tỉ đồng. 700 DN mất tích, phá sản, DN "ma" cũng góp thêm vào danh sách này khoản nợ gần 200 tỉ đồng. Cục Hải quan TP.HCM đang tìm đủ mọi cách để thu số nợ trước khi Luật Quản lý thuế mới có hiệu lực. Tuy nhiên, sự việc không hề đơn giản...

Số nợ 400 tỉ đồng kể trên hầu hết được lưu từ năm này qua năm khác. DN nợ thuế tiền tỉ kéo dài 4 - 5 năm là chuyện thường trong "bảng đen" của Cục Hải quan TP.HCM. Điển hình như Công ty cổ phần bao bì và hàng xuất khẩu nợ 4,9 tỉ đồng từ năm 2004-2005; Công ty TNHH SC và T nợ 1,4 tỉ đồng từ năm 2002...

Cá biệt, một số công ty chây ì không chịu nộp thuế gần 7 - 8 năm vẫn không chịu trả như Công ty TNHH TM Lâm Long nợ 470 triệu đồng từ năm 2000; Công ty Phú Tài nợ 2,2 tỉ đồng từ năm 2000; Công ty Tân Tường Phong nợ 927 triệu đồng từ năm 1999... Ông Lê Tuấn Bình, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan TP.HCM cho biết, Cục Hải quan TP.HCM đã dùng đủ mọi biện pháp từ gửi thư yêu cầu (nhiều lần); ra lệnh phạt; cho cán bộ hải quan tới tận cơ quan "đòi nợ"; thậm chí cưỡng chế không cho hoạt động xuất nhập khẩu nhưng vẫn không ăn thua. Trên thực tế, biện pháp mạnh nhất mà hải quan có thể thực hiện là trích tài khoản của ngân hàng nhưng biện pháp này lại không khả thi vì DN có tiền trong tài khoản hay không thì hải quan cũng không biết.

Cục Thuế TP.HCM cũng công bố danh sách 22 DN nợ thuế với số tiền nợ 2,5 tỉ đồng tính đến ngày 22.1.2007. Một số DN nợ thuế nhiều nhất như: Công ty TNHH Bửu Trung (8 Lý Chiêu Hoàng, P.10, Q.6) nợ 646,5 triệu đồng; Công ty TNHH TASCO Sài Gòn (lô 6, khu B1, KCN Tân Thới Hiệp, Q.12) nợ 578,4 triệu đồng; DNTN Nhã Thương (23 đường số 11 KDC Bình Phú, Q.6) nợ 274,3 triệu đồng...

Có thể nói, việc thu hồi số tiền nợ thuế xuất nhập khẩu hiện nay rất khó khăn bởi trường hợp DN chây ì được tính là nợ thuế, mà là nợ Nhà nước hẳn hoi nên chưa có biện pháp xử lý triệt để. Đây không phải là hành vi trốn thuế nên không chuyển qua hình sự được. Tuy nhiên, với quyết tâm "xóa nợ" dứt điểm trước khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực vào ngày 1.7 tới, Cục Hải quan TP.HCM đang xin ý kiến UBND TP.HCM chuyển hồ sơ các DN nợ thuế sang cho cơ quan công an. Ông Bình cho rằng, công an cứ mời một tuần vài lần lên làm việc, kê biên tài sản thì DN nào cũng phải sợ.

Mặc dù đang khó khăn trong việc đòi nợ 400 tỉ đồng nợ thuế từ DN nhưng một tín hiệu khá lạc quan là hầu hết số nợ này là tồn từ năm 2005 trở về trước. Từ năm 2006 đến nay, do quy định DN phải hoạt động xuất nhập khẩu tốt trong vòng 1 năm mới được ân hạn thuế nên hầu như không còn tình trạng DN chây ì nợ thuế. Nợ mới là từ các DN có khó khăn thật sự.

Theo ông Bình: "Luật chỉ cần điều chỉnh một chút là cải thiện rất nhiều tình trạng nợ đọng thuế tồn tại lâu nay". Quy định này đã loại trừ được tình trạng DN mới thành lập cũng nợ hàng tỉ đồng tiền thuế như trước đây. Bên cạnh đó, việc phối hợp với cơ quan thuế của địa phương như 6 tháng không hoạt động xuất nhập khẩu thì không được hưởng cơ chế ân hạn thuế đã hạn chế rất lớn tình trạng nợ đọng thuế xuất nhập khẩu. Theo các chuyên gia, tình trạng nợ thuế xuất nhập khẩu sẽ bị xóa sổ nếu bỏ việc ân hạn thuế. Trên thực tế, việc ân hạn thuế rất ít thấy được áp dụng ở các nước trên thế giới.

10 DN nộp thuế nhiều nhất năm 2006 tại TP.HCM

1. Công ty thăm dò và khai thác dầu khí (thuộc Petrovietnam) với số thuế đã nộp 3.113 tỉ đồng.

2. Công ty liên doanh nhà máy bia Việt Nam với hai nhãn hiệu bia quen thuộc Heineken và Tiger, nộp 2.140 tỉ đồng.

3. Tổng công ty rượu bia nước giải khát Sài Gòn với nhãn hiệu bia Sài Gòn và bia 333, nộp 1.844 tỉ đồng.

4. Công ty Conoco Phillips (Mỹ), DN liên doanh với Công ty thăm dò và khai thác dầu khí cùng phát hiện dầu tại mỏ Sư tử nâu nộp 1.404 tỉ đồng.

5. Công ty KNOC (Hàn Quốc) nộp 1.068 tỉ đồng.

6. Công ty thuốc lá Bến Thành nộp 710 tỉ đồng.

7. Công ty xổ số kiến thiết TP.HCM nộp 690 tỉ đồng.

8. Công ty SK Corporation (Hàn Quốc) hoạt động trong ngành năng lượng, nộp 561 tỉ đồng.

9. Trung tâm Thông tin di động khu vực 2 (Mobifone) nộp 524,4 tỉ đồng.

10. Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP.HCM nộp 513 tỉ đồng.

 (Nguồn: Cục Thuế TP.HCM)

N.H 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.