Nhân bản vô tính cây đa cũ

17/03/2008 22:25 GMT+7

Chiều 17.3, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề phục hồi cây đa Tân Trào lịch sử, tuy nhiên, hội thảo vẫn chưa đi đến một quyết định chính thức.

Tại hội thảo, Viện Khoa học Lâm nghiệp cho biết hiện tại chưa thể kết luận chính xác về nguyên nhân suy thoái của cây đa Tân Trào. Tuy nhiên, nghiên cứu ban đầu cho thấy mực nước ngầm rất cao có thể làm cây đa hỏng bộ rễ, cây có hiện tượng sâu bệnh, mối, nấm... Phỏng đoán nguyên nhân suy thoái là tổng hợp của nhiều nhân tố.

Một nông dân ở Ninh Bình viết thư đề nghị đắp đất cao lên, để cho các rễ con của cây có thể tiếp đất và trở thành các gốc cây mới. Nhưng đặt lại vấn đề là khi đó, gốc cây có thể bị mục hay không, thì người dân này không lý giải được. Một người khác ở Long An phân tích, có thể cây suy thoái vì thiếu các chất vi lượng.

Đại diện Công ty Bình An chuyên về cây cảnh ở Hà Nội thì phỏng đoán 80% cây suy nhược vì bộ rễ đã hỏng. Nhưng không có ai khẳng định cây hỏng vì lý do gì.

Là đơn vị được giao nghiên cứu và đề xuất giải pháp, Viện Khoa học Lâm nghiệp đưa ra bốn phương án: Phục hồi cây đa bằng giải pháp thay thế. Một số cây đa cùng loài có chiều cao khoảng 20 - 30 mét, đường kính gốc khoảng 50 - 60 cm sẽ được trồng cạnh cây đa cũ, tiến tới thay thế hoàn toàn cây đa cũ. Giải pháp này dễ thực hiện, ít tốn kém nhưng không giữ được hình dạng cây đa cũ. Thứ hai là giữ nguyên cây đa hiện tại, nhưng dần thay thế bằng cây con bằng cách chiết, giâm... trên cành cây đa cũ. Cách này giữ được hình dạng cây đa cũ nhưng mất thời gian và tốn kém.

Phương án thứ ba, phục hồi cây đa bằng giải pháp sinh học kết hợp với thay thế. Giải pháp này yêu cầu giữ nguyên cây đa cũ, kết hợp trồng một cây đa mới sau đó phối ghép cây cũ và cây mới. Phương án bốn, sử dụng một giải pháp tổng hợp. Gốc cây đa hiện tại sẽ được gia cố bằng chất dẻo, bê tông rồi trồng các cây đa con lên trên.

Tuy nhiên, Hội thảo đã không đi đến một quyết định cụ thể nào theo đề xuất của Viện Khoa học Lâm nghiệp.

Ông Đỗ Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang khẳng định, ưu tiên số một là giữ cây đa bằng chính bản thân nó. Nếu không được mới trồng một cây đa khác. Trước mắt, cần phải nhân giống vô tính cây đa và chống đổ gãy. Tiếp sau, UBND tỉnh sẽ cùng với Bộ VH - TT và DL, Bộ NN và PTNT bàn kế hoạch cụ thể.

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.