Người Mỹ gốc Phi hy vọng vào tương lai

23/01/2009 10:26 GMT+7

Với việc ông Barack Obama vào Nhà Trắng, người Mỹ gốc Phi như được hồi sinh. Họ tự hào về hiện tại, hy vọng vào tương lai, nhưng vẫn nhớ về quá khứ gian truân.

Trên bàn làm việc của John Newson, phía sau tấm bảng tên cho biết ông là giám đốc ban nhạc diễu hành của Trường Đại học Howard ở thủ đô Washington (Mỹ), ông đặt một kiện bông vải thu nhỏ.

Ban nhạc toàn người da đen của ông Newson, được gọi là “Harvard đen”, tham dự cuộc diễu hành trong lễ nhậm chức của tân Tổng thống (TT) Barack Obama. Đài BBC (Anh) cho biết đó là một câu chuyện đổi thay nho nhỏ ở một đất nước đã thay đổi hết sức to lớn tính từ khi cậu bé John Newson được đưa ra cánh đồng bông ở bang Louisiana cách đây nhiều năm trời.

Quá khứ buồn

Newson là một nhân vật được đề cao trong những ngày này. Tuy nhiên, ông vẫn thường hồi tưởng những khoảng thời gian xa xưa ở vùng nông thôn Louisiana, khi đám trẻ da đen phải ra khỏi trường trước bọn trẻ con da trắng 3 giờ và được đưa đi làm việc trên những cánh đồng bông – một công việc quá sức đối với một cậu bé trong cơn oi bức của mùa hè miền Nam. Ông cũng nhớ lại, không một người da đen nào, kể cả đàn ông lẫn phụ nữ, dám liều lĩnh đưa mắt nhìn bất kỳ người da trắng nào đi trên đường ở thị trấn nhỏ bé của họ. Do luật địa phương quy định, họ nhìn xuống hoặc quay đi, nếu không sẽ bị phạt.

Ông thực sự xúc động khi nghĩ đến sự kiện một người gốc Phi nắm quyền ở Nhà Trắng. Điều đó nhắc đến chặng đường dài mà người Mỹ gốc Phi đã đi qua kể từ khi ông phải chất bông thành kiện ngoài cánh đồng trong lúc lẽ ra ông được ngồi trong lớp và vui chơi với bạn bè.

Thủ đô Washington, đôi khi được gọi là Chocolate City (Thành phố Sôcôla), là nơi quyền lợi của hai hạng người được tách biệt. Giới cầm quyền ít ỏi có xu hướng sống và làm việc ở trung tâm lộng lẫy, xung quanh họ là những đường phố với đa số là người da đen. Ông Newson tự hỏi liệu tân TT có thể đưa hai tầng lớp khác biệt nhau này xích lại gần nhau hay không. Và ông Newson tin rằng sự kiện ông Obama trở thành TT Mỹ có ý nghĩa là cuộc hành trình gian khó của người Mỹ gốc Phi đã chấm dứt.

Vẫn còn đó nạn kỳ thị

Ông kể: Cách nay mấy năm, vợ ông đưa ba đứa cháu trở về Louisiana. Khi bốn bà cháu đi đến một hồ bơi, tất cả những người da trắng đang bơi ở đó đều ra khỏi hồ và đi mất. Theo ông Newson, việc bầu ông Obama chỉ mang tính biểu tượng và tân TT sẽ có quyền lực ghê gớm nhưng ông không thể nào làm cho người da trắng và da đen bơi chung trong một hồ nước.

James Kilby, một người Mỹ gốc Phi khác, đã có mặt trong nhóm học sinh da đen đầu tiên được học tại trường trung học chỉ toàn người da trắng ở thành phố Front Royal, sau khi cha cậu đấu tranh với ban quản trị nhà trường. Ông nhớ lại làn sóng hăm dọa nhắm vào gia đình ông khi người cha khởi đơn kiện. Ông kể: “Ba con bò nhà tôi bị đầu độc, một tờ giấy dính đầy máu treo ở hộp thư trước nhà và ban đêm, có những người chạy xe ngang qua bắn vào nhà tôi. Thậm chí nhiều năm sau, người ta còn cắm một cây thập tự đang cháy vào bãi cỏ”. Ông tin rằng vị tân TT sẽ đem lại sự đổi thay mà ông hứa hẹn.

Trong khi đó, theo Corey Crane, Giám đốc Công ty Du lịch Chocolate City ở Washington, TT Obama có thể thôi thúc giới trẻ da đen nhắm đến những mục đích cao hơn trong cuộc sống và công việc.

Theo Hoài Vy/Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.