Mai táng thời công nghệ cao

23/05/2010 11:14 GMT+7

(TNTT>) Trước tình trạng đất chật người đông, các kỹ thuật an táng công nghệ cao đã được phát minh để bảo đảm mục tiêu xanh, sạch cho môi trường sống.

Trong lúc người sống nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường trước tình trạng ấm lên toàn cầu, người chết cũng có thể góp phần mình vào công cuộc bảo vệ Trái đất. Với điều kiện hiện nay, chuyện thay thế quan tài gỗ bằng loại dễ dàng phân hủy hoặc xây mộ chồng lên nhau cũng không giải quyết được vấn đề là đất nghĩa trang đang thiếu hụt một cách trầm trọng. Thế là những phương pháp xử lý xác công nghệ cao đua nhau ra đời, và nhà phát minh nào cũng cam đoan cách của mình là “xanh” nhất, dù quy trình thực hiện có vẻ hơi "rùng rợn", nhất là nếu xét theo quan niệm của người Á Đông.

Đông lạnh rồi…lắc

Ai tham quan hội chợ ma chay châu Á mới đây diễn ra tại Hồng Kông cũng trầm trồ trước các quan tài làm bằng bột khoai tây và những lọ cốt có thể dễ dàng phân hủy mà không gây hại cho môi trường. Tuy nhiên, các sản phẩm trên thua xa về mặt ấn tượng trước đối thủ hàng đầu về phương pháp mai táng công nghệ cao, tên tiếng Anh là promession, được cho là phương pháp xử lý xác chết “xanh” nhất hiện nay. Chúng ta cứ thử hình dung ra chu trình như thế này: ngâm thi thể trong nitrogen lỏng để đông lạnh hết mức, sau đó thi thể này sẽ bị lắc mạnh cho đến khi nó chỉ còn là một đống bụi. “Xác người sẽ tan rã thành từng mảnh vụn khi bị đông lạnh dưới nhiệt độ thật thấp và đó là điều tôi cảm thấy đạt yêu cầu mà lại sạch sẽ”, hãng tin Reuters dẫn lời nhà khoa học Thụy Điển Susanne Wiigh-Masak, người đi tiên phong trong việc sử dụng phương pháp đông lạnh, thoạt nghe tưởng chỉ có trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.

Sau khi bị biến thành bụi mà không cần giàn thiêu, các hạt tinh thể của xác người sẽ được đưa vào bộ phận lọc để lược bỏ những kim loại nặng như thủy ngân và được chôn trong một hộp có thể dễ dàng phân hủy mà không gây hại môi trường. Tro bụi này sẽ được dùng để bón cho một cái cây trong công viên tưởng niệm đặc biệt. Trong khi xác người chôn phải mất nhiều thập niên để phân rã hoàn toàn, các hạt bụi được phân tử hóa từ quy trình promession sẽ tan rã sau từ 6 đến 18 tháng, cắt ngắn và hoàn thành một chu trình sống đúng nghĩa.

Sau gần 1 thập niên thử nghiệm, phát triển và vượt qua các thách thức về đạo đức lẫn pháp lý, bà Wiigh-Masak cho hay nhà tang lễ "promatorium" đầu tiên trên thế giới sẽ được khai trương tại Thụy Điển vào tháng 4 năm 2011, với năng suất xử lý đến 1.500 xác người một năm. Hàn Quốc sẽ tiếp bước ngay sau đó. Nước này đang xây dựng ít nhất 13 công viên tưởng niệm trên toàn quốc để có nơi đón tro đông lạnh của những người đã khuất với quy mô lớn hơn nhiều so với quốc gia Bắc u.

“Đây sẽ là giải pháp tương lai cho Hàn Quốc”, Wiigh-Masak cho hay phương pháp an táng của bà nhận được sự ủng hộ ngầm của chính phủ xứ sở nhân sâm và ít nhất 18 triệu thành viên của Giáo hội Thiên chúa giáo Hàn Quốc khẳng định sẵn sàng được đông lạnh khi chết.

Theo bà Wiigh-Masak, các phương pháp an táng truyền thống hiện nay tại Hàn Quốc có thể sẽ không được cho phép trong tương lai, một phần là hầu hết nghĩa địa trên toàn quốc đang trở nên khan hiếm đất đai dữ dội. Trong lúc dân số thế giới đang leo thẳng lên mức 7 tỉ người, và khoảng 60 triệu người qua đời mỗi năm, những phương pháp an táng thay thế những kiểu truyền thống có thể giúp bảo vệ môi trường cho người còn sống. “Đó thật sự là một cơ hội tốt cho hành tinh của chúng ta”, Wiigh-Masak nói.

Thủy phân kiềm và làm pin từ xác chết

Với sự gia tăng nhận thức về tình trạng thay đổi khí hậu và sự phát triển xác thực của các công nghệ sạch hơn, xanh hơn, những kỹ thuật xử lý xác khác cũng liên tục ra đời.

Ví dụ như phương pháp “Resomator”, sử dụng dung dịch kiềm để phân hủy xác thành một loại bột trắng và chất lỏng sậm màu, vô trùng có thể được xả thẳng xuống hệ thống thoát nước một cách an toàn. Các nhà khoa học của trường Cao đẳng nghệ thuật Hoàng gia (Anh) còn nghĩ ra cách tạo pin vi sinh từ quá trình phân hủy xác người và dùng pin này cung cấp năng lượng cho một loạt thiết bị xách tay. Một nhà khoa học khác thậm chí còn nghĩ đến việc dùng tro người chết để làm ruột bút chì...

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.