Nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng: Điều trị thế nào trong kỷ nguyên đề kháng kháng sinh?

17/12/2019 16:00 GMT+7

Các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp mắc phải tại cộng đồng (CA-RTIs) gần đây có chiều hướng tăng mạnh. Ở nước ta, nhóm bệnh này ngày càng phức tạp mà nguyên nhân chính là do tình trạng đề kháng kháng sinh của các tác nhân gây bệnh.

PGS-TS-BS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM đã có những chia sẻ về căn bệnh này và những khuyến cáo quan trọng khi bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh.
Thưa PGS-TS-BS Trần Văn Ngọc, nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng là một nhóm bệnh thường gặp ở nước ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng có hiểu biết cụ thể về những căn bệnh này. Bác sĩ có thể chia sẻ thêm với độc giả về vấn đề này?
Nhiễm khuẩn hô hấp mắc phải cộng đồng (CA-RTIs) là một bệnh lý phổ biến ở cả trẻ em và người lớn, bao gồm những trường hợp mắc bệnh mới và cả những bệnh nhân tái phát bệnh trong vòng 90 ngày kể từ ngày xuất viện và đã được điều trị kháng sinh trước đó.
Những bệnh thường gặp trong nhóm bệnh này có thể kể đến như nhiễm khuẩn hô hấp trên (viêm tai giữa, viêm mũi họng, viêm xoang) hay nhiễm trùng hô hấp dưới, đặc biệt là viêm phổi - một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay (40% trong vòng 1 năm, nhất là ở những bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên hoặc có bệnh mắc kèm như COPD - bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hút thuốc lá, bệnh lý tim mạch…).
Đâu là nguyên nhân gây bệnh chính, thưa bác sĩ? Vì sao nhóm bệnh này đang có xu hướng chuyển biến phức tạp?
Căn nguyên chính là các nhóm vi khuẩn như S. pneumoniae, H. influenzae, M. catarrhalis, liên cầu beta tan huyết nhóm A. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, rồi ô nhiễm khói thuốc lá cũng đang khiến các bệnh hô hấp tăng mạnh.
Riêng ở nước ta, nhóm bệnh nhiễm khuẩn hô hấp mắc phải ở cộng đồng diễn biến khá phức tạp, do ảnh hưởng từ vấn nạn lạm dụng kháng sinh đã diễn ra trong một thời gian dài. Nhóm bệnh này phải điều trị bằng kháng sinh, nhưng các nhóm kháng sinh liều thấp, thế hệ cũ hiện nay hầu như đã không còn tác dụng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp. Chẳng hạn như tỷ lệ kháng erythromycin (một kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh macrolide dùng trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp) tại Việt Nam đã là 80,7%.
Xin bác sĩ nói rõ hơn về tình trạng đề kháng kháng sinh gây khó khăn trong điều trị các bệnh này như thế nào?
Các báo cáo cho thấy 75% kháng sinh kê đơn được dành để điều trị nhiễm khuẩn hô hấp. Tuy nhiên, các bệnh này đang vấp phải hiện tượng lờn thuốc kháng sinh trong cộng đồng.
Nguyên nhân dễ thấy nhất là dân mình đã quen với việc cứ ho một chút, sốt một chút là tự ra nhà thuốc mua thuốc nên kháng sinh được bán tràn lan, ngay cả các kháng sinh mạnh, thế hệ mới. Chưa kể nhiều bệnh nhân đi khám bệnh mà không thấy bác sĩ cho thuốc kháng sinh là tự ý mua thêm để uống cho mau khỏi bệnh mà không biết là kháng sinh không phải là “linh đơn diệu dược”. Không phải bệnh nào cũng cần uống kháng sinh, chẳng hạn như những trường hợp cảm cúm thông thường.
Ngoài ra, rất nhiều bệnh nhân sử dụng kháng sinh không theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khi thấy bệnh tình vừa thuyên giảm thì lại tự ý ngưng thuốc khiến vi khuẩn không được diệt trừ hoàn toàn, tạo điều kiện cho vi khuẩn tự thay đổi để thích nghi, kháng lại thuốc và lại tiếp tục lan truyền trong cộng đồng. Lúc này, để điều trị, bác sĩ phải dùng kháng sinh mới hơn, hoặc dùng lại kháng sinh cũ với liều rất cao, gây ra nguy hiểm cho cơ thể.
Tình trạng đề kháng kháng sinh khiến bệnh thường kéo dài, ngay cả bệnh thường gặp như viêm họng cũng kéo dài cả mấy tuần mới khỏi. Chi phí đặc biệt tăng cao với những bệnh nhân phải nằm viện điều trị do bị nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc, do các vi khuẩn này chỉ còn nhạy với vài loại kháng sinh mới nhất, thậm chí đã kháng với tất cả các kháng sinh hiện có.
Với tình trạng đề kháng kháng sinh như hiện nay, bệnh nhân phải lưu ý những gì trong quá trình điều trị, thưa bác sĩ?
Hiện nay đề kháng kháng sinh đã trở thành mối nguy đáng lo ngại nhất trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc, trong khi đó tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc kháng sinh thế hệ mới hiện không kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc.
Do đó, về cơ bản, bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý là không tự ý điều trị bệnh bằng kháng sinh. Cần hiểu rằng kháng sinh không phải lúc nào cũng cần thiết và nhất là khi chưa biết rõ mình mắc bệnh gì. Người bệnh cần đi khám tại các cơ sở khám bệnh chuyên khoa để phát hiện đúng tác nhân gây bệnh trước khi được kê đơn kháng sinh.
Người bệnh cũng cần biết rằng khi quyết định kê toa, bác sĩ phải vận dụng hết kiến thức, kinh nghiệm thu thập qua bao nhiêu năm của mình. Vì vậy, nếu chưa hiểu rõ, bạn nên hỏi lại, chứ không nên tự ý ngưng thuốc, đổi thuốc hay tăng, giảm liều khiến bệnh diễn biến phức tạp.
Cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ hữu ích này!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.