Ô tô 'nội' tiếp tục được xem xét giảm phí trước bạ, có vực nổi sức mua?

Bá Hùng
Bá Hùng
25/04/2024 10:14 GMT+7

Ô tô lắp ráp trong nước tiếp tục được xem xét giảm lệ phí trước bạ sau khi sức mua sụt giảm gần 20% trong quý 1/2024, tuy nhiên "liều thuốc" này liệu có đủ mạnh để "chữa lành" thị trường ô tô vốn đang suy yếu khi đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế.

Ô tô lắp ráp trong nước đang đứng trước cơ hội tiếp tục được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ vốn từng được ví như liều thuốc giúp thị trường ô tô "chống ế". Thế nhưng, sau nhiều lần liên tiếp áp dụng, hiệu quả của chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước đang giảm dần, khi hàng loạt khó khăn của nền kinh tế bủa vây khiến thị trường ô tô Việt Nam được cho là đang "lờn thuốc".

Kể từ sau khi lập kỷ lục trong năm 2022, thị trường ô tô Việt Nam vẫn đang trong tình trạng "lao dốc không phanh" về doanh số. Bất chấp nỗ lực của các nhà sản xuất phân phối ô tô khi liên tiếp triển khai hàng loạt chương trình giảm giá với nhiều mẫu mã cùng sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô trong năm 2023 sụt giảm khoảng 25% so với năm 2022 theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Ô tô 'nội' tiếp tục được xem xét giảm phí trước bạ, có vực nổi sức mua?- Ảnh 1.

Sức mua trên thị trường ô tô liên tục sụt giảm

Bá Hùng

Đáng chú ý, sự sụt giảm về sức mua của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2023 diễn ra trong bối cảnh chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước được áp dụng trong nửa cuối năm 2023. Bên cạnh đó, ô tô điện chạy bằng pin vẫn đang trong lộ trình được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu 0% theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP.

Bước sang năm 2024, bất chấp biến động của nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn vốn được cho là suy thoái, thị trường ô tô Việt Nam vẫn đang vật lộn trong khó khăn. Bài toán cải thiện doanh số vẫn chưa có lời giải khi nhiều mẫu mã ô tô được giảm giá bán nhưng doanh số bán hàng của toàn thị trường sau khi kết thúc quý 1/2024 vẫn tiếp tục giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2023. Ô tô mới đời 2024 giảm giá đã khó bán, nhiều nhà sản xuất, đại lý phân phối ô tô đến nay vẫn phải "ôm" các lô xe đời 2023 tồn kho và đang loay hoay để xả hàng.

Ô tô lắp ráp trong nước tiếp tục được xem xét giảm lệ phí trước bạ

Ô tô lắp ráp trong nước tiếp tục được xem xét giảm lệ phí trước bạ

Bá Hùng

Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Mới đây, Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 việc gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước.

Chính sách này mới đang ở giai đoạn kiến nghị, đề xuất nhưng nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối ô tô cũng như khách hàng tại Việt Nam. Bởi thực tế những năm trước đây cho thấy, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước đã trở thành "bài thuốc" hữu hiệu, góp phần "cứu" thị trường ô tô khỏi nguy cơ khủng hoảng.

Thị trường ô tô Việt khó "có cửa" khởi sắc trong năm 2024

Kể từ sau đại dịch Covid-19 bùng phát (năm 2020) đến nay, đã 3 lần chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được áp dụng. Trong hai lần đầu tiên (từ 29.6 - 31.12.2020 và từ 1.12.2021 - 31.5.2022) chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần kích thích tâm lý mua sắm ô tô của người dân, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số. Tuy nhiên, khi tiếp tục được áp dụng lần thứ ba vào nửa cuối năm 2023, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã không còn vực nổi thị trường ô tô vốn giảm mạnh về sức mua.

Thị trường ô tô cần nhiều giải pháp đồng bộ để vực dậy sức mua trong năm 2024 vốn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Thị trường ô tô cần nhiều giải pháp đồng bộ để vực dậy sức mua trong năm 2024 vốn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Bá Hùng

Về lý thuyết, một chuyên gia trong ngành nhận định, khi thị trường ô tô chững lại và sụt giảm doanh số việc có những chính sách để khuyến khích, kích cầu tiêu dùng là điều đáng mừng với các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Bởi, dù ít nhiều tất cả đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, với bối cảnh thị trường ô tô hiện nay, cần có nhiều giải pháp đồng bộ và tháo gỡ đúng nút thắt mới thực sự mang lại hiệu quả.

Thực tế những tháng đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối ô tô tại Việt Nam đã và đang nỗ lực áp dụng chính sách giảm giá thông qua việc ưu đãi, hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách hàng mua xe. Thậm chí, có hãng còn sẵn sàng hỗ trợ 100% lệ phí trước với nhiều mẫu mã nhất định. Tuy nhiên, doanh số vẫn không được cải thiện là bao. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục áp dụng chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ, bản thân các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô cần có nhiều giải pháp đồng bộ khác kể tạo động lực giúp thị trường ô tô vực dậy sức mua trong năm 2024 vốn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.