Cặp sách - ba lô cho trẻ

26/05/2010 09:37 GMT+7

(TNTT>) Hiện trên thị trường có ba loại sản phẩm chính phục vụ các bé trong nhu cầu mang sách vở đến trường và đi du lịch: cặp truyền thống, túi đeo chéo và ba lô.

Tiện nhưng chưa lợi

Túi đeo chéo khá tiện lợi, gọn gàng. Tuy nhiên, với khối lượng sách vở hoặc đồ vật quá nặng, việc tập trung lực chỉ một bên sẽ khiến trẻ dễ bị khuyết tật cột sống. Hệ thống cơ cũng sẽ phát triển không đều. Các biểu hiện thường thấy là bị lệch vai. Một nguy cơ có thể nhẹ hơn, nhưng cũng xuất hiện rất nhiều là việc trẻ bị sửa tướng. Do phần nào cơ thể còn yếu nên trẻ phải nghiêng người một bên mới có thể cân bằng lực trong quá trình vận động. Dần dà, việc nghiêng người này tạo thành một thói quen, một phản xạ vô điều kiện rất khó sửa chữa về sau.

Còn với cặp có hai quai đeo, lực phân phối trên mỗi vai được cân bằng và chỉ còn khoảng 1/2 tổng trọng lượng của cặp. Đây cũng là dụng cụ được nhiều phụ huynh chọn lựa bởi độ cứng cần thiết của thành cặp sẽ giúp giữ gìn tập vở của con em ngay thẳng. Tuy nhiên, không phải là không có rủi ro. Dù cân bằng lực theo phương ngang, song khi đeo cặp sách, trọng lượng của cặp cũng phân bố không đều, bị lệch về phía sau. Và cũng như túi đeo chéo, để tạo thế cân bằng, thường trẻ phải gù lưng chút xíu, tạo thế cân bằng, phần nào tạo thế như việc cõng chiếc cặp, mang lại cảm giác cặp nhẹ hơn, dễ chịu hơn. Một vấn đề khác cũng thỉnh thoảng xảy ra là trẻ cảm giác dễ mệt, chóng mặt, khó thở khi đeo cặp quá lâu. Đó là do phần quai đeo của cặp vô tình đè nặng lên lồng ngực, cản trở việc hô hấp, phần nào cũng cản trở máu lưu thông, dễ tạo các biến chứng khó lường.

Nên chọn ba lô

Ba lô là vật dụng giúp trẻ có thể đựng được sách vở, nhưng cũng được sử dụng khi đi chơi, đi du lịch trong dịp hè. Thường đa phần phụ huynh không ủng hộ ba lô cho việc đi học của trẻ vì chất liệu quá mềm để có thể bảo vệ sách vở. Tuy nhiên, đó chỉ là nhược điểm của những chiếc balô rẻ tiền. Nếu dạo một vòng các địa điểm bán cặp sách - ba lô cho trẻ, phụ huynh sẽ dễ thấy loại ba lô chuyên dụng, có giá từ vài chục ngàn cho đến cả trăm, thậm chí cả triệu đồng. Vậy có gì khác biệt giữa những chiếc ba lô này?

Đó là yếu tố bảo vệ an toàn cho trẻ trước các chấn thương có thể xảy ra do mang vác nặng liên tục. Một chiếc ba lô chuyên đựng sách vở giá rẻ thường chỉ được nhà sản xuất chia ngăn hợp lý và được thiết kế có vách cứng hơn. Nhưng với loại ba lô ngoại nhập, có giá hơn triệu đồng thì khác. Đó là các gù bằng mút mềm, nằm phía sau ba lô. Khi trẻ tới trường hoặc đi du lịch, những gối mút này sẽ tì nhẹ vào phần lưng, giúp phân phối lực đều hơn cũng như tạo thế buộc trẻ phải thẳng lưng khi sử dụng. Ngay cả quai đeo của những chiếc ba lô dạng này cũng khác biệt. Chúng thường có bản lớn, bọc xốp mềm nhằm phân tán tốt nhất có thể lực ép lên ngực trẻ. Cạnh đó, được tính toán chi li khả năng chịu lực, loại ba lô này còn cực bền, ít bị rách quai, đứt chỉ may như những chiếc ba lô bình thường trong cùng một điều kiện sử dụng. Có lẽ đây là loại dụng cụ thích hợp nhất cho trẻ.

Giá cả và cách sử dụng

* Những chiếc ba lô đặc chế dành cho trẻ vừa có thể đi học, vừa có thể đi chơi không nhiều, song cũng không khó tìm. Một trong những thương hiệu được đánh giá cao nhất hiện nay là Swiss, với logo hình chữ thập trắng trong nền đỏ. Giá của loại balô này dao động trong khoảng 900.000-2.500.000 đồng tùy theo nhu cầu sử dụng, độ lớn và đặc tính chuyên dụng của ba lô. Chúng được bán khá nhiều tại khác trung tâm thương mại lớn. Hai thương hiệu khác cũng được khuyên dùng là Crumpler, Golla. Dù không chuyên phục vụ học sinh, song những chiếc ba lô, cặp sách do hai hãng này sản xuất cũng được tính toán rất kỹ đến yếu tố an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, bạn phải chọn nơi có uy tín để mua vì đây là mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất hiện nay, có giá thành rất mềm, dễ xiêu lòng bất cứ người dùng nào.

* Một loại cặp khác cũng khá phổ biến hiện nay là cặp sách có bánh xe và tay kéo. Thiết kế này sẽ giúp các bé không cần phải mang vác cặp thường xuyên, có thể đặt xuống và kéo trên những mặt phẳng. Song đây cũng chỉ là biện pháp đối phó, không mấy ưu việt.

* Cần chuyển đổi vai thường xuyên khi sử dụng túi đeo. Nếu có thể, nên đặt túi đeo, ba lô xuống đất chứ không nên “vác” liên tục.

* Cần theo dõi động thái của trẻ thường xuyên để kịp thời can thiệp khi cần. Cũng nên cho trẻ khám định kỳ nhằm phát hiện sớm nhất các khuyết tật có thể xuất hiện._ Bùi Hoàng

Bùi Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.