Quá khứ vô giá qua những thước phim màu

15/07/2010 03:38 GMT+7

Tháng 2-2010, 1.510 đầu mục phóng sự ngắn (hơn 6.000 phút tư liệu) về miền Bắc Việt Nam những năm chống Mỹ đã được phía Nhật Bản chuyển giao bản quyền khai thác cho VTV. Nhưng câu chuyện hạnh ngộ để có được khối tài sản quý giá ấy thì không phải ai cũng biết.

Nhà báo Xuân Tùng là người đầu tiên của Đài truyền hình Việt Nam tiếp cận Hãng truyền hình Nhật Bản Nihon Denpa News (NDN) tại Tokyo và thúc đẩy quá trình thương thảo trong bốn năm để việc chuyển giao tư liệu được diễn ra. Điều đặc biệt của tư liệu này, ngoài ý nghĩa lịch sử là ở những hình ảnh rất đẹp, do từ năm 1968 trở đi NDN bắt đầu sử dụng phim màu để ghi hình (từ trước đến nay ta vẫn chỉ được coi tư liệu những năm 1960-1970 là tư liệu đen trắng).

Xuân Tùng kể về cơ duyên khiến anh biết đến khối tư liệu quý giá này:

Năm 2006, trước khi đi công tác Nhật Bản, tôi được các đồng nghiệp giới thiệu tới đại diện của Hãng NDN tại Việt Nam như một đầu mối để tìm kiếm các đề tài mở rộng. Tôi vô cùng ngạc nhiên về bề dày gắn bó với Việt Nam của NDN.

 

Nấp dưới hầm tránh máy bay Mỹ - Hình ảnh tư liệu mà NDN ghi lại

Ông Yanagisawa Yasuo (chủ tịch đầu tiên của NDN) vào năm 1962 đã tới Việt Nam diện kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Bác gợi ý về việc thành lập văn phòng đại diện bởi chiến tranh có thể mở rộng ra cả miền Bắc. Và kể từ tháng 12-1964, NDN là hãng truyền hình đầu tiên đưa tin ra thế giới phương Tây về cuộc chiến tranh Việt Nam nhìn từ miền Bắc.

Những hình ảnh khốc liệt và tàn bạo do quân đội Mỹ gây ra ở miền Bắc Việt Nam do NDN ghi lại sau khi công chiếu tại Nhật Bản tiếp tục được các hãng thông tấn Mỹ và châu u sử dụng, được cả thế giới biết đến. Phong trào phản chiến nổ ra ở khắp nơi cũng một phần nhờ những hình ảnh biết nói ấy.

Đại diện của Hãng NDN ở Việt Nam là anh Trần Huy Công đã thu xếp cho tôi một cuộc hẹn với mục đích thăm trụ sở của Hãng NDN, thăm những nhà làm phim kỳ cựu từng có mặt ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Ở Tokyo, NDN không phải là một hãng tin lớn. Trụ sở của họ nằm khiêm tốn dưới hầm của một tòa nhà nhưng sự gắn bó với Việt Nam, với cuộc kháng chiến của chúng ta thì thật sự ấn tượng.

Hình ảnh các nhà làm phim đang tác nghiệp, đất nước, con người Việt Nam thời chiến, chân dung những người lính tự vệ Hà Nội với sao vuông trên mũ, người pháo thủ phòng không gương mặt đẫm mồ hôi với đôi mắt rực lửa bảo vệ bầu trời thủ đô... hiện diện ở khắp nơi. Tôi ngỡ mình đang lạc vào một cuộc triển lãm ảnh khi gặp lại quá khứ của cha anh với đầy ắp rung động và chân thật ở nơi xa xôi này.

Ngồi trong căn phòng đầy ắp tài liệu và hình ảnh về Việt Nam, tôi được ông Ishigaki Misao cho xem những hình ảnh tư liệu mà các phóng viên của NDN đã quay tại Việt Nam suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cũng như sau hòa bình. Lần đầu tiên trong đời tôi được xem những thước phim tư liệu màu đẹp đến thế.

Tôi ấn tượng với một phóng sự làm về các nữ thanh niên xung phong năm 1970. Những hình ảnh theo chân các chị đưa ta từ Nhà hát lớn của thủ đô Hà Nội tới tận Quảng Bình. Đó là những cô gái thủ đô gọn gàng với quân trang quân dụng nhà binh và cả sự thay đổi hoàn toàn để thích nghi với hoàn cảnh sống mới cũng được miêu tả khá kỹ lưỡng. Điều tôi đánh giá thành công nhất là qua phóng sự, các nhà làm phim NDN đã truyền tải được tinh thần của những người ra trận năm đó, sự lạc quan yêu đời, sự vô tư chỉ có ở những người trẻ tuổi, có lý tưởng.

Bằng kinh nghiệm của phóng viên truyền hình, tôi biết để thực hiện được những phóng sự này, các nhà quay phim Nhật chắc chắn đã có cả một thời gian dài bám theo đội thanh niên xung phong, đã sống cùng họ và đã quay hàng ngàn mét phim để có thể dựng lên một phóng sự chân thực đó.

Để có hàng chục ngàn mét phim tư liệu về Việt Nam, nhiều thế hệ đạo diễn, quay phim của NDN đã cùng sống cuộc sống chiến đấu của quân dân miền Bắc. Chồng của bà Yoshida Hiroko - giám đốc đối ngoại của NDN - là một trong số đó.

Ông Ishigaki Misao - tổng giám đốc NDN hiện nay cũng là phóng viên thường trú tại Việt Nam (1969-1972). Ông Misao cho tôi xem những kho phim và cuối cùng ông biểu lộ mong muốn của NDN là chuyển giao phần quý nhất của kho tư liệu - khoảng 1.510 phóng sự ngắn (1964-1981) với một mức giá tượng trưng cho Việt Nam.

Ông Misao nói ông muốn nhân dân Việt Nam là người được sở hữu những hình ảnh đặc biệt ấy, muốn nó quay trở lại Việt Nam và sâu xa hơn ông sợ trong tương lai khi Hãng NDN có những vị lãnh đạo mới thì tâm huyết và tình cảm với kho tư liệu sẽ không được như thế hệ của ông, những người đã trực tiếp cầm máy đối mặt với bom đạn Mỹ để có kho phim vô giá ấy.

“Chúng tôi muốn nó sống mãi”

Hiện tại, nhà báo Xuân Tùng cùng đồng nghiệp đang theo dõi việc telecine (chuyển định dạng từ phim nhựa 16mm sang băng betacam) để chuẩn bị sử dụng tư liệu của NDN cho một số phim tài liệu truyền thống trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc (19-8 và 2-9), đặc biệt là dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Anh trao đổi thêm với Tuổi Trẻ:

 

Nhà báo Xuân Tùng bên hành lang của NDN treo toàn tư liệu về Việt Nam - Ảnh: nhân vật cung cấp

* Cảm giác của anh về giá trị tư liệu mà NDN cất giữ như thế nào? Chất lượng kỹ thuật của 1.510 phóng sự ngắn đó ra sao?

- Toàn bộ kho tư liệu đang được bảo quản trong tình trạng rất tốt, những hình ảnh sau hơn 40 năm mà vẫn mịn và đủ sáng như mới quay ngày nào.

Trước khi chia tay, ông Misao đưa cho tôi năm DVD mẫu, trong đó có một DVD ghi lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 1-6-1969, Bác khi đó rất yếu nhưng vẫn ra chơi với các cháu thiếu nhi. Đây có lẽ là những hình ảnh khỏe mạnh cuối cùng của Người, một phóng sự vô cùng quý hiếm.

Cuối phim là khoảng 10 phút hình ảnh đám tang Bác, tất cả đều có chất lượng cực tốt và là phim màu. (Được biết NDN đã cử sang Việt Nam bốn phóng viên với bốn máy quay nên hình ảnh đám tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghi lại đầy đủ với nhiều góc khác nhau và vô cùng xúc động. Phóng sự này đã được VTV4 khai thác vào dịp 2-9-2008).

Ông Misao nói: “Chúng tôi đã hi sinh cả mạng sống của mình để có được những thước phim nên chúng tôi muốn nó sống mãi. Tôi biết anh phân vân về chuyện bản quyền nhưng đừng ngại. Anh hãy cầm về Việt Nam và nếu không dùng được, hãy chuyển lại trả chúng tôi”.

Đến tháng 2-2010, toàn bộ kho phim được chuyển về Việt Nam (đúng vào ngày 23 tết). Tất cả đều là phim nhựa 16mm, định dạng negative, bản quyền thuộc về VTV với thời hạn sử dụng vĩnh viễn. Ngày kho phim được nhập vào kho tư liệu của đài, tôi như trút được một gánh nặng sau gần bốn năm.

* Dự định sắp tới của VTV và của cá nhân anh với khối tư liệu đó? Theo đánh giá của anh, những hình ảnh hoặc chi tiết nào đáng giá nhất?

- Từ ngày kho tư liệu về đến Việt Nam, tôi đã xem toàn bộ danh mục, phân cảnh và nội dung. Những tư liệu này có một giá trị đặc biệt bởi chúng là thứ mà hôm nay ta không thể gặp lại được. Điều tôi thấy lý thú nhất ở đây, theo cách đánh giá của giới làm tư liệu, kho phim này được gọi là phim “nháp” - tức là rất rộng và dễ sử dụng, được chia thành từng tháng, năm và gần như không lọt bất cứ sự kiện nào từ 1964-1981.

Một cách chia rất khoa học và có lợi cho người khai thác sau này. Góc nhìn của những nhà làm phim Nhật Bản thời sự và khá hiện đại so với thập kỷ 1960, tập trung vào thân phận con người, cuộc sống hằng ngày của người dân miền Bắc chứ không đơn thuần theo cách “ta thắng địch thua”.

Trong năm nay chúng tôi sẽ dựng một phim tư liệu đặc biệt và kỳ vọng sẽ mở một chuyên mục để có thể phát lần lượt với tinh thần trọn vẹn nhất tất cả 1.510 phóng sự ngắn của NDN về một thời kỳ lịch sử của Việt Nam. 

 Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.