Lãng phí tiềm năng du lịch biển

19/03/2011 00:04 GMT+7

Có hơn 3.200 km bờ biển nhưng VN vẫn chưa phát huy hết tiềm năng du lịch biển của mình, vì sao? Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã tìm câu trả lời vấn đề này tại hội thảo quốc tế do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức ngày 18.3 ở Bình Thuận.

Theo PGS-TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đến năm 2010 du lịch biển VN phải đứng vào top các nước có nền du lịch biển phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Nhưng hiện nay biển VN chỉ để khai thác đánh cá, đi lại và khai thác dầu khí…

 
Du lịch biển VN có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác - Ảnh: Diệp Đức Minh

Mất hàng trăm triệu USD mỗi năm

"Tiềm năng về du lịch biển VN đang bị lãng phí. Nhiều năm qua chúng ta lơ đãng vấn đề này. Những bãi biển như Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc, Mũi Né, Vũng Tàu không thua gì các bãi biển nổi tiếng trên thế giới như Pattaya, Phuket, Samui (Thái Lan) hay Bali (Indonesia), Penang, Langkawi (Malaysia) nhưng chưa được sử dụng hết công năng, gây lãng phí tài nguyên quốc gia", ông Lương phát biểu. Theo ông, nguyên nhân do nhận thức trong phát triển kinh tế biển còn hạn chế. Ngoài ra, sự biến đổi khí hậu; tranh chấp trên biển Đông cũng là những nguyên nhân chưa phát huy hết tiềm năng biển VN.

Du lịch biển sẽ đóng góp 10% GDP 

Biển, ven biển và hải đảo nước ta là nơi sinh sống của khoảng hơn 20 triệu người ở 28 tỉnh thành, 148 quận, huyện, thị xã, chiếm 41% diện tích và 51% dân số cả nước. Chiến lược kinh tế biển VN đến 2020 xác định du lịch biển sẽ đóng góp 10% GDP (hiện nay là 4% GDP).

Kiến trúc sư Nejiat Atay đến từ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng do chưa khai thác được tiềm năng nên chỉ mới tính riêng cho các môn thể thao trên biển, thì VN cũng đã mất đi hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Còn TS Việt Nam học Daria Vishukova (Nga) nói rằng những người Nga lớn tuổi đến Mũi Né thường phàn nàn vì rất ít nhân viên du lịch nói được tiếng Nga. Đội ngũ làm du lịch VN còn yếu kém nhiều so với các nước lân cận như Thái Lan hay Malaysia.

Đầu tư bát nháo đang phổ biến

TS Nguyễn Phú Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, phân tích: "Để có được thương hiệu biển VN cần có sản phẩm. Sản phẩm phải có chất lượng và được bán với giá cao. Điều này, chúng ta loay hoay mãi mà vẫn chưa làm được”.  Ông Đức cho rằng để khai thác tiềm năng thì cần phải xây dựng được thương hiệu biển VN, nhưng đây là câu chuyện dài chứ không thể ngày một ngày hai.  

Theo ông  Phạm Văn Mỵ, Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ TN-MT), muốn phát triển thương hiệu biển VN, thì mỗi người dân phải là một sứ giả quảng bá. Phải xoay chuyển được nhận thức của người dân về tiềm năng biển.

Đồng quan điểm này, ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Thuận nói: "Chúng ta đang bị khủng hoảng truyền thông về du lịch biển. Mặt khác, tình trạng đầu tư bát nháo đang phổ biến. Nhiều nhà đầu tư giữ nhiều đất ven biển nhưng không triển khai các dự án du lịch".

TS Lê Văn Minh, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ KH-ĐT), nhận định còn có quá nhiều mâu thuẫn về chính sách, lợi ích các ngành với nhau trên biển chưa được giải quyết. Chẳng hạn việc khai thác than ở Quảng Ninh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan của vịnh Hạ Long; khai thác dầu khí mâu thuẫn với việc khai thác thủy sản của ngư dân... “Muốn có giải pháp thì phải dần dung hòa được các mâu thuẫn này”, ông Minh nói.

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.