Mạo hiểm với trò trượt ván

01/05/2011 15:20 GMT+7

(TNTS) “Trượt ván (skateboard) được du nhập vào VN từ khoảng năm 2000 nhưng gần đây mới được nhiều người biết đến. Phải... gan lì mới chơi được môn thể thao này”, bạn Linh Bé - một cao thủ trượt ván đang sống tại Hà Nội cho biết.

Để gia nhập môn trượt ván, người chơi phải dũng cảm, dám chịu đau, sự kiên nhẫn và đặc biệt phải có đam mê. Những pha bay trên không hay lướt trên những thành cầu thang nhỏ hẹp và dốc khiến việc trẹo chân hay xây xát là chuyện xảy ra như cơm bữa. Người chơi cũng tốn không ít thời gian để làm quen với tấm ván. Đầu tiên là tập đi zic-zắc theo kiểu rắn trườn. Sau đó mới chuyển qua tập bước nhảy căn bản gọi là ollie. Để tập thành thạo bước ollie phải mất ít nhất 2 tháng. Còn muốn biểu diễn được những cú nhảy điệu nghệ như vượt qua chướng ngại vật hay các bước nhảy shuvit lên ghế đá… thì người chơi phải luyện tập chăm chỉ trong thời gian nửa năm trở lên.

 
Ảnh: nhân vật cung cấp

Bạn Linh Bé từng đoạt giải nhất cuộc thi trượt ván Hà Nội vào năm 2008 và giải nhất cuộc thi trượt ván do hãng giày Converse tổ chức tại Trung Quốc năm 2010 cho biết: “Trong trò chơi được coi như một bộ môn thể thao này hiếm khi người nọ có thể bắt chước được nguyên xi động tác của người kia, do cơ địa mỗi người khác nhau. Mình phải chịu khó đọc và xem qua các clip về trượt ván của nước ngoài để tự sáng tạo ra những động tác phù hợp với bản thân”. Việc lên mạng internet để tìm hiểu và học hỏi những pha trượt của bạn bè khắp nơi là một trong những việc cần làm của người đam mê trượt ván. Được biết, hiện nay trượt ván được chia làm ba trường phái: Street (đường phố), Freestyle (rượt tự do) và Vert (trượt lòng máng).

Linh Bé cũng nói thêm: “Tôi mê trò chơi này từ khi còn bé nhưng đến 15 tuổi mới có điều kiện theo đuổi nó. Kể từ đó đến nay ngày nào tôi cũng tập từ ba đến bốn tiếng. Bong gân và đau nhức cơ thể do té khi luyện tập xảy ra nhiều đến mức... quen luôn”.

Trượt ván không chỉ là môn thể thao đòi hỏi sự mạo hiểm của người chơi mà còn khá tốn kém. Người chơi phải sắm chiếc ván giá từ 3 triệu đồng trở lên cùng các phụ kiện như: deck (tấm ván), hai truck (trụ bên dưới deck), bộ bạc đạn, bộ bánh xe, ba lô đựng ván, băng thun bảo hộ, mũ bảo hiểm, găng tay, bao đầu gối... Bạn Linh Bé nói: “Đã là dân chơi thật sự thì phải sắm cho mình tấm ván xịn. Vì khi biểu diễn những động tác khó như bay trên không và đáp xuống đất hay thực hiện cú nhảy pop shuvit - đập đuôi, xoay 180 độ và bắt ván lên chiếc ghế đá thì tấm ván dỏm có thể bị gãy đôi”. Hiện ở TP.HCM các bạn trẻ ham mê trò chơi mạo hiểm này thường tập trung chơi ở khu vực nhà thờ Đức Bà vào buổi chiều. Riêng ở Hà Nội, các bạn trẻ đến Sân vận động Phan Đình Phùng và Công viên Lê Nin vào 4 giờ chiều đến 10 giờ tối để biểu diễn trượt ván.

Diễm Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.