Đầu xe bẹp dí, túi khí không bung

08/05/2011 23:59 GMT+7

Tìm hiểu mua ô tô ở đại lý, khách hàng được tư vấn về hệ thống túi khí bảo vệ tính mạng khi va chạm. Tuy nhiên, đến khi xe đụng tới nát phần đầu thì túi khí vẫn không bung ra...

Tháng 9.2010, ông Lê Đức Thành ngụ Q.5, TP.HCM đến Công ty CP thương mại dịch vụ An Thành (đại lý của Toyota Việt Nam) để mua một chiếc Toyota Hilux G có túi khí. Chiếc xe trên có giá gần 640 triệu (biển số 54U-2185) đã được Trung tâm Đăng kiểm cơ giới 50-05V cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật. Tới ngày 13.10.2010, chiếc xe của ông đã đụng một chiếc xe khác trên đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt. Phần đầu xe Toyota Hilux G biến dạng hoàn toàn. Theo ông Thành, mặc dù cú va đập rất mạnh nhưng toàn bộ hệ thống túi khí vẫn… im re. Ông đã có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Toyota Việt Nam và mang xe đến Công ty An Thành đề nghị kiểm tra.


Đầu chiếc xe 54U - 2185 bị nát bét nhưng Toyota Việt Nam cho rằng lực tác động chưa đủ mạnh để bung túi khí - Ảnh: Đ.T

Ngày 3.12.2010, Toyota Việt Nam có thư trả lời: Hệ thống túi khí vẫn ở trong tình trạng tốt và sẵn sàng hoạt động khi cần thiết. Hướng va chạm của xe mang biển số 54 U-2185 là phía bên phải và dưới gầm. Sau khi va, hai xe vẫn tiếp tục di chuyển về phía trước. Xung lực do va chạm gây ra được hấp thụ bởi các chi tiết dễ bị biến dạng. Trong cabin xe không có dấu hiệu va chạm mạnh ở cột lái; vô-lăng, dây đai đều bình thường. Điều này cho thấy xung lực tác động vào cabin nhỏ do xung lực va chạm đã được hấp thụ. Toyota Việt Nam kết luận hệ thống túi khí không hoạt động vì chưa đủ các điều kiện cần để kích hoạt.

Tuy nhiên, là chủ doanh nghiệp vận tải, ông Lê Đức Thành lại có cách lập luận bằng kinh nghiệm của người trong nghề: Việc cho rằng hệ thống túi khí vẫn trong tình trạng tốt và sẵn sàng hoạt động khi cần thiết là chưa thuyết phục. Trong vụ tai nạn nghiêm trọng của tôi, đầu xe bị nát bét là… quá cần thiết nhưng túi khí vẫn chưa đủ lực để hoạt động thì không hiểu nổi. Hướng va chạm trước đầu xe dù ở ở bên phải hay bên trái đều có thể gây ra hậu quả khủng khiếp cho người ngồi trên xe, nhưng Toyota Việt Nam cho rằng phải va chạm chính diện với tốc độ 30-35 km/giờ vào cột bê tông không bị xê dịch… thì túi khí mới bung là không thể chấp nhận. Ngoài ra, căn cứ vào giám định của xưởng sửa chữa thuộc Công ty An Thành thì chúng tôi cần phải sửa đầu xe trên, chỉnh lại hệ thống túi khí và các chi phí khác với mức báo giá 423 triệu đồng, chứng tỏ lực va đập khi xảy ra tại nạn vô cùng lớn.

Thanh Niên đã liên lạc qua điện thoại với bà Trần Thị Thanh Hiền - Phó phòng khách hàng Công ty Toyota Việt Nam, bà Hiền cho biết công ty đã có thư trả lời đến khách hàng kết hợp với việc giải thích, còn giải quyết cụ thể ra sao sẽ do bà Lê Hương Diệu - Trưởng phòng PR của công ty có trách nhiệm trả lời báo chí. Phóng viên hỏi số điện thoại liên lạc của bà Lê Hương Diệu, bà Hiền trả lời là không biết và đã xin số điện thoại của phóng viên Thanh Niên để sau đó liên lạc lại nhưng cho đến chiều ngày 8.5 chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm.

Túi khí bung khi nào?

Trao đổi với Thanh Niên ngày 8.5, ông Trần Văn Mộc, kỹ sư chuyên ngành ô tô, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ - phụ tùng thuộc Công ty CP ô tô Trường Hải, cho biết túi khí chỉ bảo vệ trong trường hợp cực kỳ cần thiết và đặc biệt. Chẳng hạn khi xe ô tô đâm trực diện vào những vật cố định (tảng bê tông, dải phân cách cố định...) trong điều kiện xe đang chạy với tốc độ cao thì túi khí mới bung. Túi khí không bung trong trường hợp xe bị đâm nghiêng. Theo kỹ sư Mộc, tại Mỹ, châu u..., trẻ em chỉ được ngồi ở ghế sau. Nhiều nhà chuyên môn cho biết lý do trẻ em không được ngồi ghế trước bên cạnh tài xế do chiều cao của trẻ em thấp, túi khí không bảo vệ được các em khi có va chạm mà ngược lại còn gây ra tai nạn khi bung trực diện với lực bung lớn, tác động vào phần mặt của trẻ. Tại châu u và Mỹ đã có nhiều tai nạn chết người xảy ra với trẻ em ở thời gian đầu khi thiết bị túi khí được sử dụng. Tại Việt Nam, điều nguy hiểm là rất nhiều người sử dụng ô tô cho trẻ em ngồi ở ghế trước. Kỹ sư Mộc cho biết túi khí không bắt buộc phải kiểm tra định kỳ nhưng khi bóng đèn báo lỗi túi khí phát sáng thì nên đi kiểm tra.

Theo bách khoa thư mở Wikipedia, sự cần thiết phải có đai an toàn và túi khí vì khi xe đâm vào xe khác hoặc vật thể cố định, xe dừng lại rất nhanh nhưng không phải ngay lập tức. Ví dụ, nếu khi xe đâm vào thanh chắn cố định với vận tốc 50 km/giờ, bị đâm ở phía đầu xe, thì xe chỉ dừng lại hoàn toàn sau khoảng 0,1 giây hoặc hơn một chút. Ở thời điểm va đập, ba-đờ-sốc trước ngừng dịch chuyển nhưng phần còn lại của xe vẫn dịch chuyển với vận tốc 50 km/giờ. Lúc ấy, khoang hành khách bắt đầu chuyển động chậm lại, nhưng nếu người ngồi trong không đeo dây an toàn, họ sẽ tiếp tục chuyển động với vận tốc 50 km/giờ cho đến khi va vào các vật thể trong xe. Túi khí giúp giảm khả năng va đập của mặt và đầu với các vật thể trong xe và hấp thụ một phần lực va đập lên người.

Đình Mười

Lê Công Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.