Sẽ gỡ vướng cho các dự án trong kết luận thanh tra, vụ án

Lê Hiệp
Lê Hiệp
26/03/2024 05:56 GMT+7

'Tinh thần là sai phạm, sai sót phải xử lý nghiêm, không hợp thức hóa sai phạm nhưng phải tháo gỡ vướng mắc để khai thác nguồn lực của Nhà nước, nhà đầu tư', Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ngày 25.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024. Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ khẳng định trong những thành tựu năm 2023 của đất nước có đóng góp của QH và các cơ quan dân cử địa phương. Chủ tịch QH dẫn chứng trong năm qua, HĐND các tỉnh, thành đã tổ chức tới 357 kỳ họp, bình quân mỗi tỉnh, thành có 5,66 kỳ họp trong khi luật Tổ chức HĐND quy định một năm có 2 kỳ họp thường kỳ. Cùng đó, số lượng nghị quyết được các HĐND ban hành cũng ở mức rất kỷ lục với 6.377 nghị quyết, bình quân 193 nghị quyết/tỉnh, thành (trong đó có 1.681 nghị quyết quy phạm pháp luật).

Sẽ gỡ vướng cho các dự án trong kết luận thanh tra, vụ án- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham dự hội nghị

Ảnh: GIA HÂN

Theo Chủ tịch QH, năm 2023, các HĐND còn nhiệm vụ đột xuất là việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn. Đã có 1.700 chức danh ở cấp tỉnh và 12.028 chức danh ở cấp huyện, tổng cộng hơn 13.000 người đã được lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND các cấp.

Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh hoạt động của HĐND ngày càng hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và nhiệm vụ phát triển chung của địa phương. "Những địa phương có hoạt động HĐND tốt thì thu ngân sách và tăng trưởng khá, cho thấy vai trò quan trọng của cơ quan dân cử", Chủ tịch QH khẳng định.

Thí điểm THÁO GỠ VƯỚNG MẮC TẠI Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị HĐND các cấp tiếp tục tăng cường thực hiện chức năng cơ quan dân cử địa phương để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.

Chủ tịch QH cho biết trong năm nay, nhiều địa phương mong muốn ban hành nghị quyết thí điểm mô hình chính quyền đô thị, chính sách đặc thù như TP.Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng. Nhiều địa phương đề nghị ban hành nghị quyết thí điểm về khu kinh tế thương mại tự do, điển hình là Bà Rịa-Vũng Tàu; hay TP.HCM với đề nghị xây dựng trung tâm tài chính quốc tế…

Chủ tịch QH cũng cho hay Bộ Chính trị vừa họp cho ý kiến và thống nhất về chủ trương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án ở một số địa phương sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và có bản án. "Bộ Chính trị nhất trí sẽ có chủ trương cho ban hành một số thể chế để tháo gỡ vướng mắc tại các dự án. Tinh thần là sai phạm, sai sót phải xử lý nghiêm, không hợp thức hóa sai phạm nhưng phải tháo gỡ vướng mắc để khai thác nguồn lực của Nhà nước, nhà đầu tư", Chủ tịch QH nhấn mạnh. Theo Chủ tịch QH, trước mắt đề án sẽ thí điểm tại các dự án ở Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng, Khánh Hòa… Đây là cơ sở để triển khai ở các địa phương khác.

Làm tốt quy hoạch, chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ mới

Chủ tịch QH cũng lưu ý HĐND các cấp có kế hoạch triển khai các luật được QH thông qua, có hiệu lực thi hành từ năm 2024 như luật Đất đai, luật Kinh doanh bất động sản, luật Căn cước, luật Lực lượng trật tự an ninh cơ sở… "Theo luật Đất đai sửa đổi, năm 2026 ban hành bảng giá đất mới thì phải chuẩn bị từ bây giờ, nếu không không kịp", Chủ tịch QH nêu.

Chủ tịch QH cũng dẫn việc QH đã đồng ý thí điểm chọn mỗi tỉnh 2 huyện để giao khoán kinh phí 3 chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn, miền núi.

Cũng theo Chủ tịch QH, trong năm 2024, QH yêu cầu tổng rà soát thủ tục hành chính. Do đó, đề nghị HĐND các cấp phối hợp với UBND các cấp rà soát các văn bản thủ tục hành chính do địa phương ban hành. "Cái gì không hợp lý thì bãi bỏ, tăng cường phân cấp cho địa phương, cơ sở làm", Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Tương tự, Chủ tịch QH đề nghị HĐND các cấp rà soát để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch QH cũng đề nghị HĐND các cấp đổi mới toàn diện hoạt động, nhất là tăng cường chất lượng kỳ họp HĐND các cấp, từ cấp tỉnh tới huyện, xã. Đồng thời, tiếp tục đầu tư, động viên khích lệ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ HĐND; làm tốt công tác quy hoạch cán bộ HĐND các cấp, chuẩn bị cho nhân sự nhiệm kỳ mới. Ghi nhận các kiến nghị tại hội nghị, Chủ tịch QH cho biết các vấn đề chế độ, quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ HĐND đều cần phải được quan tâm, nếu không thì "rất gay go".

Chủ tịch QH đề nghị HĐND các cấp quan tâm công tác dân nguyện tại địa phương, đặc biệt là việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và tăng cường đổi mới công tác tiếp xúc cử tri. Các HĐND quan tâm công tác thành lập địa giới hành chính mới, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện, nhất là giải quyết cán bộ dôi dư, chính sách đãi ngộ người trong diện sắp xếp.

85% kiến nghị cử tri cả nước được giải quyết

Báo cáo tại hội nghị, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho hay thường trực HĐND cấp tỉnh đã tổ chức các đợt tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND với nhiều đổi mới, hình thức phong phú, thành phần tham dự rộng rãi, địa bàn tiếp xúc được mở rộng. Số lượng kiến nghị của cử tri đã được HĐND các cấp giải quyết đạt trên 85%. Một số tỉnh như An Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Gia Lai, Hậu Giang, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Tuyên Quang đã trả lời 100% ý kiến, kiến nghị của cử tri.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.