Tài sản ảo vàng thau lẫn lộn, Bộ Tài chính xây khung quản lý thế nào?

29/03/2024 16:18 GMT+7

Theo Bộ Tài chính, sau khi thống nhất bản chất, khái niệm của tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, các bộ, ngành sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho sản phẩm này (nếu có).

"Thị trường càng nhiều cơ hội thì càng nhiều lừa đảo"

Chia sẻ tại Diễn đàn tài sản số 2024 diễn ra chiều 28.3 tại Hà Nội, Phó trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Trần Đắc Trung nhận định, quy mô tài sản ảo trên toàn cầu hiện có giá trị đến hàng nghìn tỉ USD; có nhiều quốc gia đang khai thác tốt hiệu quả từ các hoạt động, giao dịch gắn với tài sản ảo, thu về lợi nhuận rất lớn.

Việt Nam dù không phải là quốc gia đi tiên phong trong vấn đề này nhưng lại đang có lượng người tham gia giao dịch tài sản ảo đông đảo hàng đầu thế giới.

Do đó, việc định hình những cơ hội và thách thức do tài sản ảo mang lại, từ đó tạo ra luật chơi và khuôn khổ cho loại tài sản này là đòi hỏi khách quan, cần thiết.

Tài sản ảo vàng thau lẫn lộn, Bộ Tài chính xây khung quản lý thế nào?- Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo đang kỳ vọng sớm có khung quản lý tài sản ảo

THANH NIÊN

"Nếu phát triển và khai thác tốt các nền tảng giao dịch tài sản ảo, Việt Nam không chỉ tăng thu cho ngân sách Nhà nước, ngăn chặn thất thoát các nguồn lực về tài chính và trí tuệ ra nước ngoài, mà còn thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo thuận lợi, khuyến khích các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới ra đời, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia", ông Trung nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital), cho rằng tài sản ảo có nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều rủi ro như rủi ro về pháp lý, rủi ro về cơ chế quản lý ngoại hối và rủi ro lừa đảo.

"Thị trường càng nhiều cơ hội thì càng nhiều lừa đảo. Khi thị trường không phân biệt được là vàng hay thau thì những người càng ít hiểu biết càng khó phân định để quyết định tài sản của mình", ông Hưng nhấn mạnh.

Chủ tịch SSI Digital cho rằng rất cần xây dựng một môi trường đầu tư an toàn, minh bạch. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

"Xây dựng khung pháp lý kiểm soát giao dịch tài sản ảo thúc đẩy kiến tạo môi trường phát triển các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, phát triển các ứng dụng blockchain và dịch vụ kỹ thuật. Từ đó giúp giữ lại tài năng trong nước, tránh chảy máu chất xám, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài", ông Hưng nói.

Trước Diễn đàn tài sản số 2024, tại hội thảo góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo diễn ra ngày 13.3 tại Hà Nội, vấn đề xây dựng khung pháp lý cho loại hình này cũng được đặt ra.

Là người có gần 30 năm tham gia thị trường tài chính, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, cho rằng với quản lý tài sản ảo, hiện nay Việt Nam "muốn thờ ơ, né tránh cũng không được mà phải có sự lựa chọn mang tính chiến lược".

Bộ Tài chính nói gì?

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về tiến độ xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính chiều nay 29.3, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính), cho biết: Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành chủ động, phối hợp triển khai công tác nghiên cứu, làm rõ bản chất, khái niệm của tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo và kinh nghiệm quốc tế nhằm đề xuất phương án quản lý, xử lý thích hợp với các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo.

Tài sản ảo vàng thau lẫn lộn, Bộ Tài chính xây khung quản lý thế nào?- Ảnh 2.

Toàn cảnh họp báo

ĐT

Sau khi thống nhất bản chất, khái niệm của tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho sản phẩm này (nếu có).

Ông Sơn nhấn mạnh, tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là những sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm đa dạng các sản phẩm, được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng không ngừng biến đổi, phát triển ngày càng đa dạng.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước đang có các cách tiếp cận khác nhau đối với hoạt động này. Việc nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nguồn nhân lực, thời gian.

Ngoài ra, việc đề xuất phương án quản lý đối với tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng khả năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý tại Việt Nam do các sản phẩm này chỉ tồn tại trên môi trường kỹ thuật số. Công tác quản lý, giám sát các hoạt động liên quan cũng đòi hỏi một hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, trình độ cao.

Trong giai đoạn này, các bộ, ngành đã cảnh báo về rủi ro liên quan đến các hoạt động đầu tư vào tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, khuyến cáo các nhà đầu tư thận trọng khi tham gia đầu tư các sản phẩm này.

Theo Boston Consulting Group, tổng giá trị tài sản ảo trong năm 2030 dự kiến sẽ lên tới 16.000 tỉ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tiền ảo, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ.

Ngày 23.2, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là danh sách xám) của lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF).

Theo đó, Bộ Tài chính được giao phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo; đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ. Thời hạn thực hiện là tháng 5.2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.