‘Điểm mặt’ những vụ triệu hồi đình đám nhất làng ô tô Việt năm 2020

Đình Tuyên
Đình Tuyên
29/12/2020 12:20 GMT+7

Từ những mẫu xe tiền tỉ như Toyota Alphard, Lexus RX350 hay Audi Q5… đến các mẫu xe “bình dân” như Mazda3, Ford Ranger, Honda City… thị trường Việt Nam năm 2020 ghi nhận nhiều vụ triệu hồi xe đình đám.

Như thường lệ, bên cạnh những màn ra mắt xe mới, thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 cũng ghi nhận không ít vụ triệu hồi với quy mô lớn và có sự xuất hiện của nhiều mẫu xe từ xe sang đến xe phổ thông. Dưới đây là 10 vụ triệu hồi “đình đám” nhất:

Toyota Alphard giá hơn 4 tỉ đồng “mở hàng”

Toyota là hãng xe mở màn năm “đại hạn” của thị trường ô tô Việt Nam. Ngày 14.1.2020, khi năm mới chỉ bắt đầu được nửa tháng, Hãng xe Nhật Bản công bố triệu hồi dòng xe tiền tỉ Toyota Alphard. Mẫu MPV cao cấp có giá bán hơn 4 tỉ đồng “lãnh án” triệu hồi sau khi hãng xe Nhật Bản xác định bị lỗi dây đai an toàn. Cụ thể, qua kiểm tra, Toyota Việt Nam (TMV) xác định dây đai an toàn với trang bị hai hệ thống khóa đai trên các xe Alphard bị ảnh hưởng lần này có thể không được lắp đặt chính xác và đúng cách trong quá trình sản xuất.

Toyota Alphard - mẫu xe “mở hàng” danh sách triệu hồi ô tô tại Việt Nam năm 2020

Toyota xác định, tất cả 24 chiếc Alphard thuộc diện triệu hồi lần này đều sản xuất tại nhà máy ở Nhật Bản trong khoảng thời gian từ ngày 19.8.2019 đến ngày 6.9.2019 đã được Toyota Việt Nam nhập khẩu, phân phối đến tay người tiêu dùng.

Bộ đôi Mitsubishi Triton và Outlander Sport triệu hồi hơn 1.500 xe

Không lâu sau khi Toyota Alphard lãnh án triệu hồi, cuối tháng 1.2020, bộ đôi xe nhà Mitsubishi gồm Triton và Outlander Sport cũng khiến không ít khách hàng lo lắng khi “rầm rộ” triệu hồi với số lượng hơn 1.500 xe.
Theo đó, chương trình triệu hồi được áp dụng với 612 chiếc bán tải Mitsubishi Triton phiên bản GLS sản xuất từ 2015 – 2016. Theo thông tin từ hãng xe Nhật Bản, những chiếc xe thuộc diện triệu hồi dinh lỗi khi đinh tán dùng để cố định lốp che bệ bước chân có thể bị ăn mòn dẫn đến gãy. Trong trường hợp tất cả các đinh tán bị gãy, ốp che của bệ bước chân có thể rơi khỏi xe gây ra nguy cơ tai nạn.

Bộ đôi nhà Mitsubishi Outlander Sport và Triton cũng lãnh án triệu hồi

Trong khi đó, mẫu xe “anh em” Mitsubishi Outlander Sport phải triệu hồi 903 chiếc do các khớp cầu của cơ cấu điều khiển cần gạt nước phía trước có thể bị hư hỏng dẫn đến cần gạt nước không hoạt động, khi các khớp cầu này bị nước chảy vào qua mặt sau của tấm ốp trang trí phía trước kính chắn gió (tấm ốp nằm giữa ca pô và kính chắn gió).

Bộ đôi xe sang Lexus RX 350 và Audi Q5 "không hẹn mà gặp"

Hai thương hiệu xe sang gồm AudiLexus là những cái tên đình đám tiếp theo xuất hiện trong danh sách triệu hồi ô tô tại Việt Nam trong năm 2020. Theo đó cuối tháng 2.2020, cả hai “ông lớn” này đồng loạt triệu hồi diện rộng đối với hai dòng xe Audi Q5 và Lexus RX350.
Đối với mẫu Audi Q5, hãng xe Đức thông báo triệu hồi với số lượng lớn, lên tới 618 xe sản xuất từ 01.01.2017 đến 31.12.2018 tại nhà máy ở Đức, để thay thế vít lắp cố định ốp chắn bùn bánh xe sau với thân xe.

Audi Q5 và Lexus RX350 cũng "lãnh án" triệu hồi trong năm 2020

Trong khi đó, Lexus RX350 cũng nhận lệnh triệu hồi do dính lỗi phần mềm điều khiển hộp số, có thể khiến xe vận hành không mượt mà và êm ái. Cụ thể, khi vào số D xe bị giật và đèn báo kiểm tra động cơ sẽ nổi lên. Những xe bị lỗi nghiêm trọng có thể gây hỏng hộp số và phải thay mới. 
Các xe Lexus RX350 tại Việt Nam thuộc diện triệu hồi có thời gian sản xuất từ ngày 19.10.2017 đến 26.12.2018. Theo thống kê, có khoảng 282 xe nằm trong kế hoạch triệu hồi lần này của Lexus Việt Nam.

Ford triệu hồi gần 1.800 xe Explorer

Sau Audi và Lexus, đến lượt Ford “dính án” triệu hồi “đình đám” tại Việt Nam với 1.796 chiếc SUV Ford Explorer nằm trong danh sách. Các mẫu xe trong đợt triệu hồi được sản xuất trong khoảng thời gian từ 13.2.2016 đến 25.10.2017.

Mẫu SUV Ford Explorer triệu hồi do lỗi ghế

Nguyên nhân được xác định do phần khung ghế chỉnh điện phía trong có phần hoàn thiện không đúng, để lại cạnh nhọn sắc bén. Chi tiết này có thể khiến người sử dụng bị thương hoặc đứt tay nếu chạm vào giữa ghế và cụm điều khiển trung tâm.

300 xe Mazda3 vừa mở bán đã lỗi phanh

Nửa cuối tháng 3.2020, Trường Hải (THACO) bất ngờ phát đi thông báo triệu hồi Mazda3 2020 phiên bản Premium do lỗi hệ thống hỗ trợ phanh (SBS). Cụ thể, sau khi khảo sát điều kiện giao thông thực tế, phân tích các báo cáo kỹ thuật, Tập đoàn Mazda kết luận nguyên nhân của vấn đề là do phần mềm điều khiển hệ thống hỗ trợ phanh SBS chưa phù hợp với điều kiện giao thông, có thể khiến hệ thống hiểu nhầm rằng xe đang ở gần với vật cản hoặc các xe khác, tự kích hoạt phanh kèm với âm thanh cảnh báo và thông báo trên màn hình của bảng điều khiển.

Mazda3 thế hệ mới bán ra thị trường Việt Nam chưa lâu cũng lãnh án triệu hồi

Cuối cùng, đã có tổng cộng 300 xe All-New Mazda3 thuộc hai phiên bản Premium, bao gồm cả hai biến thể sedan và Sport (còn gọi là hatchback), được THACO xác định sản xuất trong khoảng thời gian từ ngày 14.10.2019 đến ngày 20.2.2020, nằm trong diện triệu hồi để cập nhật lại phần mềm điều khiển hệ thống SBS.

Xe an toàn nhất thế giới - Volvo cũng lãnh án triệu hồi

Một vụ triệu hồi khác cũng gây chú ý khi có sự góp mặt của Volvo - thương hiệu xe được đánh giá an toàn nhất thế giới. Theo đó, nửa cuối tháng 4.2020, cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) thông báo về chương trình triệu hồi đối với 732 chiếc Volvo các dòng xe XC90, XC60, CX40, S90 và V90 sản xuất trong thời gian từ 21.1.2019 - 15.3.2020.

Dù số lượng không lớn, nhưng việc các mẫu xe Volvo góp mặt trong danh sách triệu hồi cũng khiến nhiều người quan tâm

Nguyên nhân triệu hồi được xác định do một phần của mã lập trình phần mềm trong ASDM (Active Safety Domain Master) bị thiếu. Tín hiệu chất lượng từ camera tích hợp trên ASDM có thể bị triệt tiêu, dẫn đến việc giảm cấp chất lượng tính năng AEB (Hệ thống phanh khẩn cấp tự động).

Bộ đôi Ford Ranger và Everest triệu hồi số lượng lớn

Năm 2020 có thể xem là một năm “đen đủi” với những dòng xe Ford tại Việt Nam. Sau khi mẫu SUV đàn anh Explorer dính “phốt” triệu hồi gần 1.800 xe, hai mẫu xe ăn khách của Ford là RangerEverest cũng liên tiếp gặp sự cố. Đầu tiên là “lùm xùm” xoay quanh việc hàng loạt người dùng phản ánh xe Ford Ranger, Everest có hiện tượng rò rỉ dầu ở khoang động cơ trong quá trình sử dụng. Đến cuối tháng 4.2020, bộ đôi xe này tiếp tục “lãnh án” triệu hồi với số lượng lên đến gần 12.000 xe.

Hai mẫu xe ăn khách của Ford là Ranger và Everest tiếp bước Explorer nhận lệnh triệu hồi

Theo đó, đợt triệu hồi liên quan đến 11.746 xe, gồm Ford Ranger 2.0L Bi-Turbo, Ford Everest 2.0L Bi-Turbo và Ford Ranger Raptor. Tất cả đều được Ford Việt Nam nhập khẩu từ nhà máy Ford ở Rayong - Thái Lan và phân phối đến tay người tiêu dùng Việt Nam.
Trong đó các xe Ford Ranger 2.0L Bi-Turbo thuộc diện triệu hồi được sản xuất trong khoảng từ ngày 29.11.2017 đến 12.10.2019. Xe Ford Everest 2.0L Bi-Turbo sản xuất từ ngày 15.12.2017 đến 12.10.2019 và Ford Ranger Raptor sản xuất trong thời gian từ ngày 1.2.2018 đến 7.10.2019. Chương trình triệu hồi để cập nhật phần mềm, sửa lỗi liên quan đến hộp số.

Honda triệu hồi hơn 19.000 xe

Giữa tháng 6.2020, Honda là hãng xe tiếp theo điền tên vào danh sách triệu hồi ô tô tại Việt Nam trong năm qua. Theo đó, chương trình triệu hồi của hãng xe Nhật Bản được triển khai với số lượng xe “khủng” lên đến 19.219 chiếc, bao gồm nhiều dòng xe.
Trong đó, Honda City có 5.966 xe đời 2018 lắp ráp trong nước, Honda CR-V đời 2018 và 2019 có 7.979 xe. Ngoài ra, còn có 1.770 xe Jazz đời 2018, 1.170 xe HR-V đời 2018, 1.620 xe Civic đời 2018 với các phiên bản 1.5 Base, 1.5TOP và 1.8V cùng 180 xe Honda Accord đời 2018.Tất cả những mẫu xe này đều được Honda nhập khẩu nguyên chiếc và đã phân phối đến tay người tiêu dùng ô tô tại Việt Nam.

Honda cũng không tránh khỏi “đen đủi” khi có gần 20.000 xe triệu hồi tại Việt Nam

Nguyên nhân triệu hồi được Honda Việt Nam xác định do bơm nhiên liệu lắp trên các xe này có thể chứa các cảnh bơm bị lỗi, trong một số trường hợp, có thể khiến cho bơm nhiên liệu bị kẹt, không cung cấp được nhiên liệu. Việc này có thể dẫn đến tình trạng động cơ không khởi động được hoặc chết máy trong khi xe đang vận hành.

Toyota triệu hồi “quanh năm”

Toyota có lẽ là hàng xe “đen đủi” nhất tại Việt Nam năm 2020. Sau vụ triệu hồi đối với mẫu xe gia đình Alphard hồi đầu năm, từ tháng 5 đến tháng 10.2020, hãng xe Nhật liên tiếp công bố thêm gần 10 vụ triệu hồi lớn nhỏ với lượng xe lên đến hàng chục ngàn chiếc, trải đều các mẫu xe từ Vios, Corolla Altis đến Fortuner, Alphard.
Cụ thể ngày 14.5, Toyota Việt Nam thông báo chương trình triệu hồi đối với 29.513 xe Toyota. Trong đó bao gồm: 3.606 xe Camry sản xuất từ ngày 20.12.2017 đến ngày 25.3.2019 cùng với 5.387 xe Corolla Altis sản xuất từ ngày 16.1.2018 đến ngày 31.1.2019. Ngoài ra, 20.616 xe còn lại thuộc diện triệu hồi gồm các phiên bản Innova sản xuất từ ngày 23.10.2017 đến ngày 3.4.2019. Tất cả các mẫu xe này được Toyota Việt Nam xác định có bơm thấp áp, đặt trong bình nhiên liệu, để cung cấp nhiên liệu cho hệ thống phun xăng điện tử trên các xe bị ảnh hưởng không đảm bảo chất lượng.

Hàng loạt mẫu xe Toyota, trong đó nổi bật có Vios, Innova hay Fortuner liên tiếp phải triệu hồi trong năm 2020

Đầu tháng 8.2020, Toyota Việt Nam triển khai tiếp một đợt triệu hồi quy mô lớn liên quan đến 2.568 xe Vios xuất xưởng trong khoảng thời gian từ ngày 13.9.2007 đến ngày 31.12.2008 và 145 xe Corolla Altis xuất xưởng từ ngày 2.11.2004 đến ngày 28.4.2005.
Tiếp tục “vận đen”, ngày 26.8.2020, hãng xe Nhật Bản lại phát lệnh triệu hồi đối với 190 Fortuner lắp ráp trong nước từ 08.11.2019 đến 02.12.2019 và từ 08.10.2019 đến 22.10.2019, để kiểm tra và thay thế ống chân không bầu trợ lực phanh.
Qua tháng 9, Toyota Việt Nam lại khiến khách hàng lo lắng khi triển khai thêm một đợt triệu hồi đáng chú ý, áp dụng với 36 xe Alphard, 490 xe Land Cruiser 200 và 2.488 xe Fortuner. Số lượng xe triệu hồi có thời gian sản xuất từ năm 2013 đến 2018. Với dòng xe Toyota Alphard có thời gian sản xuất từ ngày 5.10.2017 đến 6.12.2018; Land Cruiser từ ngày 2.9.2013 đến 11.3.2015; Fortuner từ ngày 13.4.2018 đến ngày 26.12.2018. Lí do đưa ra bởi các xe nằm trong đợt triệu hồi này có hiện tượng nổi đèn báo lỗi và các thông tin cảnh báo trên bảng táp-lô. Đồng thời, động cơ trên xe có hiện tượng bung giật, không khởi động được hoặc xe bị chết máy khi đang chạy làm tăng nguy cơ xảy ra va chạm.

Xe sang Mercedes-Benz cũng góp mặt

Sau Audi, Lexus và Volvo, đến lượt Mercedes-Benz là thương hiệu xe sang góp mặt trong danh sách triệu hồi ô tô tại Việt Nam năm 2020. Theo đó, cuối tháng 11 vừa qua, hãng xe Đức vừa được Cục đăng kiểm phê duyệt chương trình triệu hồi đối với 3.286 xe Mercedes-Benz, bao gồm các mẫu Mercedes-Benz C200, C250, C300, GLK 250 4Matic, GLK 220 CDI 4Matic và GLK 300 4Matic do Mercedes-Benz Việt Nam sản xuất, lắp ráp trong giai đoạn từ tháng 5.2011 đến 7.2015.

Mercedes-Benz góp mặt trong danh sách triệu hồi với nhiều mẫu xe dính lỗi do sử dụng túi khí Takata

Tất cả các xe này được Mercedes-Benz Việt Nam xác định bị lỗi cụm túi khí phía trước ghế hàng khách cạnh người lái. Trong văn bản gửi lên Cục Đăng kiểm Việt Nam, Mercedes-Benz Việt Nam lý giải trên các xe nằm trong diện ảnh hưởng, bộ bơm khí (được cung cấp bởi công ty Takata) có thể được sản xuất với nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian và trong điều kiện khí hậu nhất định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.