Tìm phương án 'diệt' lục bình

04/09/2013 09:48 GMT+7

Sở GT-VT tỉnh Tây Ninh đang tìm phương án khả thi để xử lý lục bình 'chiếm lĩnh' mặt sông Vàm Cỏ Đông.

Sở GT-VT tỉnh Tây Ninh đang tìm phương án khả thi để xử lý lục bình “chiếm lĩnh” mặt sông Vàm Cỏ Đông.

>> Sông hết nghẹn lục bình
>> Lục bình “chiếm lĩnh” sông Vàm Cỏ Đông
>> Sông nghẹn vì lục bình
>> Sông Vàm Cỏ Đông tê liệt vì lục bình
>> Đường thủy tê liệt vì lục bình

Tại Tây Ninh nhiều đoạn sông qua khu vực cầu Bến Sỏi, Xóm Ruộng (thuộc H.Châu Thành), Cẩm Giang (thuộc H.Gò Dầu) và H.Bến Cầu tình trạng lục bình “chiếm lĩnh” dòng sông khiến tàu ghe không thể đi lại được.

 Tìm phương án “diệt” lục bình 1
Vẫn đang cần có một giải pháp căng cơ để xử lý vấn nạn này - Ảnh: Giang Phương

Bỏ phương án cũ

Ông Trịnh Văn Lo – Phó giám đốc Sở GT-VT tỉnh Tây Ninh cho biết đang làm thủ tục thanh lý hợp đồng với nhà thầu xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Trước đó, vào năm 2011, Sở tổ chức thực hiện gói thầu xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông với chi phí gần 5 tỉ đồng. Theo đó, đơn vị trúng thầu (Công ty Thanh Sơn) phải đảm nhận trục vớt lục bình trên suốt tuyến sông dài 101km (thượng nguồn bắt đầu từ Đồn Biên phòng 839, xã Hòa Hiệp, H.Tân Biên đến hạ nguồn Rạch Tràm, xã Phước Chỉ, H.Trảng Bàng) trong 5 năm. Sau khi vớt lên đơn vị tìm đầu ra tiêu thụ làm các sản phẩm có ích nhằm bù đắp lại chi phí... “Thực tế thì cả nhà thầu và Sở GT-VT không lường hết được những bất cập trong quá trình xử lý vì dọc 2 bên bờ sông là khu nhà dân sinh sống nên đường giao thông lên xuống gặp trở ngại; nơi bãi có diện tích lớn được thuê chứa lục bình lại xa nơi trục vớt dẫn đến chi phí vận chuyển cao; thiết bị máy móc tự chế nên thường xuyên hư hỏng…Trong khi đó, việc chế biến lục bình thành các sản phẩm khác như làm phân bón, làm nấm...cũng không đạt hiệu quả.”, ông Lo cho biết.

 Tìm phương án “diệt” lục bình 2
Ấu trùng ruồi đen và ruồi đen- Ảnh: Công Sinh

 
Theo ông Trịnh Văn Lo, đầu tháng 7.2013, Sở GT-VT đã có đề xuất một phương án về xử lý vấn nạn này trình UBND tỉnh. Theo đó, Sở giao nhiệm vụ xử lý lục bình cho các huyện, thị theo phân khúc địa giới hành chính tương tự cách làm của TP.HCM. Tuy nhiên, đề xuất này không được UBND tỉnh đồng ý vì rất dễ xảy ra tình trạng xử lý không đồng bộ giữa các địa phương.

Sau đó, Sở GT-VT tỉnh Tây Ninh thay đổi phương án là vừa kết hợp trục vớt vừa tiến hành căng dây chặn đẩy “đuổi” lục bình xuống hạ nguồn nhằm giảm bớt chi phí. Tuy nhiên, giải pháp này lại không khả thi khi gặp thủy triều.

Diệt lục bình bằng… ruồi đen

Đây là dự án của cơ quan Integral Alliance (Liên minh tích hợp - Úc), nghiên cứu sử dụng lục bình làm phân bón từ việc kết hợp giữa loại bèo này và ấu trùng ruồi đen. Kết quả nghiên cứu và đã áp dụng thử nghiệm thành công ở nơi khác cho thấy, ấu trùng ruồi đen rất “khoái khẩu” lục bình và ăn với “tốc độ cao”. Trước thực trạng lục bình đang phủ kín sông rạch ở Tây Ninh vào mùa khô, khí hậu phù hợp cho sự phát triển của ấu trùng ruồi đen. Các chuyên gia cho rằng cần tổ chức thử nghiệm mô hình nuôi - lấy ấu trùng ruồi đen, cho chúng ăn lục bình để lấy nguyên liệu đạm dùng làm thức ăn gia súc, thủy sản có hàm lượng dinh dưỡng cao. Ngoài ra, phần còn lại (sinh khối) của quá trình nuôi ấu trùng ruồi đen được chế biến thành phân bón “sạch”.

Theo ông Trịnh Văn Lo: “Về cơ bản, nội dung trình bày của các chuyên gia về dự án nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu đạm từ cây lục bình và ấu trùng ruồi đen nghiêng về góc độ kinh tế (sản xuất) hơn góc độ xã hội (giải quyết bức xúc của người dân địa phương). Ý định của các chuyên gia thực hiện dự án trên là tận dụng nguồn lục bình phong phú ở địa phương làm nguồn nguyên liệu chính để nuôi ấu trùng ruồi đen, sản xuất nguyên liệu đạm theo hướng công nghiệp. Đây là một hướng đi mới, một cơ hội cần được quan tâm trong quá trình xử lý lục bình. Do đó, cơ quan chức năng lẫn các đơn vị có dự định tham gia xử lý lục bình sông Vàm Cỏ Đông ít nhiều quan đến dự án này.”

Giang Phương - Công Sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.