Góc nhìn chuyên gia: Công nghiệp ô tô Việt Nam chưa xứng với tiềm năng

Đình Tuyên
Đình Tuyên
12/05/2021 08:37 GMT+7

Với nhiều năm kinh nghiệm, ông Vũ Tấn Công cho rằng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam dù có rất nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển nhưng đến nay nhìn chung vẫn còn khá yếu kém, chưa xứng với lợi thế vốn có.

Chia sẻ với Thanh Niên mới đây, ông Vũ Tấn Công, người có gần 40 năm kinh nghiệm quản lý, kinh doanh ô tô tại các nhà sản xuất ô tô có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời là nguyên Tổng Thư ký Hiệp Hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đã có nhiều ý kiến thẳng thắn liên quan đến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
VIDEO: Thị trường ô tô Việt 2020: Một năm ‘lạ kì’, nhiều điểm sáng thú vị

Thị trường ô tô Việt còn nhiều tiềm năng

Đánh giá về ngành công nghiệp ô tô trong nước, ông Vũ Tấn Công cho rằng, Việt Nam đang là một thị trường rất tiềm năng. Theo chuyên gia này, trước hết công nghiệp ô tô đối với một quốc gia luôn là lĩnh vực quan trọng xét về mặt doanh thu. Ông Công ước tính, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay đang đóng góp gần 3% tổng GDP của cả nước. Trong khi nhiều nước lớn như Mỹ, Trung Quốc hay Đức, con số này thậm chí còn cao hơn.

Ông Vũ Tấn Công nhận định Công nghiệp ô tô luôn là lĩnh vực có đóng góp GDP cao ở mỗi quốc gia

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác. Theo ông Công, dân số nước ta hiện nay vào khoảng hơn 96 triệu người, trong khi đó GDP đầu người (năm 2020) đạt 3.521 USD. Tuy nhiên, lượng ô tô trên đầu người còn rất thấp, ở mức 23 xe trên 1.000 người. Chuyên gia này dẫn chứng, các nước khác tại Đông Nam Á có tỉ lệ này cao hơn rất nhiều. Điển hình như Brunei 721 xe/1000 người, tương tự Malaysia đạt 443; Thái Lan ở mức 226, Singapore là 176, Indonesia 87, trong khi Philippines cũng đạt 38. Việt Nam chỉ nhỉnh hơn Cambodia, Lào và Myanmar.
Về mặt chính sách, theo ông Công, Việt Nam hiện nay cũng đã ký kết nhiều định thương mại tự do như ATIGA, CPTTP, EVFTA… Để được hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tư do này, tỉ lệ nội địa hóa nội khối 40% đối với ATIGA và 55% đối với CPTPP và EVFTA. Đây là những yếu tố theo chuyên gia này khá hấp dẫn các nhà đầu tư (trong và ngoài nước) đầu tư sản xuất ô tô tại Việt Nam.

Công nghiệp ô tô Việt Nam còn… yếu kém

Nhìn nhận về thực tế ngành công nghiệp ô tô thời điểm hiện tại, Ông Vũ Tấn Công cho rằng, ngành ô tô Việt Nam những năm qua đã có những “bước chuyển mình”. Tuy nhiên, khách quan mà nói vẫn còn khá yếu kém và “non nớt” so với tiềm năng đang có.

Theo chuyên gia này, ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam khách quan nhìn nhận vẫn còn “non nớt” và yếu kém so với tiềm năng

Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành ô tô, chuyên gia này cho biết, từ năm 1975 đến 1990, công nghiệp ô tô Việt Nam rất kém phát triển, chủ yếu sản xuất phụ tùng thay thế và đóng xe khách trên sát-xi (chassis) ô tô tải. Năm 1991, liên doanh sản xuất ô tô đầu tiên được cấp phép là Công ty Liên doanh Ô tô Mekong. Sau đó hàng loạt các công ty liên doanh ô tô khác lần lượt ra đời nhưng vẫn không đạt nhiều thành tựu.
Giai đoạn từ những năm 90 của thế kỉ trước đến nay, theo chuyên gia này đã có những chuyển biến nhưng vẫn không thể đạt kỳ vọng. Dẫn số liệu từ Bộ Công thương, ông Công cho rằng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và 259 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô. Dù khá “đông đúc” nhưng chuyên gia này đánh giá, các nhà sản xuất lắp ráp (OEM) chỉ dừng ở mức độ lắp ráp và sản xuất một số chi tiết đơn giản. Trong khi các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô (TIER1, TIER2…) vẫn còn khá yếu kém. Chính vì vậy, tỉ lệ nội địa hóa ô tô du lịch tại Việt Nam đến nay vẫn còn “khiêm tốn”, khoảng 8 - 10% đối với ô tô du lịch (hay còn gọi là ô tô con), khoảng 40-45% đối với ô tô tải và 50-55 % đối với ô tô khách.

Ô tô “nội” gặp nhiều trúc trắc và áp lực cạnh tranh từ xe nhập nội khối ASEAN

Ông Công cũng nhìn nhận, ngành công nghiệp ô tô hiện tại còn gặp khá nhiều khó khăn, trúc trắc. Đầu tiên về chính sách. Hiện tại theo vị này, chính sách hỗ trợ và ưu đãi của Chính phủ từ trung ương đến địa phương cho công nghiệp ô tô đều chưa đủ mạnh để phát triển. Điều này phần nào dẫn đến việc chi phí sản xuất ô tô du lịch tại Việt Nam đang cao hơn so với các nước ASEAN, trung bình khoảng 20%. Trong khi đó, các nhà sản xuất lắp ráp đang đối mặt với sức ép từ ô tô nhập khẩu. Đặc biệt là ô tô nhập khẩu từ các thị trường nội khối ASEAN (Thái Lan, Malaysia hay Indonesia) với thuế suất thuế nhập khẩu ở mức 0% và giá bán khá cạnh tranh.
Còn tiếp...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.