Chọn lối đi khác

09/06/2013 03:35 GMT+7

Từ một cậu bé côi cút nghèo khó, Tạ Đình Nhựt vươn lên, trở thành một đầu bếp nổi tiếng. Thế rồi trên “đỉnh vinh quang”, anh bỗng rẽ hướng đường đời.

Thi đâu, thắng đó

Mới đây, có dịp đến thăm Trường nghiệp vụ nhà hàng TP.HCM dành cho trẻ đường phố (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) chúng tôi lại nghe ban giám hiệu nhắc đến cái tên Tạ Đình Nhựt trong số những học viên xuất sắc của trường. Mà Nhựt đã tốt nghiệp hơn 7 năm rồi.

 Đầu bếp Tạ Đình Nhựt (đứng) trong một buổi giao lưu về ẩm thực
Đầu bếp Tạ Đình Nhựt (đứng) trong một buổi giao lưu về ẩm thực - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đình Nhựt năm nay 25 tuổi. Nhìn vẻ thư sinh bề ngoài, khó ai đoán được chàng trai này đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống.

“Tôi không có tuổi thơ như những đứa trẻ khác”, Nhựt bày tỏ. Ba Nhựt mất khi cậu bé mới một tuổi. Người mẹ lúc đó đã lớn tuổi (hơn 40 tuổi), vài năm sau lại bị mù do bệnh cườm nước. Ngoài giờ đến trường, cậu bé lao vào cuộc mưu sinh bằng việc bán vé số, thêu quai dép, đính lông gà, phụ bán trái cây… Nhà cửa không còn vì đã bán để chữa bệnh, mẹ Nhựt đành gửi con vào Trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi và bụi đời Khánh Hội (Q.4, TP.HCM).

Năm 16 tuổi, trung tâm này giới thiệu Nhựt sang làm phụ bếp cho một nhà hàng. Một năm sau, Nhựt đăng ký học nghề bếp tại Trường nghiệp vụ nhà hàng thành phố, theo lời tư vấn của những cô chú ở trung tâm. Từ năm 2006 đến 2010, Đình Nhựt liên tiếp thắng nhiều giải thưởng. Chỉ riêng năm 2006, anh lần lượt đoạt giải nhì và giải tư cuộc thi tay nghề cấp thành TP.HCM và cấp toàn quốc. Anh còn nhận huy chương đồng cuộc thi Đầu bếp Việt Nam tài năng. Cũng trong năm này, anh lọt vào “mắt xanh” của một phó giám đốc của Majestic tại TP.HCM và được mời về làm việc trong khách sạn 5 sao này. Sau đó, anh tiếp tục giành huy chương bạc cuộc thi bếp chuyên nghiệp đẳng cấp quốc tế Black box, huy chương đồng cuộc thi “Chế biến món ăn dân tộc” chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, giải nhất cuộc thi cắt tỉa rau củ quả toàn quốc...

Buông xuống, nhưng không buông xuôi!

Tạ Đình Nhựt làm việc ở Khách sạn Majestic gần 4 năm. Tại đây, từ một phụ bếp, anh trở thành bếp chính chuyên về những món u - Á và cả trang trí tiệc. Anh còn có cơ hội xuất ngoại sang những nước như Thái Lan, Nhật Bản để biểu diễn những món Việt và cách tỉa rau, củ, quả.

Từ những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và tâm sức sáng tạo của mình, Nhựt tích cóp mua được một căn nhà ở Q.4. Căn nhà chỉ rộng 12 m2, song nó giúp Nhựt thực hiện ước nguyện lớn nhất trong đời: rước người mẹ mù lòa về để chăm sóc mẹ được tốt hơn.

Mọi việc đang tiến triển tốt đẹp, Nhựt quyết định nghỉ việc ở Khách sạn Majestic. Điều này khiến nhiều người bất ngờ. Năm 2010, anh bắt đầu chuyển hướng sang giảng dạy nghề bếp cho học viên ở một số trung tâm. Từ năm 2011, anh về làm bếp chính ở một siêu thị và vẫn thường xuyên đi dạy. Nhựt chia sẻ: “Hồi trước tôi hay bị cái nghèo ám ảnh. Vì nghèo nên bị nhiều người khinh dễ, chèn ép đủ điều. Tôi luôn ước ao, phấn đấu hết sức để kiếm thật nhiều tiền và có một chỗ đứng trong xã hội. Đến khi đạt được điều đó, tôi chợt nghĩ: Nếu mình cứ mãi lao vào thi thố và kiếm tiền như trước, cuộc sống rất dễ mất kiểm soát”.

Nhựt cho hay, sau này anh rất tâm đắc với ba chữ: “Buông xuống đi”. Anh giải thích: “Buông ở đây không phải là buông xuôi số phận. Nó có nghĩa, mình buông bỏ những sân si, bon chen để đầu óc thanh thản, để tâm hồn cân bằng trở lại. Biết đủ là đủ để không bị áp lực, không cuốn vào vòng xoáy danh lợi”. 

Như Lịch

>> Vua đầu bếp Dương Huy Khải trình diễn tại Nha Trang
>> Cô gái đam mê mãnh liệt nghề đầu bếp
>> Vua đầu bếp Mỹ thử thách thí sinh Việt Nam
>> Giải đầu bếp “Tôi có thể”
>> Học hỏi bí quyết của đầu bếp Michel Roux
>> Trẻ em Singapore thích trở thành… đầu bếp
>> Cuộc tranh tài giữa các đầu bếp
>> Cơ hội nào dành cho đầu bếp Việt?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.