Quan hệ đồng giới ở côn trùng

20/08/2013 03:00 GMT+7

Không đơn điệu như vẫn tưởng, mà đằng sau những cuộc tình đồng giới ở côn trùng là những tính toán tinh vi.

Quan hệ đồng giới ở côn trùng

Một con bọ cánh cứng trổ tài chinh phục “bạn tình” là cái chai thủy tinh - Ảnh: Wired

Nhìn bề ngoài, có vẻ như côn trùng có kiểu quan hệ tình dục khá tẻ nhạt: những điệu nhảy uốn éo, bụng siết chặt, rồi đến cú nhảy gọn ghẽ và nhanh chóng lên lưng trước khi rời nhau. Tuy nhiên, cuộc khảo sát mới về những cuộc tình đồng giới của côn trùng đã tiết lộ những khía cạnh phức tạp của các hành động tưởng chừng như chẳng cần mấy rào đón của các cá thể liên quan.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành các cuộc kiểm tra trên diện rộng về hành vi đồng tính ở động vật hữu nhũ và chim chóc, nhưng ít khi nào đề cập đến côn trùng và nhện. Để tìm hiểu các hướng giải thích những khía cạnh tiến hóa có liên quan đến hành vi tình ái đó trong thế giới động vật không xương sống, một nhóm các nhà sinh học thuộc Đại học Tel Aviv (Israel) và Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ ở Zurich đã nghiên cứu khoảng 100 báo cáo về đề tài này. Kết quả là lần đầu tiên có một bảng tổng hợp toàn diện nhất về hành vi quan hệ đồng giới ở các loài không xương sống, đã được đăng trên chuyên san Behavioral Ecology and Sociobiology.

Nhóm chuyên gia tập trung vào những phản ứng giữa con đực - con đực để đơn giản hóa việc phân tích. Họ phát hiện hầu hết những tình huống chạm trán giữa hai con đực với nhau hoàn toàn diễn ra một cách tình cờ. Trong khi những động vật lớn thường phát triển mối quan hệ tình ái đồng tính phức tạp dựa trên động cơ rõ ràng, chẳng hạn như duy trì các liên minh (trường hợp linh trưởng và loài mòng biển), côn trùng có khuynh hướng tấn công nhầm đối tượng khi cố gắng kiếm cho được bạn tình trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các cộng đồng đông đúc. “Chúng tiến hóa để giao phối lẹ làng và đầy thủ đoạn”, theo đồng tác giả cuộc nghiên cứu Inon Scharf thuộc Đại học Tel Aviv, có nghĩa là côn trùng nắm bắt mọi cơ hội trong tầm tay để có cuộc ái ân chớp nhoáng, vì nếu chậm thì thời khắc đó qua mất.

Trong một số trường hợp, con đực vẫn còn vương mùi con cái sau cuộc hành sự vừa xong, làm con đực khác bắt nhầm tín hiệu và ngay lập tức xung trận. Ở những trường hợp khác, con đực và cái có bề ngoài quá tương đồng nhau nên các con đực khó nhận diện được cho đến khi nhảy phốc lên lưng “cô ấy” và phát hiện hóa ra là “anh ấy”. Đôi khi, chính sự khó phân biệt này khiến không ít côn trùng “hành sự” luôn với các vật thể bất động, như trường hợp bọ cánh cứng trổ tài quyến rũ chai thủy tinh. Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu khác lại cung cấp chứng cứ cho thấy những hành động quan hệ đồng giới này là có chủ đích. Ví dụ, bướm đực, bướm đêm, ong bắp cày sử dụng chiêu này để đánh lạc hướng đối thủ khỏi chú ý đến những con cái nhiều khả năng là bạn tình tương lai của mình. Bọ cánh cứng còn lợi dụng dịp này với hy vọng có thể phát tán tinh trùng lên những con cái mà “bạn tình” đồng giới sẽ tiếp cận trong tương lai, dù trên thực tế chiêu này chẳng chứng tỏ mấy hiệu quả.

Do cấu tạo cơ thể của côn trùng đực không được thiết kế để chấp nhận bộ phận sinh dục của nhau, hành vi “cưỡng bức” quá nhanh chóng và không đúng cách có thể gây ra những chấn thương nghiêm trọng cho các “nạn nhân”. Để đối phó với những hành vi trên, một số côn trùng đực phát triển cơ quan sinh dục giống như ở con cái nhằm giảm thiểu tình trạng chấn thương không mong muốn này. Bên cạnh đó, tần suất quan hệ đồng giới ở côn trùng đực vẫn chưa được tìm hiểu rõ ràng, nhưng nhiều trường hợp được quan sát trong phòng thí nghiệm hơn là ở ngoài tự nhiên, nên có thể đây là hành động xảy ra khi chúng bị căng thẳng hoặc quá bức xúc, hoặc do bị cô lập quá lâu. Tuy nhiên, đây là giả thuyết chưa được kiểm chứng. 

Phi Yến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.