Tinh hoa cổ vật Phật Giáo - Kỳ 2: Bảo vật hạ sơn sau gần 200 năm

28/08/2013 11:15 GMT+7

Triển lãm Tinh hoa cổ vật Phật giáo giữa tháng 8 vừa qua tại TP.Đà Nẵng trưng bày và giới thiệu gần 100 hiện vật cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 7 đến đầu thế kỷ 20, vốn được lưu giữ ở hàng chục ngôi cổ tự trên địa bàn TP. Thanh Niên xin giới thiệu đến độc giả những cổ vật đáng chú ý nhất trong đợt triển lãm này.

Đó là tấm kim bài mang hình “quả tim lửa” có niên đại gần 200 năm, được dập nổi thủ bút của vua Minh Mạng với những lời tán thán, kính ngưỡng công lực vô biên của Pháp Phật hóa độ chúng sanh.

Gần 2 thế kỷ qua, “quả tim lửa” dường như đã trở thành nguồn mạch tâm linh của Tam Thai Quốc tự, ngôi cổ tự tọa lạc trên ngọn Thủy Sơn - một trong năm ngọn Ngũ Hành Sơn (Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ) thuộc quần thể danh thắng lịch sử Non Nước, Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng).

Theo tấm bia ký lưu lại tại nơi này thì chùa Tam Thai được xây dựng vào đời hậu Lê, khoảng năm 1630. Theo tư liệu về danh thắng lịch sử Ngũ Hành Sơn, thì vua Minh Mạng ba lần đặt chân đến chốn non nước hữu tình này. Đến năm Minh Mạng thứ 18 (1837), tên gọi Ngũ Hành Sơn được nhà vua tái xác nhận bằng một văn bản hành chính, điều này cũng được ghi lại trong bộ Đại Nam dư địa chí ước biên của Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục thời Nguyễn.

 
Tấm kim bài mang hình “quả tim lửa” - Ảnh: A.D

Tấm lòng của một vị vua

Không chỉ riêng chùa Tam Thai mà với danh thắng Ngũ Hành Sơn, vua Minh Mạng là người có công rất lớn trong việc mở mang, trùng tu lẫn tôn tạo. Vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825), nhà vua đã cho trùng tu, xây dựng lại chùa Tam Thai và chùa được vua ban sắc tứ, là quốc tự của triều đình nhà Nguyễn. Nhưng vì sao vị hoàng đế thứ 2 của nhà Nguyễn lại có sự ưu ái đặc biệt đến vùng đất này, nhất là lòng kính ngưỡng đối với đạo Phật? Có thể trả lời câu hỏi này bằng truyền khẩu trong dân gian: Gia Long phát nguyện, Minh Mạng lập chùa.

Tương truyền, trong một lần thất trận với quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) lánh nạn tại chùa Tam Thai, gặp và nghe một vị thiền sư giảng đạo. Tại nơi này, vua không chỉ được cứu sống mà còn được khai đạo và ngộ ra không ít về căn cơ của thời cuộc, nên phát thệ: "Sau này phục quốc xong, tôi sẽ tô điểm thêm nơi danh lam thắng cảnh này cho được huy hoàng tráng lệ". Nhưng đến khi vua lên ngôi, công cuộc phục quốc kéo dài, đã không cho vua có cơ hội thực hiện lời thệ, vua Gia Long đành di chúc lại cho con trai (là vua Minh Mạng) để hoàn thành đại nguyện của mình. Còn một lý do khiến vua Minh Mạng lưu luyến chốn này, đó là vì công chúa Ngọc Lan (con gái vua Gia Long, chị em với vua Minh Mạng) dứt bỏ hồng trần tục lụy đến xuất gia và thọ giới ở nơi đây.

Vào một ngày hạ, tháng 5, năm Minh Mạng thứ 6, sau khi thăm thú ở Ngũ Hành Sơn về, vua ra sắc lệnh trùng tu chùa chiền, tô tượng, đúc chuông, tôn tạo danh thắng. Ngay khi chùa Tam Thai được trùng tu xong, vua ban một tấm biển có dòng chữ: Ngự chế Tam Thai tự, Minh Mạng lục niên phụng tạo và đúc tặng chùa tấm kim bài bằng đồng, mang hình dáng của chiếc lá bồ đề, có chiều cao khoảng 45 cm, bề ngang 35 cm, chung quanh rập hình tượng tia lửa đang cháy… Từ đó, với người dân trong vùng, kim bài trở thành một bảo vật và được thờ cúng ngay trong gian thờ Tổ. Dân gian vẫn gọi nôm na bảo vật này là “quả tim lửa”.

Mặt trước của “quả tim lửa” được các nghệ nhân thời bấy giờ dập nổi thủ bút của vua với dòng chữ: Ngã Như Lai dĩ pháp vương ngự thế, hoằng tế nhân thiên biến hiện thập phương hư không thường trú, tác thập đại công đức nhi viêm phương độc hậu yên (tạm dịch: Đức Như Lai của chúng ta đã cai quản thế gian này bằng pháp môn vô thượng, rộng lòng tế độ cho trời người, thoắt ẩn thoắt hiện khắp mười phương hư không thường trú, tạo ra mười công đức lớn mà không chỉ riêng nước Nam ta chịu ân huệ sâu dày này). Mặt sau ghi: Minh Mạng lục niên kiết nhật tạo (tạm dịch: Làm vào ngày tốt, năm Minh Mạng thứ sáu).

Theo hòa thượng Thích Hạnh Mãn, sau khi công nhận Tam Thai Quốc tự, nhà vua đã ban sắc dụ bổ nhiệm sư Viên Trừng ở chùa Thiên Mụ (Huế) vào làm trụ trì. “Từ đó đến nay chùa đã trải qua 16 đời trụ trì truyền thừa hoằng dương Phật pháp. Vì thời gian cũng như chiến tranh tàn phá không ít nên chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu và mỗi lần trùng tu như vậy, bảo vật của vua Minh Mạng ngự ban đều được các thế hệ sư trụ trì gìn giữ, bảo quản nghiêm ngặt”, hòa thượng Thích Hạnh Mãn cho biết.

Rồi cũng thuận một chữ duyên mà bảo vật “quả tim lửa” được chính thức thỉnh xuống núi, ra mắt công chúng trong Triển lãm Tinh hoa cổ vật Phật giáo (tại Bảo tàng Đà Nẵng). Cũng theo vị sư hộ trì bảo vật đời thứ 16, hòa thượng Thích Hạnh Mãn thì: “Đây là lần đầu tiên bảo vật được hạ sơn sau gần 200 năm an vị chốn Non Nước. u đây cũng là cái duyên, không thì cũng không nhiều người biết đến”.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết bảo vật “quả tim lửa” có giá trị gần như bị lãng quên suốt gần 200 năm qua là một điều đáng tiếc. Ngành bảo tàng sẽ có kế hoạch phối hợp nghiên cứu, thẩm định và tập hợp những cứ liệu giá trị về bảo vật “quả tim lửa” để có hướng đề xuất công nhận Bảo vật Quốc gia đối với hiện vật này trong thời gian sớm nhất.

An Dy

>> Tinh hoa cổ vật Phật giáo
>> Triển lãm ‘Tinh hoa cổ vật Phật giáo’
>> Tháng vàng du lịch di sản Huế
>> Bảo vệ di sản qua tranh vẽ
>> Đưa di sản vào giảng dạy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.