Những tập tục kỳ lạ - Kỳ 10: Bú mớm kết nghĩa

25/07/2013 11:00 GMT+7

Người Bana ở tỉnh Kon Tum vẫn còn lưu giữ nhiều tập tục đẹp và… lạ, chẳng hạn như tục bú mớm khi kết nghĩa làm mẹ con của nhau.

>> Những tập tục kỳ lạ - Kỳ 9: Chia tài sản cho người chết
>> Những tập tục kỳ lạ -Kỳ 8: Muốn vượt cạn phải... vào rừng
>> Những tập tục kỳ lạ - Kỳ 7: Rừng ma và thiên táng

Kết nghĩa để cộng đồng mạnh thêm

Ngày cuối tuần, UBND xã không làm việc. Loay hoay mãi cuối cùng tôi cũng “vớ” được một anh cán bộ xã. Biết là… trật ngày nhưng anh vẫn vui vẻ dẫn tôi vào thăm làng với “điều kiện” là không được nêu tên anh lên báo. Đúng như anh nói, làng Kon Jo Dri (xã Đăk Rơ Wa, TP.Kon Tum) vắng người, chỉ gặp được vài ba đứa bé chơi đùa. Tuyệt nhiên không có bóng dáng người lớn. Anh bảo, ngày thường dân làng ở đây đều ở trên rẫy xa tít. Chỉ có ngày chủ nhật mới về nhà nghỉ ngơi.

Làng Kon Jơ Dri vắng vẻ bởi người làng đi làm rẫy xa - d
Làng Kon Jơ Dri vắng vẻ bởi người làng đi làm rẫy xa - Ảnh: Lê Xuân Thọ 

Thất vọng, định quay về thì may mắn chúng tôi gặp được bà Y Mai, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đăk Rơ Wa, một phụ nữ đã luống tuổi. Sau khi nghe tôi trình bày mục đích đến làng để tìm hiểu tục bú vú kết nghĩa, bà “à” một tiếng rõ to rồi dắt tôi đến nhà ông A Mưnh “vì ở làng chỉ có già A Mưnh và già làng là còn nắm rõ tục này, nhưng già làng lại đi săn rồi, không biết khi nào già làng mới về”.

 
Kết nghĩa là một tập tục hay của người Bana nhằm giúp cộng đồng gắn kết hơn, cùng chia sẻ với nhau những khó khăn, hoạn nạn và cả những niềm vui. Nhưng những năm gần đây, người ta kết nghĩa nhau còn nhằm mục đích có thêm tài sản từ người khác nên tập tục này đã biến tướng ít nhiều
Y Mai,
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đăk Rơ Wa

Già A Mưnh (80 tuổi) bảo, không rõ tập tục này có từ khi nào, chỉ biết từ khi sinh ra đã nghe cha mẹ, người già trong làng kể, rồi tận mắt chứng kiến người làng tổ chức lễ kết nghĩa. Theo già A Mưnh, người Bana thích kết nghĩa với nhau vì mong muốn qua việc này, cộng đồng sẽ gắn kết với nhau hơn và mạnh thêm, gia đình có thêm người thân để cùng làm lụng, cùng bảo vệ tài sản, tính mạng trước thú dữ, thiên tai…

Chung quy lại có hai “dạng” kết nghĩa đó là kết nghĩa anh (chị) em với nhau và cha (mẹ) con với nhau. Tất nhiên, mỗi “dạng” như thế đều có chung những nét tương đồng và vài điểm dị biệt. Trong kết nghĩa anh (chị) em, người chủ động là người em. Khi người này “kết” ai đấy thì lân la tìm hiểu, nếu người kia đồng ý làm anh (chị) thì người em phải nhờ người mai mối và làm lễ… dạm hỏi. Lễ dạm hỏi chỉ có con gà và ghè rượu cần. Nếu người kia chấp nhận làm anh (chị) thì người làm mai sẽ lấy sợi chỉ trắng cột vào tay mỗi người một vòng.

Lúc bấy giờ hai bên tiếp tục tìm hiểu nhau, tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải thuyết phục được những người thân đồng ý. “Chỉ cần có một người lên tiếng phản đối, thì đừng bao giờ nhắc đến chuyện kết nghĩa nữa”, già A Mưnh giải thích. Thời gian tìm hiểu không được phép kéo dài hơn một năm, nếu điều đó xảy ra, đồng nghĩa với việc làng không chứng giám cho hai người. Bởi người Bana quan niệm, việc gì để lâu đều không tốt vì do Yàng (trời) không muốn.

Khi mọi thành viên trong gia đình hai bên đồng ý thì lễ kết nghĩa được tiến hành: gồm có gà, rượu và nếu có điều kiện, thì “đập” thêm bò hoặc trâu. Tuy nhiên, dù có nghèo đến mấy thì cũng phải trả công cho người làm mai một con gà và một ghè rượu. Lễ được tiến hành ở nhà “người nhận” nhưng đều do “người được nhận” lo liệu hết. Sau ngày lễ đó, nếu muốn thì anh (chị) hay cha (mẹ) có thể làm thêm lễ phụ để mời làng ăn mừng cùng mình. Tại buổi lễ, già làng bảo: Giờ hai đứa đã là người thân của nhau, do vậy phải yêu thương nhau, không được làm điều xấu với nhau, nếu không làng sẽ phạt.

Khi đã trở thành anh (chị) em rồi thì quyền lợi của mỗi người ở hai bên gia đình đều như nhau. Có thể kết nghĩa với nhau giữa người đồng giới và khác giới, người trong làng và ngoài làng, thậm chí với người ở dân tộc khác như Kinh, Jarai, Xêđăng...

Muốn kết nghĩa, hãy... bú mớm

Tương tự, mọi thủ tục kết nghĩa cha (mẹ) con cũng đều trải qua những công đoạn như vậy. Tuy nhiên, nếu là kết nghĩa cha con thì trong buổi lễ, người cha chích cho máu chảy ở đầu ngón tay và cho vào rượu để con uống gọi là “để có dòng máu của mình trong đứa con này”.

Già A Mưnh kể chuyện tập tục kết nghĩa của làng mình
Già A Mưnh kể chuyện tập tục kết nghĩa của làng mình

Còn nếu là kết nghĩa mẹ con, có thể không uống máu của mẹ, nhưng người con phải… bú vú mẹ dù là đã lớn hay còn bé, bất luận người mẹ có còn sữa hay không. Già A Mưnh giải thích: “Con thì phải mang dòng máu của cha và phải được nuôi dưỡng bằng dòng sữa của mẹ. Người Bana phân biệt rõ con nuôi và con kết nghĩa. Theo đó, con kết nghĩa sẽ có được mọi quyền lợi và trách nhiệm như con ruột dù có thể không ở chung nhà; con nuôi nhiều lúc phải đứng “bên lề” chuyện gia đình”.

Rồi già cho biết ông có một người con gái tên là Y Mứt, năm nay đã 51 tuổi, đang chuẩn bị kết nghĩa làm con của một người bên tỉnh Gia Lai. Nhưng do người này cũng có người con gái cùng tên nên lấn cấn mãi vẫn chưa làm lễ được.

Lê Xuân Thọ

>> Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 6: Lễ cột chỉ linh thiêng
>> Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 5: Bản thờ “ma ná”
>> Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 4: Đàn ông ở nhà, đàn bà lên rẫy
>> Tập tục lạ ở vùng cao: Mã não quyền uy
>> Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 3: Sơn nữ răng đen

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.