Cầu nối Việt - Thái

24/06/2013 03:35 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp Việt kiều ở Thái Lan đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác làm ăn với đối tác trong nước.

Công ty Toyo chuẩn bị mở rộng nhà xưởng và trang bị thêm một số thiết bị chuyên dụng để tiếp nhận máy cán tôn từ Việt Nam. Từ 10 năm nay Toyo, một doanh nghiệp (DN) Việt kiều ở tỉnh Udon Thani thuộc miền bắc Thái Lan, chọn các nhà sản xuất Việt Nam làm nguồn cung cấp chính cho công ty. Mỗi năm hàng chục container máy móc, thiết bị với tổng trị giá hàng triệu USD được chuyển sang Thái Lan. Ông Nguyễn Quang Thái, Giám đốc Toyo, cho biết máy cán tôn của Việt Nam bán rất chạy ở thị trường Thái Lan vì chất lượng và giá cả cạnh tranh rất tốt so với các nhãn hiệu khác. “Ở Thái Lan không có nhiều nhà sản xuất loại máy móc này, trong khi các thiết bị của Việt Nam có tính cạnh tranh rất cao, thậm chí qua mặt cả các nhà cung cấp Trung Quốc và Đài Loan”, ông Thái chia sẻ với PV Thanh Niên. Ông Thái cho biết Công ty Toyo sẽ tăng đơn hàng nhập khẩu từ Việt Nam lên 20 triệu USD giá trị máy móc thiết bị cán tôn hằng năm, tức gấp 5 - 6 lần hiện nay bởi công ty đang có kế hoạch mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực ASEAN như Philippines, Indonesia và Myanmar.

 Dây chuyền cán tôn ở nhà xưởng Toyo do công ty Việt Nam cung cấp - d
Dây chuyền cán tôn ở nhà xưởng Toyo do công ty Việt Nam cung cấp - Ảnh: Minh Quang

 
Ở góc độ vĩ mô, doanh nghiệp Việt kiều không chỉ là đối tác, khách hàng của doanh nghiệp trong nước mà còn là cầu nối thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan

Ông Nguyễn Quang Trung

Tập đoàn BK cũng là DN Việt kiều ở Thái Lan và đang có kế hoạch tương tự. Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc điều hành Tập đoàn BK, cho biết sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngày càng được khẳng định ở thị trường Thái Lan, nhất là thép xây dựng. Tập đoàn BK bắt đầu làm quen với các DN Việt Nam từ 5 - 6 năm nay và nhận thấy thép của Việt Nam không thua kém chất lượng của bất kỳ nhà cung cấp nào đang có mặt ở Thái Lan. BK là nhà cung cấp tấm thép, nhôm cho các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp. Ông Long cho biết hằng tháng tập đoàn này nhập 12.000 tấn thép từ các DN trong nước, trong khi nhu cầu của tập đoàn này là 20.000 tấn. Vì khả năng cung cấp của các DN trong nước không đủ nên BK phải nhập thêm từ Đài Loan.

“Chúng tôi tiếc rằng nguồn hàng từ Việt Nam còn quá ít so với nhu cầu của thị trường Thái Lan. Tuy nhiên, điều này lại mở ra một cơ hội khác cho sự hợp tác của chúng tôi với đối tác Việt Nam”, ông Long tâm sự. Ông Long cho biết một dự án sản xuất thép giữa DN Việt Nam trong nước và Việt kiều đang được tiến hành. Tập đoàn Hoa Sen và 2 đối tác Thái Lan, trong đó có BK đã ký kết hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thép tại khu công nghiệp ở tỉnh Rayong, miền Đông Nam Thái Lan. Theo ông Long, nhà máy dự kiến có công suất 40.000 tấn thép/tháng với tổng trị giá đầu tư khoảng 3 tỉ baht (2.100 tỉ đồng) và sẽ cho ra sản phẩm vào 2015.

Ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch Tổng hội Doanh nghiệp Việt kiều ở Thái Lan, nhận định cơ hội hợp tác giữa DN trong nước và Việt kiều ở nước ngoài, đặc biệt là tại Thái Lan: “Ở góc độ vĩ mô, DN Việt kiều không chỉ là đối tác, khách hàng của DN trong nước mà còn là cầu nối thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan”.

Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)

>> Xem xét nâng quan hệ Việt - Thái lên đối tác chiến lược
>> Đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Indonesia
>> Diễn đàn doanh nghiệp Việt kiều châu u lần thứ ba
>> Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều hoạt động trở lại
>> Các doanh nghiệp Việt kiều hành trình xuyên Việt lần 2
>> Cuộc ra quân chưa từng có của các doanh nghiệp Việt kiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.