Ô tô đua công nghệ: Hãng xem chừng ‘lợi bất cập hại’

Đình Tuyên
Đình Tuyên
10/09/2020 14:34 GMT+7

Một chiếc ô tô sở hữu nhiều công nghệ dĩ nhiên sẽ hấp dẫn khách hàng hơn. Tuy nhiên, khi quyết định “tăng tốc” trong cuộc đua tốn kém này, các hãng cũng nên nhớ rằng, thị trường Việt Nam giá bán vẫn đang là yếu tố quyết định.

Khi những màn so kè về thiết kế, vận hành hay trang bị tiện ích đang dần trở nên “nhàm chán” và không tạo ra nhiều khác biệt để bứt phá. Vài năm trở lại đây, các hãng xe tại Việt Nam đã “manh nha” cho cuộc đua mới về công nghệ, đặc biệt là công nghệ an toàn.

Xe phổ thông đã… “chất chồng” công nghệ

Cách đây hơn một thập kỉ, ngoài xe sang giá bán vài tỉ đồng, còn lại những mẫu xe phổ thông tại Việt Nam rất ít được trang bị công nghệ an toàn chủ động, hoặc có chăng cũng không được trang bị nhiều. Thời điểm đó, một chiếc ô tô “bình dân” ngoài túi khí và dây an toàn cơ bản, nếu sở hữu thêm các tính năng như cân bằng điện tử, chống bó cứng phanh ABS, hỗ trợ lực phanh khẩn cấp BA hay phân phối lực phanh điện tử EBD, đã có thể xem là “xịn xò”.
Thế nhưng, những năm gần đây lại là câu chuyện khác hoàn toàn. Khi khách hàng trong nước dần “khó tính” và đòi hỏi nhiều hơn, nhiều hãng ô tô buộc phải thay đổi để thích ứng. Những cuộc chạy đua về trang bị tiện ích và công nghệ an toàn trở nên gắt gao. Hệ thống ABS, BA hay EBD từ vị thế của các tính năng “cao cấp” dần trở thành tính năng tiêu chuẩn. Khách Việt giờ đây thậm chí “sành sỏi” rất nhiều công nghệ mới như cảnh báo chệch làn đường, hỗ trợ giữ làn, hỗ trợ phanh thông minh hay điều khiển hành trình tích hợp radar…

Nhiều hãng ô tô tại Việt Nam đã “tăng tốc” trong cuộc đua tranh công nghệ

Đỉnh điểm trong khoảng 2 năm gần đây, nhiều hãng ô tô đã “tăng tốc” thực sự trong cuộc đua tranh công nghệ. Những mẫu xe mới ra mắt bắt đầu được “ký gửi” hàng loạt tính năng hiện đại, dù chỉ định vị ở các phân khúc xe phổ thông.
Mazda có thể xem là thương hiệu “khơi mào” cho giai đoạn tăng tốc của cuộc chiến công nghệ trên ô tô tại Việt Nam. Năm 2019, hãng xe Nhật Bản trình làng mẫu Crossover 7 chỗ CX-8 với danh sách công nghệ “dài sọc”. Trong đó, có gói hỗ trợ an toàn i-Activsense gồm 9 tính năng an toàn chủ động, mà thậm chí nhiều mẫu xe sang tại Việt Nam… cũng chưa có.
Sau mẫu xe đầu bảng, lần lượt Mazda2, Mazda3, Mazda6 đến Mazda CX-5 được hãng xe Nhật Bản nâng cấp công nghệ. Sự “chịu chơi” của Mazda dễ nhận thấy, bởi đến mẫu xe cỡ B giá loanh quanh 600 triệu đồng như Mazda2 cũng đã sở hữu những tính năng như cảnh báo lệch làn, hỗ trợ phanh thông minh hay đèn pha tự động thích ứng.
Dĩ nhiên, sau “phát súng” của Mazda, các hãng xe đối thủ cũng không thể “khoanh tay đứng nhìn”. Lần lượt những gói công nghệ an toàn với nhiều tính năng đắt giá, mang đặc trưng, triết lý của các hãng xuất hiện trên các dòng xe mới. Mitsubishi Việt Nam nâng cấp Outlander, trong đó phiên bản cao nhất 2.4 CVT Premium có thêm gói trang bị an toàn của riêng hãng – Mitsubishi e-Assist. Subaru giới thiệu Forester mới được trang bị công nghệ Eyesight, cũng trên bản cao nhất. Tương tự, Honda đưa gói an toàn Honda Sensing vào mẫu xe CR-V 2020 lắp ráp tại Việt Nam.

Một mẫu xe giá trên dưới 600 triệu đồng như Mazda2 giờ đây cũng sở hữu nhiều công nghệ

Chưa dừng lại, đến Toyota – một hãng xe xưa nay vốn thực dụng đến bảo thủ tại Việt Nam cũng đã bắt đầu phải thay đổi. Đầu tháng 8.2020, Toyota Việt Nam liên tiếp đưa về những mẫu xe đúng chuẩn “thế hệ mới”. Corolla Cross ra mắt lập tức được tung hô “ngập tràn công nghệ” khi sở hữu gói an toàn Toyota Safety Sense tương tự thị trường Thái Lan. Mẫu bán tải Hilux cũng trang bị gói Toyota Safety Sense cùng với đó là hàng tá tiện ích trong khoang ca-bin.
Điểm nhanh qua để thấy, từ nửa sau năm 2019 đến thời điểm hiện tại, tức chỉ trong khoảng hơn 1 năm, thị trường ô tô Việt Nam đã xuất hiện trên dưới 10 mẫu xe được “lột xác”, mà điểm nhấn nằm ở việc nâng cấp công nghệ – đánh dấu một cuộc đua mới đã hình thành.

Hãng xem chừng “lợi bất cập hại”

Dĩ nhiên, không thể phủ nhận rằng trong bối cảnh thị trường ô tô ngày càng “chật chội”, khách Việt đang có thêm nhiều lựa chọn, nâng cấp công nghệ là một hướng đi “sáng nước” của các hãng trong mục tiêu thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, các hãng ô tô cũng nên thận trọng, tránh cảnh “vung tay quá trán”.
Bởi lẽ, như đã đề cập, tại thị trường Việt Nam (nhất là phân khúc xe phổ thông), dẫu sao giá bán vẫn đang là yếu tố quyết định lựa chọn mua xe của khách hàng. Một mẫu xe sở hữu nhiều công nghệ hiển nhiên sẽ nắm trong tay lợi thế. Nhưng điều này chỉ chắc chắn đúng khi mẫu xe đó cũng đi kèm giá bán “phải chăng”.

Ford Focus cách đây gần 10 năm dù sở hữu công nghệ hỗ trợ đỗ xe tự động “hàng hiếm” nhưng vẫn không đạt doanh số do giá bán cao

Ford có lẽ là hãng xe “thấm thía” nhất bài học này. Gần chục năm trước, trong nỗ lực hiện thực hóa chiến lược One Ford, hãng xe Mỹ trang bị cho mẫu sedan hạng C – Ford Focus tính năng đỗ xe tự động. Thời điểm đó, tại Việt Nam dường như công nghệ này chỉ có trên Lexus 600hL và số ít dòng xe sang. Chính vì vậy, sự táo bạo của Ford thời điểm đó giúp Focus trở nên khác biệt trong phân khúc. Đi kèm với đó là nhiều kỳ vọng về doanh số.
Nhưng kết quả ai cũng rõ. Công nghệ hiện đại khiến Ford Focus “đội giá”, gần như cao hơn các đối thủ. Và thật đáng buồn, sau những “trầm trồ” vì công nghệ, khách Việt quay qua chọn mua các mẫu xe đối thủ như Toyota Corolla Altis, Chevrolet Cruze, Honda Civic… Focus dù nắm trong tay lợi thế công nghệ hàng đầu nhưng liên tiếp lọt vào Top xe bán ít nhất thị trường Việt Nam trước khi chính thức dừng bán hồi cuối năm ngoái.
Bài học của Ford có thể xem như “lời cảnh tỉnh” cho các hãng ô tô trong cuộc chạy đua công nghệ đang và sắp diễn ra “rầm rộ” hơn trong thời gian tới tại Việt Nam. Thế nhưng, có một thực tế đến thời điểm này, không phải hãng xe nào… cũng thuộc bài.

Mazda CX-8 dù được kỳ vọng nhờ ca-bin ngập tràn công nghệ nhưng vẫn đang khá chật vật trong cuộc đua tranh doanh số

ẢNH: Trần Hoàng

Mazda CX-8 năm 2019 có thể xem là cái tên mới nhất đi vào “vết xe đổ” của Ford Focus. Mẫu xe của Thaco Mazda ra mắt “đình đám” với hàng tá công nghệ vượt trội. Nhưng chính giá bán cao khiến CX-8 đến nay chưa thể đáp ứng kỳ vọng doanh số. Những mẫu xe “đàn em” nhà Mazda tại Việt Nam như Mazda2, Mazda3 hay Mazda CX-5 sau đó cũng đang “chung cảnh ngộ”. Mazda2 góp mặt trong Top sedan cỡ B bán chậm mỗi tháng, Mazda3 để KIA Cerato vượt lên. Trong khi, Mazda CX-5 cũng không còn giữ được vị thế thống lĩnh trong cuộc đua tranh với Honda CR-V và Hyundai Tucson.
Chẳng riêng gì những mẫu xe Mazda, phiên bản cao cấp của Mitsubishi Outlander hay Subaru Forester dù được bổ sung công nghệ hiện đại (Mitsubishi e-Assist và Eyesight) nhưng hiện cũng gặp khó trong việc tiếp cận khách hàng vì giá bán cao. Hoặc mới nhất, 3 mẫu xe ra mắt tại Việt Nam tháng 8.2020 gồm Honda CR-V, Toyota Corolla Cross và Hilux dù được đánh giá cao về trang bị nhưng hiện tại không ít chuyên gia trong ngành đang đặt nhiều nghi vấn về sự thành công của những phiên bản mới ra mắt, bởi giá bán đều tăng so với bản cũ. Honda CR-V lắp ráp trong nước nhưng việc trang bị gói Honda Sensing khiến giá đội thêm khoảng 25 triệu so với phiên bản cũ nhập từ Thái Lan. Toyota Corolla Cross hai phiên bản “full” công nghệ có giá bán lần lượt 820 và 910 triệu đồng, cao hơn nhiều các mẫu CUV cỡ B. Trong khi mẫu bán tải Hilux, bản 2.8 Adventure trang bị gói Toyota Safety Sensing giá cũng cao hơn từ 35-43 triệu đồng so với đời cũ.

Nếu cân bằng được giá bán và trang bị công nghệ, hãng xe sẽ “rộng cửa” tiếp cận khách hàng

Ảnh: Việt Đức

Nhìn chung, nếu đứng ở vị thế người dùng, việc những mẫu ô tô ngày càng có nhiều công nghệ tất nhiên là điều đáng chờ đợi. Tuy nhiên, lợi thế chỉ thực sự hiện hữu khi giá xe vẫn được giữ ở mức phù hợp với túi tiền của phần đông khách hàng. Cán cân giữa giá bán và công nghệ dù hơi khập khiểng nhưng cũng có thể liên tưởng với cán cân cung – cầu trên thị trường. Thị trường sẽ ổn định và “sống khỏe” khi mọi thứ duy trì được sự cân bằng. Tương tự, hãng và người tiêu dùng cũng sẽ “bằng mặt, bằng lòng” khi và chỉ khi công nghệ và giá bán cũng ở mức “cân bằng”. Đây có lẽ cũng chính là mấu chốt trong quyết định sự thành bại của các hãng xe trong cuộc chạy đua công nghệ hứa hẹn sẽ “rầm rộ” hơn trong thời gian tới tại Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.