Một thời để nhớ

11/06/2013 10:39 GMT+7

Xin được mượn “một chút” tựa cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Erich Maria Remarque, Một thời để yêu và một thời để chết, để nói về cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Đông Thức, Không có gì và không một ai, do NXB Trẻ ấn hành vào năm ngoái.

Bởi vì cuốn kia viết về tình yêu và chiến tranh thời thế chiến thứ hai ở châu u còn cuốn này viết về tình yêu và xã hội thời hòa bình ở Việt Nam sau 1975. Cả hai đều là “một thời để nhớ”, dù bối cảnh và nhân vật của Nguyễn Đông Thức hẹp hơn, chủ yếu là chuyện của tuổi trẻ trong xã hội Việt Nam và Mỹ. Vì nói cho cùng, đụng tới thân phận con người thì “thời nào cũng là người” và họ luôn sống trong những hoàn cảnh xã hội nhất định.

Ba nhân vật chính của Nguyễn Đông Thức, một nữ, hai nam, “dân học sinh - sinh viên Sài Gòn chính hiệu”, người có gốc gia đình là “sĩ quan cao cấp ngụy”, người có gốc gia đình là “sĩ quan cách mạng tập kết” và “hoạt động nội thành” - họ cùng dấn thân vào xã hội Việt Nam, từ ngày giải phóng cho đến hôm nay. Họ là bạn thân thiết vì có chung sở thích yêu âm nhạc và ngoéo tay nhau chung một lời nguyền, “không có gì và không một ai có thể thay đổi tình bạn tụi mình”. Nhưng rồi “trải qua muôn cuộc bể dâu” với bao  biến động của đất nước và với đặc điểm xã hội hai miền Nam - Bắc sau 1975,  liệu rồi lời nguyền của họ sẽ ra sao? Hay nói cách khác, số phận của họ - và cả xã hội mà họ đang sống - sẽ diễn biến ra sao? Xin để dành cho bạn đọc khám phá những trang sách đầy hư cấu nhưng lại hết sức gần gũi với những chuyện đời mà ta đã và đang sống.

Một thời để nhớ

Như là lời tâm sự của tác giả: “Tôi bắt đầu viết tiểu thuyết này vào cuối năm 2010, hy vọng sẽ xong trước tháng 10.2011, như món quà tự mừng sinh nhật 60 của mình. 60, “rửa tay gác kiếm”, ai ngờ nhanh vậy! Ngày 20.7.1975, tôi 24 tuổi, vác ba lô gia nhập đại đội 3 Thanh niên xung phong Thành đoàn, bắt đầu cuộc đời mới. Rồi ngày 31.3.1981, tôi 30 tuổi, từ Kompong Chàm về nhận việc ở Tuổi Trẻ, làm báo miệt mài suốt ba chục năm… Tất cả như chỉ sau vài cái chớp mắt. Y như cảm giác của những nhân vật chính, vào cuối truyện… Không có gì và không một ai là một câu chuyện hoàn toàn hư cấu, nhưng không thể không có chút ít bóng dáng tôi và bạn bè một thời có mặt trong đây. Cả một thời chúng tôi đã sống, mạnh mẽ và sôi nổi, vất vả và gan lì, để cùng vượt qua bao khó khăn đi tới ngày hôm nay”.

Như là cách nhìn “thiên về thế sự” của nhà thơ Lê Minh Quốc, người cùng thời với tác giả: “Sự kiện của đời sống lọt vào quan sát của nhà báo chỉ là thông tin. Với nhà văn lại khác, nó còn là chất liệu quý báu khi xây dựng một tác phẩm văn chương. Hầu hết tác phẩm của Nguyễn Đông Thức có thế mạnh khai thác hợp lý nhiều sự kiện của đời sống. Chính vì thế, khi muốn nhìn lại giai đoạn của một thời đã qua - các tiểu thuyết thế sự ấy dứt khoát có một vai trò nhất định. Tiểu thuyết mới nhất của anh - Không có gì và không một ai, là một đóng góp sáng giá khi nhìn lại tiến trình của nền báo chí Việt Nam sau 1975. Không chỉ đầy ắp sự kiện mà còn thông qua số phận khốc liệt của nhân vật, chắc chắn bạn đọc vừa ngậm ngùi, vừa mỉm cười chua chát”.

Thí dụ như “sự kiện” làm báo trong những năm 1975-1985, như lời của một nhân  vật tại một cuộc họp tòa soạn (trang 98): “Tại sao làm báo mà lại đòi nhà nước chi tiền? Chúng ta không thể sống tự lập bằng tờ báo của mình à? Chúng ta vui vẻ làm những ông quan báo, tờ báo dở ẹc không ai đọc cũng được hưởng lương như mọi cán bộ công nhân viên các ngành khác?... Tôi đề nghị các anh chị chấm dứt ngay tư duy làm báo bao cấp ấy. Đừng ngậm vú mẹ nữa! Ra đời kiếm ăn, làm giàu bằng chính tài năng, sức lực của mình đi! Tờ báo xứng đáng phải vào được từng gia đình, sống được bằng chính sự chi trả của người đọc”.

Còn với ai mê âm nhạc thì có thể chia sẻ nhận xét này của nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Đây là cuốn tiểu thuyết mà ba nhân vật đã trôi theo dòng nhạc, từ Cho lần cuối của Lê Uyên Phương đến You’ve got a friend của Carole King. Có hay không một tình bạn giữa người nữ và người nam? Bạn đọc sẽ có câu trả lời khi cùng trôi theo dòng nhạc – dòng đời đó, để hiểu về tình bạn và tình yêu của chính mình”.

Dù có như vậy, và dù đây là cuốn truyện “rửa tay gác kiếm” sau 21 tác phẩm văn học bao gồm truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài sáng tác trong gần 40 năm qua, nhưng rồi chính tác giả cũng phải thú nhận: “Cuốn truyện hóa ra quá khó viết. Chỉ có ba nhân vật chính, nhưng ai cũng có một cuộc đời chìm nổi, lại trong một thời kỳ đầy biến động. Ba người bạn thân, cũng là một cuộc tình tay ba… sẽ sống như thế nào trước bao biến cố cuộc đời?”.

Huỳnh Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.