Nishimura - một người Nhật gốc Việt

11/06/2013 04:00 GMT+7

“Nishi á, Nishi họ Lý, quê gốc ở Bắc Ninh. Nishi là người Nhật gốc Việt”, TS Nishimura Masanari vẫn thường nói vậy rồi cười phá lên giòn giã trong những bữa bia với bạn bè khảo cổ học Việt Nam.

“Ừ, Nishi họ Lý mà”, nhà khảo cổ Nguyễn Kim Thủy vừa nói vừa cười theo Nishi giữa rất đông bạn bè ngồi kín dãy bàn bia. Bà Thủy đã quen biết Nishimura rất nhiều năm, kể từ khi ông sang Việt Nam theo dự án hợp tác nghiên cứu Nhật - Việt về làng Vạc. Nhiều đủ để biết ngữ cảnh câu chuyện họ Lý của Nishi. “Đợt đi dự Hội nghị IPPA ở Malaysia năm 1998, buổi tối giao lưu văn nghệ giữa các nước, em (Nishimura - NV) xung phong lên hát. Người dẫn chương trình hỏi tên anh là gì và từ đâu tới. Em trả lời: Tôi tên là Lý Văn Sỹ, tôi đến từ Việt Nam”, bà Thủy nhớ lại.


Suốt những năm qua, gia đình TS Nishimura Masanari cùng vui sống và nghiên cứu trên đất Việt Nam - Ảnh: Gia đình cung cấp 

Họ Lý, theo một số bạn bè giải thích, là do Nishi gọi chệch đi từ chữ Ni trong tên mình. Ông cũng đùa, mình là hậu duệ nhà Lý, và do đó có quê ở Bắc Ninh. Cũng không ai thắc mắc vì gắn bó của Nishi với Bắc Ninh nhiều không kể được. Lớn nhất, ông phát hiện được ở Luy Lâu một mảnh khuôn đúc trống đồng ở Việt Nam. Căn cứ phân bố trống đồng tại Đông Nam Á, có người còn cho rằng trống đồng tìm thấy ở Việt Nam là do nơi khác đúc và mang tới. “Ở Bắc Ninh, anh Nishimura đã phát hiện ra mảnh khuôn này. Chấm dứt nghi ngờ, nó khẳng định trống đồng được đúc tại Việt Nam”, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện Khảo cổ nói.

Đời khảo cổ của Nishi không chỉ gắn với Bắc Ninh mà còn với nhiều miền quê lắm. Ông tìm thấy khuôn mũi tên thời An Dương Vương - điều khẳng định câu chuyện về nỏ thần trăm phát trăm trúng có nguồn gốc từ lịch sử. Ông cũng là người đầu tiên gây dựng mô hình khảo cổ học cộng đồng ở Kim Lan - nơi giờ đây người dân góp gốm cổ trong vùng để thành một bảo tàng của riêng mình. Thành nhà Hồ ghi dấu chân ông trong dự án đào tạo nhà khảo cổ học trẻ. Mới nhất, hồ sơ Tràng An chuẩn bị ứng cử di sản UNESCO cũng có công của ông sau những chuỗi ngày dài lăn xả ở Ninh Bình đếm vỏ ốc đá. Hội nghị thông báo khảo cổ học mới nhất, Nishi sau khi nói về thử nghiệm nướng ốc theo cách người xưa đã ngắn gọn: “Người làm khảo cổ còn phải biết nấu, biết ăn nữa”. Ông cũng là người có thể phân định rạch ròi những vị mắm của nhiều vùng miền, phần lớn nhờ bao năm đi thực địa.

 

Kể từ nay, Nishi sẽ chỉ còn có thể ngắm những di chỉ ông từng đào, những di chỉ ông muốn đến từ trên rất cao. Từ trên ấy, hẳn ông thấy, những học trò mình từng dạy, những bạn bè mình từng làm việc chung, giơ đôi bàn tay vẫy vẫy mà mắt lệ nhòa

Nhưng giờ đây, sẽ không còn một di chỉ khảo cổ nào được ghi dấu chân ông, sau tai nạn đúng vào tuổi 49 - cái tuổi nặng hạn theo dân gian. Ông để lại người vợ Nhật cũng là nhà khảo cổ với bao năm nghiên cứu gốm cổ Việt Nam. Hai con trai sinh ra đều trên đất Việt, giờ bé lớn mới lớp 1, bé út còn đang mẫu giáo. “Gãy ở chỗ này”, bé lớn nói rồi khua tròn tay quanh quanh ngực trái. Bạn bè Nishi cũng đã gãy như thế khi nhận tin dữ về ông.

Những năm dài sống ở Việt Nam đã khiến mối dây nối ông với xã hội Nhật dường như mảnh đi, phần Việt Nam trong người ông cứ dày thêm mãi. “Giờ đây, tổ chức liên quan nhất đến Nishi chắc chính là Viện Khảo cổ”, ông Giang Hải, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, nói. Thông tin cũng cho biết, nhận đề nghị của Viện Khảo cổ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam sẽ truy tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học xã hội Việt Nam cho ông.

Chưa rõ kỷ niệm chương có kịp hoàn tất thủ tục để trao vào ngày tang lễ của ông hay không, nhưng vợ con ông thì một mực sẽ thực hiện nghi thức tang ma theo phong tục Việt. Bà Noriko, tùy viên nghiên cứu của Đại sứ quán Nhật Bản cùng các con sẽ mặc áo xô, đội mũ rơm trong ngày tiễn biệt ông. Trong người Nishi - theo lời người bạn thân Giang Hải - cũng có một phần dòng máu Việt. Không chỉ nghĩa bóng vì những quyến luyến khảo cổ Việt, mà còn cả nghĩa đen. Cách đây hơn mười năm, ông từng bị tai nạn gãy chân và phải tiếp máu ở Bệnh viện Việt Đức. Còn trong tai nạn ngày 9.6, khi bạn bè đều sẵn sàng tiếp máu cho ông, mọi chuyện đã không còn kịp nữa...

Kể từ nay, Nishi sẽ chỉ còn có thể ngắm những di chỉ ông từng đào, những di chỉ ông muốn đến từ trên rất cao. Từ trên ấy, hẳn ông thấy, những học trò mình từng dạy, những bạn bè mình từng làm việc chung, giơ đôi bàn tay vẫy vẫy mà mắt lệ nhòa.

Thế là Nishi đã đi !

Thế là Nishi đã đi, theo cái cách mà chẳng ai ngờ đến. Tôi đã mất anh, mất một người bạn thân, mất một đồng nghiệp và cộng sự đáng tin cậy. Anh đã là bạn của gia đình tôi 20 năm nay rồi.

Tên thật là Nishimura Masanari, nhưng ở Việt Nam tất cả những ai quen biết anh đều gọi anh bằng cái tên thân thuộc Nishi. Anh nói với tôi “Nishi tức là miền Tây của Nhật Bản. Tôi đã đến thăm, đã ngủ trong ngôi nhà anh ở phía tây ấy. Tôi đã có một bữa tối đúng phong cách Nhật Bản với bố, mẹ, vợ và hai con trai anh trong một nhà hàng nằm ngay bến trong cái chợ cá lớn nhất ở vùng này.

Nishi đi rất nhiều. Cứ ở đâu có di tích khảo cổ học là ở đó có anh. Anh làm việc nhiều như sợ không còn thời gian. Và ngay cả trong cái ngày định mệnh ấy, nếu theo kế hoạch thì anh vẫn đang ở Tokyo, nhưng sốt ruột vì công việc, anh vội vã thay đổi lịch bay để về Việt Nam. Tai nạn xảy ra khi Nishi đang trên đường đến Bắc Giang để bắt đầu một cuộc khai quật khảo cổ học.

Đầu năm nay, Nishi vừa được nhận giải thưởng của Hội Sử học Đông Nam Á của Nhật Bản dành cho nhà khảo cổ học Nhật Bản có tác phẩm nghiên cứu xuất sắc. Cuốn sách của anh có tên Khảo cổ và Cổ đại học của Việt Nam. Tác phẩm viết bằng tiếng Nhật, do NXB Douseisha ấn hành.

PGS-TS Nguyễn Giang Hải
(Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam)

 Trinh Nguyễn

>> Học giả Nhật nghiên cứu khảo cổ Việt Nam qua đời
>> Những phát hiện khảo cổ 2012 - Chum tiền cổ ở Tuyên Quang
>> Những phát hiện khảo cổ 2012: Bát đĩa Phật giáo ở Hoàng thành
>> Khai quật di chỉ khảo cổ Hòa Do
>> Khai quật khảo cổ vùng thung lũng sông Tang
>> Trưng bày khảo cổ ở nhà Quốc hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.