Toàn cảnh cuộc tấn công chưa từng có của Iran nhằm vào Israel

15/04/2024 05:45 GMT+7

Iran đã tiến hành chiến dịch quân sự chưa từng có tiền lệ nhằm vào lãnh thổ Israel, phơi bày cuộc chiến âm thầm đã kéo dài nhiều năm giữa hai nước, cũng như làm gia tăng nguy cơ xung đột rộng lớn hơn bùng nổ ở Trung Đông.

Cuộc tấn công bắt đầu vào khoảng 23 giờ ngày 13.4 (giờ Israel) và kéo dài vài tiếng đồng hồ.

Tuyên bố trái ngược

Theo quân đội Israel, Iran đã phóng tổng cộng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) hướng đến lãnh thổ Israel.

Toàn cảnh cuộc tấn công chưa từng có của Iran nhằm vào Israel- Ảnh 1.

Đồ họa: Ngô Minh Trí

Cuộc tấn công xuyên đêm - Tehran đặt tên là "Chiến dịch Cam kết Thực sự" - đánh dấu lần đầu tiên Iran tấn công lãnh thổ Israel dù hai nước đã đối đầu với nhau trong nhiều thập niên. Iran tuyên bố đây là hành động đáp trả vụ không kích mà họ cho là Israel thực hiện nhằm vào cơ sở ngoại giao của Tehran ở Damascus (thủ đô Syria) ngày 1.4, khiến 7 sĩ quan Iran thiệt mạng, bao gồm 2 tướng. Israel chưa bao giờ thừa nhận hay phủ nhận họ đứng sau vụ tấn công này.

Vật thể bay bị đánh chặn trên bầu trời ở Ashkelon (Israel) đêm 13.4, rạng sáng 14.4

Vật thể bay bị đánh chặn trên bầu trời ở Ashkelon (Israel) đêm 13.4, rạng sáng 14.4

Reuters

Phát biểu trên truyền hình Iran ngày 14.4, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Iran Mohammad Bagheri cho biết họ đã hoàn thành mọi mục tiêu trong chiến dịch tấn công Israel, AFP đưa tin. Theo ông Bagheri, cuộc tấn công của Iran nhằm vào một "trung tâm tình báo" và một căn cứ không quân mà Tehran cho là nơi xuất phát của các máy bay F-35 của Israel tham gia vụ không kích ở Damascus. Vị tướng nói cả 2 địa điểm này đều đã bị phá hủy và không thể tiếp tục hoạt động.

Song trên mạng xã hội X, người phát ngôn quân đội Israel Avichay Adraee cho biết họ đã đánh chặn thành công 99% tên lửa và UAV từ Iran. Theo ông Adraee, toàn bộ khoảng 170 UAV và hơn 30 tên lửa hành trình đều bị Israel đánh chặn bên ngoài biên giới đất nước. Một số lượng "rất ít" trong số hơn 120 tên lửa đạn đạo đi vào lãnh thổ Israel và gây ra thiệt hại nhỏ cho căn cứ không quân Nevatim ở phía nam nước này.

Iran dùng vũ khí dùng để tấn công Israel?

CNN dẫn lời 2 quan chức Mỹ tiết lộ quân đội Mỹ đã ngăn chặn hơn 70 UAV và ít nhất 3 tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, lực lượng Anh và Jordan được cho là cũng tham gia vào nỗ lực này, theo The Guardian.

Theo công ty an ninh hàng hải Ambrey của Anh, các đồng minh của Iran trong khu vực cũng đã tham gia cuộc tấn công. Lực lượng Houthi ở Yemen đã phóng UAV tới lãnh thổ Israel, trong khi lực lượng Hezbollah ở Li Băng thông báo họ đã bắn tên lửa vào các vị trí của Israel ở Cao nguyên Golan.

Bước leo thang mới nhất

Cuộc tấn công của Iran đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc đối đầu giữa một bên là Iran và các lực lượng ủy nhiệm tại khu vực, với một bên là Israel và các đồng minh, bao gồm Mỹ.

Tính đến sáng 14.4 (giờ Israel), các quan chức Israel cho biết chưa có quyết định nào được đưa ra về phản ứng của Israel sau cuộc tấn công của Iran và vấn đề này sẽ được thảo luận trong cuộc họp của nội các chiến tranh. Tuy nhiên, máy bay chiến đấu của Israel được cho là đã ném bom các vị trí của Hezbollah ở miền nam Li Băng.

Hoàn Cầu thời báo hôm qua dẫn lời các chuyên gia phân tích rằng vụ trả đũa của Iran chủ yếu là do sức ép từ người dân trong nước, chứ Tehran không muốn bị kéo vào một cuộc xung đột quy mô lớn hoặc chiến tranh. Hôm qua, phái đoàn Iran tại LHQ cho rằng đợt tấn công này có thể được coi như "dấu chấm hết" và kêu gọi Israel không đáp trả.

Đồng minh kêu gọi Israel kiềm chế sau cuộc tấn công của Iran

Tổng tham mưu trưởng quân đội Iran Mohammad Bagheri cũng tuyên bố không có kế hoạch tiếp tục, dù cảnh báo sẽ phản kích "mạnh hơn nhiều" nếu Israel có hành động thêm. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng gợi ý về việc tránh leo thang thêm khi nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Israel đã thắng khi ngăn chặn hầu hết cuộc tấn công và khẳng định Washington không tham gia hay ủng hộ nếu Tel Aviv đáp trả Tehran, theo CNN.

Một cuộc xung đột lớn giữa Israel và Iran là điều mà Mỹ không hề mong muốn bởi nguy cơ buộc phải can dự. "Từ góc độ chiến lược toàn cầu, Mỹ không muốn đưa quá nhiều nguồn lực đến Trung Đông bởi điều này sẽ ảnh hưởng việc viện trợ Ukraine trong xung đột Nga - Ukraine, cũng như kế hoạch chiến lược của Washington tại châu Á - Thái Bình Dương", tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời một chuyên gia.

Bên bờ vực cuộc chiến không bên nào mong muốn

Quyết định phản ứng của Tel Aviv giờ phụ thuộc vào nội các chiến tranh có 3 thành viên của Israel gồm Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và ông Benny Gantz. Theo tờ The Guardian, có những lo ngại về việc Thủ tướng Netanyahu, người từ lâu muốn phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran, có thể nhân cơ hội này để cùng những nhân vật hiếu chiến thực hiện ý định đó.

Liên quan vấn đề này, Israel đề nghị HĐBA LHQ họp khẩn vào 16 giờ ngày 14.4 (giờ Mỹ), đồng nghĩa với việc nếu Israel đáp trả thì sẽ khó diễn ra trước thời gian đó. Trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Lầu Năm Góc, ông Gallant nói Israel đã chuẩn bị cho nguy cơ bị tấn công thêm, không nhắc gì đến việc đáp trả.

Viện Nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) dẫn lời nhiều chuyên gia về Trung Đông khẳng định cuộc tấn công của Iran đã đẩy khu vực đến bờ vực của một cuộc chiến tranh rộng hơn, nhưng đó là cuộc chiến mà gần như không ai mong muốn khi Mỹ, các nước Ả Rập và cả lực lượng Hezbollah tại Li Băng đều muốn tránh xung đột lan rộng suốt 6 tháng chiến sự qua giữa Hamas và Israel. Diễn biến tốt nhất mà các bên có thể chấp nhận là Israel thực hiện một cuộc phản công giới hạn tại Iran mà không gây phản ứng thêm, bởi thiệt hại từ cuộc tấn công ngày 14.4 của Tehran được cho là rất hạn chế.

Washington đã báo hiệu họ không muốn xung đột tiếp tục lan rộng. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu sau cuộc tấn công của Iran, Tổng thống Biden nhấn mạnh sự ủng hộ "vững như bàn thạch" dành cho Israel nhưng cũng làm rõ lập trường rằng Mỹ sẽ không tham gia vào bất cứ hành động quân sự nào chống lại Iran, theo Nhà Trắng. Ông Biden cũng cho biết ông sẽ triệu tập cuộc họp với các lãnh đạo trong nhóm G7 vào ngày 14.4 để thảo luận về "phản ứng ngoại giao thống nhất" trước Iran.

Iran viện dẫn cơ sở pháp lý nào để tấn công Israel?

Trong một bài đăng trên X, Phái đoàn thường trực của Iran tại LHQ cho biết việc Iran tấn công Israel là hành động thực thi "quyền tự vệ" theo điều 51 Hiến chương LHQ, "sau 13 ngày HĐBA im lặng và không hành động, cũng như không lên án các hành động gây hấn của chế độ Israel".

Điều 51 quy định: "Không một điều khoản nào trong hiến chương này làm suy yếu quyền tự vệ căn bản của cá nhân hoặc tập thể nếu một thành viên LHQ bị tấn công vũ trang, cho đến khi HĐBA áp dụng các biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế".

Trong tuyên bố của mình, Phái đoàn thường trực của Iran tại LHQ cáo buộc HĐBA đã không làm tròn trách nhiệm, "để cho Israel vượt qua các lằn ranh đỏ và vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.