Những bộ phận cơ bản trên ô tô cần kiểm tra sau những ngày giãn cách

Hoàng Cường
Hoàng Cường
27/09/2021 14:56 GMT+7

Để ô tô hoạt động ổn định, an toàn trở lại sau chuỗi ngày dài giãn cách xã hội , trước khi sử dụng trở lại, chủ xe cần chú ý kiểm tra, bảo dưỡng một số bộ phận quan trọng trên xe như lốp, bình ắc quy, các loại dung dịch...

Sau thời gian dài áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19, đến nay nhiều địa phương trên cả nước đang dần nới lỏng để dần đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới. Tại các tỉnh thành như TP.HCM, Hà Nội… nhiều xe ô tô đã nằm bãi, nằm hầm hàng tháng trời không được sử dụng do chủ xe hạn chế đi lại trong thời gian giãn cách xã hội, vì vậy, dễ phát sinh hư hỏng.

Để chiếc ô tô hoạt động ổn định trở lại sau nhiều ngày tháng giãn cách xã hội, chủ xe nên kiểm tra, bảo dưỡng xe 

Để ô tô hoạt động ổn định, an toàn trở lại sau chuỗi ngày dài giãn cách xã hội, chủ xe nên chú ý kiểm tra, bảo dưỡng một số bộ phận cơ bản nhưng thường dễ “sinh bệnh” trên ô tô sau một thời gian dài không đụng đến. Dưới đây là bộ phận trên ô tô cần kiểm tra sau những ngày giãn cách xã hội:

Kiểm tra tình trạng ắc quy, hệ thống điện

Bình ắc-quy hết điện là “căn bệnh” phổ biến nhất trên ô tô để lâu ngày không sử dụng. Vì vậy, việc đầu tiên bạn nên kiểm tra tình trạng bình ắc quy. Với các xe dùng chìa khóa thông minh, ắc quy hết điện có thể khiến chủ xe không thể mở cửa xe bằng khóa thông minh. Lúc này hãy sử dụng đến chìa khóa cơ, thường được tích hợp trong khóa thống minh để mở cửa xe, sau đó mở nắp ca-pô để kiểm tra bình ắc quy.

Bình ắc-quy hết điện là “căn bệnh” phổ biến nhất trên ô tô để lâu ngày không sử dụng

Trường hợp ắc quy hết điện, nên dùng bộ phận kích bình, hoặc dùng dây nối và nhờ sự trợ giúp của một xe khác để đấu nối, kích bình ắc quy. Thời gian kích mất khoảng 15 phút. Nếu không có các phụ kiện này, bạn nên tháo bình ắc quy mang đi sạc, hoặc gọi dịch vụ hỗ trợ kích bình ắc quy tại nhà với chi phí vào khoảng 150.000 - 200.000 đồng. Trường hợp ắc quy xuống cấp và không thể hoạt động, chi phí thay thế bộ phận này vào khoảng 1,5 - 2,5 triệu đồng tùy vào lựa chọn.

Kiểm tra tình trạng, áp suất lốp xe

Ô tô để lâu ngày không sử dụng có thể khiến áp suất lốp xe giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hơi

Ô tô để lâu ngày không sử dụng có thể khiến áp suất lốp xe giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hơi, thậm chí cao su lốp còn bị nứt nẻ, biến dạng. Khi gặp tình trạng này, chủ xe nên sử dụng các loại bơm mini bơm lại lốp xe đảm bảo áp suất. Lưu ý, thống số áp suất các lốp xe thường được nhà sản xuất dán trên khung cửa xe phía người lái. Chủ xe nên tham khảo để bơm lốp đúng áp suất khuyến cáo. Trường hợp phát hiện cao su lốp biến dạng, nứt nẻ nên lên phương án thay thế.

Kiểm tra, bổ sung các dung dịch bôi trơn, làm mát trên xe

Sau một thời gian không sử dụng sử dụng, các loại dung dịch trên ô tô thường bị hao hụt, xuống cấp và cần được bổ sung thay thế. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo dưỡng, chăm sóc ô tô, có 5 loại dung dịch trên ô tô cần được kiểm tra, thay thế bao gồm: dầu nhớt động cơ, nước làm mát, dầu phanh, nước rửa kính và dầu trợ lực lái.

Sau một thời gian không sử dụng sử dụng, các loại dung dịch trên ô tô thường bị hao hụt, xuống cấp

Người dùng cần kiểm tra mức dầu, tình trạng dầu nhớt động cơ bằng que thăm dầu… Nếu chất lượng dầu xuống cấp hoặc bị hao hụt dưới mức cho phép nên mang xe đến xưởng dịch vụ để thay dầu. Với nước làm mát, nước rửa kính… khi kiểm tra bằng mắt thường, phải đảm bảo mực nước trong bình luôn nằm ở giữa vị trí “Full” và “Low”, một số xe ký hiệu "Min", "Max". Nếu mực nước làm mát, nước rửa kính dưới mức “Low” cần bổ sung thêm. Trước khi nổ máy, nên quan sát gầm xem có chất lỏng (dầu máy, nước mát) rỉ ra bất thường hay không.

Kiểm tra tình trang khoang nội thất, khoang động cơ

Ô tô để lâu ngày có thể khiến các chi tiết trong khoang nội thất bị ẩm mốc, hoặc chuột gián xâm nhập làm tổ trong khoang động cơ. Vì vậy, người dùng nên chú ý kiểm tra tình trạng khoang nội thất, nếu phát hiện nội thất có mùi lạ, vật liệu bọc ghế, vô lăng nổi nấm mốc… nên dùng khăn lau mềm và dung dịch vệ sinh chuyên dụng cho nội thất ô tô để lau chùi. Bên cạnh đó, nên dùng chai xịt khử mùi để loại bỏ mùi ẩm mốc trong nội thất.
Với khoang động cơ, sau khi kiểm tra các bình chứa dung dịch. Nên chú ý đến các khe, hốc trong khoang động cơ. Đây là những nơi chuột thường xâm nhập làm tổ, thậm chí có thể cắn phá hệ thống dây điện. Nếu phát hiện chuột xâm nhập, làm tổ nên loại bỏ, vệ sinh sau đó kiểm tra hệ thống dây điện. Trường hợp phát hiện hệ thống điện bị đứt khiến xe không khởi động được nên liên hệ với xưởng dịch vụ để được hỗ trợ.

Ô tô để lâu ngày có thể khiến các chi tiết trong khoang nội thất bị ẩm mốc, hoặc chuột gián xâm nhập làm tổ trong khoang động cơ

Sau khi kiểm tra các bộ phận cơ bản nêu trên, nếu không có gì bất thường người dùng nên khởi động lại xe để động cơ hoạt động. Ngoài các bộ phận này, ô tô để lâu không sử dụng cũng gặp một số tình trạng như cửa khó mở, kẹt phanh, đĩa phanh bị han gỉ…
Sau khi đã kiểm tra cơ bản và đảm bảo xe hoạt động trở lại, theo khuyến cáo của các cơ sở sữa chữa, chủ xe nên mang xe vào cơ sở bảo dưỡng chính hãng hoặc các garage lớn để kiểm tra lại toàn bộ xe, đảm bảo mọi hệ thống luôn hoạt động ổn định, an toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.