Tìm kiếm tác phẩm đỉnh cao

29/11/2013 09:00 GMT+7

Với 70 tham luận cùng 40 ý kiến của 220 đại biểu, Hội thảo khoa học toàn quốc văn học nghệ thuật 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5, khóa 8 (bế mạc sáng qua 28.11) đã đề cập đến những vấn đề lớn và khó, đang là đòi hỏi bức thiết, sống còn đối với nền văn nghệ nước ta hiện nay.


Bộ phim Thời xa vắng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của Lê Lựu - Ảnh: tư liệu 

PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VH-NT) T.Ư, trong tổng kết hội thảo, đã cho biết những vấn đề chính được quan tâm nhiều tới hội thảo lần này: Đã thống nhất được các tiêu chí cơ bản khi xem xét tác phẩm VH-NT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao và đỉnh cao. Đó là: tác phẩm VH-NT có giá trị cao là những tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác động sâu sắc xây dựng con người, phản ánh chân thực, sinh động đời sống, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…, đáp ứng nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng và bồi dưỡng lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng. Còn tác phẩm đỉnh cao là tác phẩm hay nhất, tốt nhất, được công chúng ngưỡng mộ, tán thưởng nhiều nhất, có sự vượt hẳn lên 3 tiêu chí cơ bản đã đề ra.

Về thực trạng hoạt động sáng tạo VH-NT hiện nay, theo nhiều nhà nghiên cứu, thì bối cảnh sáng tạo đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ nhưng sự chuyển động của VH-NT lại chậm chạp, nội dung nhiều tác phẩm còn sơ lược, hình thức diễn đạt vẫn theo lối mòn. Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế về tiếp cận và nhận thức… chưa cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa, chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Hoạt động sáng tạo VH-NT phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Nhiều tác phẩm phản ánh chưa bao quát và sinh động truyền thống cách mạng hào hùng và thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và hội nhập của dân tộc ta.

Về nguyên nhân khách quan của thực trạng này, nhiều ý kiến nhấn mạnh về sự chuyển đổi kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN, đã dẫn đến sự biến đổi mạnh mẽ về thị hiếu thẩm mỹ, chuẩn mực thẩm mỹ, đặc biệt là các chuẩn giá trị đạo đức xã hội. Trong khi đó, sự phát triển ồ ạt của công nghệ thông tin đã và đang lấn át văn hóa đọc, làm thay đổi tư duy sáng tạo của văn nghệ sĩ và nhu cầu thưởng thức của công chúng. Các ý kiến cũng đặc biệt quan tâm về chính sách đầu tư cho sáng tạo VH-NT hiện nay.

 

Giả sử nếu có một tác phẩm đỉnh cao thì chúng ta có nhận ra nó không?

TS Phạm Xuân Thạch

6 giải pháp và kiến nghị chủ yếu đã được đặt ra: 1. Đề cao trách nhiệm và tấm lòng của văn nghệ sĩ trước Tổ quốc và nhân dân. 2. Quan tâm hơn nữa việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng VH-NT. 3. Đẩy mạnh hoạt động lý luận, phê bình. 4. Hoàn thiện cơ chế, chính sách. 5. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tác phẩm VH-NT. 6. Tăng cường phối hợp với các hội chuyên ngành, các cơ quan hữu quan để mở rộng tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm có giá trị cao.

Nếu có tác phẩm đỉnh cao, chúng ta có nhận ra không ?

Đó là băn khoăn của TS Phạm Xuân Thạch, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư dường như đã dấy lên một nỗi buồn bất tận hồi năm 2006. Khi đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau cho rằng cần “kiểm điểm phê phán tác giả một cách nghiêm khắc, rút kinh nghiệm khi viết, cần phải có thực tiễn cuộc sống, cái đẹp, cái tốt mà xã hội đang xây dựng và phát triển”. Trong khi đó, truyện ngắn Cánh đồng bất tận được chọn là một trong mười truyện ngắn hay của Báo Văn nghệ 2005 với số phiếu cao nhất.

“Giả sử nếu có một tác phẩm đỉnh cao thì chúng ta có nhận ra nó không?”, TS Phạm Xuân Thạch hỏi. “Ngay cả trong văn học thế giới, không phải tác phẩm đỉnh cao nào cũng được nhận ra ngay khi nó mới ra đời. Phải mất 10 năm các tác phẩm đỉnh cao mới được định vị chứ. Vậy nghiên cứu lý luận phê bình có đi cùng với sự vận động của văn học hay không?”, ông Thạch nói.

Thứ nữa, chúng ta đang có vấn đề về độc giả. Độc giả hiện đang chưa được chuẩn bị tốt để tiếp nhận nghệ thuật đỉnh cao. “Nó có vấn đề ở khâu giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường”, ông Thạch đánh giá.

Cơ chế cần bớt... rụt rè

Còn nhớ, trong cuốn sách Ba mươi phút sự thật của mình, nhà văn Phùng Quán đã kể câu chuyện về nàng Hằng Nga chờ người đến đánh thức. Hằng Nga chính là bản thảo thơ của Phùng Cung. Còn bạch mã hoàng tử là tấm lòng hào hiệp của người đã dựng lễ đài ngày 2.9, ông Nguyễn Hữu Đang. Nhận ra một bản thảo tốt, ông Đang đã rút sổ tiết kiệm để ủng hộ in tập thơ. Tập Xem đêm, sau này nhận nhiều giải thưởng và yêu mến của độc giả, đã ra đời như thế. Trong khi đó, bản thân ông Quán được tài trợ in thơ lại thấy thơ mình không bằng thơ của ông Cung. Rõ ràng, việc nhận ra tác phẩm xứng tầm quá quan trọng. Nó giúp việc tài trợ tác phẩm chuẩn xác hơn, cũng giúp văn học phát triển hơn.

Trước mắt, một nhà nghiên cứu cho rằng: "Giải pháp để có nhiều tác phẩm tốt hơn là nên có cơ chế bớt rụt rè trước những tác phẩm có tính nhạy cảm. Ít nhất chúng ta có thể có một cơ chế khác. Nếu một tác phẩm đụng chạm đến ai thì có thể có cơ chế khởi kiện chứ không cần cấm. Muốn có tác phẩm đỉnh cao thì phải có một nền văn học dồi dào về tác phẩm”.

Cần độ lùi thời gian để kiểm định

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN cho rằng khó xác định tác phẩm đỉnh cao, bởi có tác phẩm đỉnh cao của 10 năm, có tác phẩm đỉnh cao của 100 năm, 500 năm, của dân tộc, của thế giới... Và theo ông, phải có độ lùi thời gian xác nhận các đỉnh cao. “Văn học thời đổi mới hôm nay có nhiều tác phẩm hay, không hề thua kém thời chống Pháp, chống Mỹ, thậm có có tác phẩm hay hơn nhiều nếu nhìn ở các góc độ giá trị đặc thù. Và, điều quan trọng là độc giả hôm nay (thậm chí nhà văn hôm nay) có đọc được hết những tác phẩm ấy đâu mà nói rằng có đỉnh cao hay không có đỉnh cao. VH-NT tạo ra các giá trị khác nhau, mỗi tác phẩm mang một vẻ đẹp, một giá trị khác nhau và văn học hôm nay đang rất phong phú và có chiều sâu. Còn trong 10 - 15 năm mà chúng ta đòi hỏi nền văn học phải có được tác phẩm đỉnh cao như Truyện Kiều thì thật rất khó”.

“Một tác phẩm văn học cần có một lượng độc giả đồng hành qua nhiều thời đại mới có thể được coi là tác phẩm mang giá trị đỉnh cao”- Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

“Chưa có tác phẩm có giá trị cao vì lòng tin trong xã hội đang suy giảm, nghệ sĩ đang chới với giữa thị trường chưa rạch ròi và định hướng chưa rõ ràng. Chỉ có hòa hợp giữa thị trường với định hướng thì mới sáng tạo được tác phẩm hay” - nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát

Ngọc Bi (ghi)

Ngọc Bi - Việt Chiến - Trinh Nguyễn

>> Đừng ép học sinh thành nhà phê bình văn học
>> 15 năm nhìn lại Văn học - Nghệ thuật Việt Nam: Trăn trở về chất lượng tác phẩm
>> 15 năm nhìn lại Văn học - Nghệ thuật Việt Nam
>> Sách viết về chế độ nô lệ thắng giải văn học Mỹ
>> Thái Bá Lợi nhận Giải thưởng Văn học Đông Nam Á
>> Nobel văn học đầu tiên cho Canada

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.