Vì sao người trồng lúa vẫn thu nhập thấp?

17/08/2023 04:16 GMT+7

Nông nghiệp là ngành thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế và người trồng lúa cũng là người có thu nhập thấp nhất trong ngành nông nghiệp. Đó là điều không nói khác được, nhưng chúng ta có thể làm khác đi.

Đó là điều mà Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 15.8.

Vì sao người trồng lúa vẫn thu nhập thấp? - Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch lúa tại Đồng Tháp

Đào Ngọc Thạch

Chi phí ăn thâm lợi nhuận

Tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang là nơi có nước ngọt quanh năm và người dân có thể sản xuất 3 vụ lúa ăn chắc. Thế nhưng, không vì thế mà người trồng lúa ở đây trở nên giàu có.

Ông Nguyễn Thành An, một nông dân sản xuất trên quy mô lớn ở H.Thoại Sơn, cho biết: Hôm trước giá lúa thơm, lúa chất lượng cao lên trên 8.200 - 8.300 đồng/kg, mấy hôm nay giảm 200 - 300 đồng chỉ còn quanh mốc 8.000 đồng/kg. Lúa đang cong trái me, chuẩn bị chín. Mấy hôm nay thương lái vẫn tìm đến đặt vấn đề cọc tiền trước để mua lúa nhưng ông vẫn đợi tới lúc thu hoạch bán theo giá thị trường.

Giá tăng nhưng lúa chưa đến kỳ thu hoạch nghĩa là niềm vui trúng mùa trúng giá chưa được cụ thể hóa bằng số tiền thu về, thì nỗi lo giá vật tư tăng còn thật hơn rất nhiều lần. "Giá phân bón gần như tăng cùng thời điểm với lúa gạo. Hiện nay, các đại lý báo giá phân bón các loại tăng bình quân khoảng 200.000 đồng/bao (50 kg). Cụ thể như phân ure tăng lên tới 670.000 - 680.000 đồng/kg. Đây là loại phân quan trọng và được sử dụng nhiều nhất, giá lại tăng cao nhất. Tiền chưa kịp vào túi đã chạy ra khỏi cửa", ông An chép miệng.

Câu chuyện của ông An phản ánh một phần câu hỏi, vì sao giá gạo tăng cao mà nông dân thu lời không lớn. Thậm chí ở thời điểm giá không tốt, chi phí đầu vào còn "ăn thâm" khiến họ chỉ đủ ăn, hoặc lỗ.

Nhìn lại từ cuối năm 2022, giá lúa gạo tăng nhẹ tới đầu tháng 7.2023. Giá chỉ tăng mạnh từ thời điểm 20.7.2023, khi Ấn Độ tuyên bố ngừng xuất khẩu các loại gạo trắng trừ gạo đặc sản Basmati. Trước giai đoạn trên, từ khoảng tháng 6.2022 trở về trước xuất khẩu gạo không thuận lợi, giá thấp.

Trong khi đó, ảnh hưởng kinh tế thế giới và xung đột Ukraine đẩy giá phân bón tăng vọt; "ăn mòn" hết lợi nhuận của những người làm nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa. Trước cơn sốt giá phân bón, đã có nhiều ý kiến đề xuất áp thuế xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung và giá cả nội địa. Xong từ đó đến nay, vấn đề đã hoàn toàn rơi vào quên lãng.

"Khi giá lúa giảm phân bón tăng, giá lúa tăng phân bón cũng tiếp tục tăng thì làm sao nông dân trồng lúa giàu nổi. Nông dân trồng lúa yếu thế đã không được bảo vệ trước các cơn sốt giá phân bón, cũng như vật tư nông nghiệp nói chung", một nông dân ở miền Tây thở dài chia sẻ.

Xuôi về phía hạ nguồn dòng Mê Kông, tại ấp Bình Khánh B, xã Định Môn (Thới Lai, TP.Cần Thơ), anh Phan Thiện Khanh, người địa phương này, cho biết sau khi kết thúc vụ lúa đông xuân vừa qua đã bỏ lúa chuyển sang trồng sầu riêng. Để cải thiện thu nhập trong giai đoạn hiện tại anh kết hợp các loại cây ngắn ngày.

Vì sao người trồng lúa vẫn thu nhập thấp? - Ảnh 2.

Hướng đến sản xuất lớn, hiện đại để giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân

CÔNG HÂN

"Giờ giá lúa tăng cao vậy, anh có tiếc?", chúng tôi hỏi. "Trước đây làm lúa vụ này qua vụ khác ổn định nhưng giá cũng chỉ 5.200 - 5.300 đồng/kg. Lúc nào phân bón thấp còn đỡ, phân bón cao thì không có lãi. Mấy năm nay, bà con xung quanh đây người ta chuyển sang trồng cây ăn trái đặc biệt là nhãn, sầu riêng kết hợp cây ngắn ngày. Chỉ một công đất thu lãi 40 - 50 triệu đồng mỗi năm, gấp cả chục lần trồng lúa. Thấy mọi người làm hiệu quả nên mình làm theo. Nếu giá lúa bây giờ so với trước kia thì nhà nông có lợi nhưng so những loại cây trồng khác cũng chưa tới đâu nên tôi chẳng thấy tiếc gì cả", anh Khanh nói.

Ở TP.HCM, nơi có năng suất lúa thấp hơn các vùng khác rất nhiều, người trồng lúa cũng đang hết sức phấn khởi vì giá lúa tăng. Ông Võ Văn Nghếnh, nông dân trồng lúa tại xã Tân Phú Trung (H.Củ Chi), cho biết năng suất trong vụ hè trên ruộng của ông khoảng 6 tấn/ha, với giá lúa tươi hiện nay 7.500 đồng/kg, lúa khô 9.000 đồng/kg, ông bán lúa được 54 triệu đồng/ha, trong khi chi phí khoảng 15 triệu đồng. Như vậy lợi nhuận được gần 40 triệu đồng/ha tương đương 60 - 70%. Nếu làm được tối đa 3 vụ mà giá vẫn tốt như hiện nay thì thu nhập cả nhà cũng quanh quẩn mức 100 triệu đồng/năm. Đó là ngay ở thời điểm giá thuận lợi nhất, còn thì...

Giá lúa chững lại, giảm

Trở về thời điểm trước đợt sốt giá hiện nay, anh Nguyễn Hoàng Nên, một thương lái chuyên thu mua lúa ở xã Vĩnh Tuy (H.Gò Quao, Kiên Giang), tính toán: Sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 tương đối thuận lợi, lúa trúng mùa, giá ổn định ở mức cao. Thời điểm đó, chi phí đầu tư sản xuất lúa cho 1 công (1.000 m2) khoảng 3,5 - 4,1 triệu đồng, với giá bán lúa 6.200 - 6.500 đồng/kg, người trồng lúa có lãi khoảng 40%. Còn trong trường hợp phải đi thuê đất thì lợi nhuận chỉ đạt 20 - 30%. Riêng một số ít nông dân có diện tích lớn, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, có thể tiết kiệm được chi phí thì lợi nhuận có thể đạt 50%, tương đương 3.000 đồng/kg.

"Mức lợi nhuận này là bao gồm luôn cả công lao động của bà con nông dân. Chỉ từ đầu năm đến nay giá lúa khá tốt, nông dân đỡ khổ chứ 2 - 3 năm trước giá lúa thấp, làm ra bao nhiêu không đủ trả tiền phân bón, thuốc trừ sâu", anh Nên cho biết.

Đó là lý do, nhiều người muốn đẩy mạnh xuất khẩu khi giá lúa tăng, để bà con có thêm thu nhập. Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận bối cảnh này, giá gạo tăng hằng ngày là thời cơ cải thiện thu nhập rất lớn. Việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người nông dân là điều được Bộ rất quan tâm, trong đó, việc cải thiện thu nhập không phải chỉ là vấn đề giá cả, mà cần tính toán đến các chi phí.

Nhưng trong khi chúng ta đang ngồi bàn thì trên thị trường, giá lúa gạo đã quay đầu giảm sau 3 tuần tăng nóng. Một số thương lái và nông dân ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ xác nhận với Thanh Niên giá lúa chững lại, thậm chí giảm 200 - 300 đồng/kg, tùy loại. Giá lúa thường tại ruộng khoảng 7.300 - 7.500 đồng/kg, lúa thơm và lúa chất lượng cao khoảng 8.000 - 8.300 đồng/kg. Thông tin từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm của VN giảm 10 USD xuống còn 628 USD/tấn, gạo 25% tấm giảm 20 USD còn 598 USD/tấn.

Giải thích về việc gạo quay đầu giảm giá, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng ở Tiền Giang, nói: Đây là điều chúng ta có thể lường trước. Khoảng hơn 10 ngày trước, giá gạo nhảy múa lên tới trên 16.000 đồng/kg với gạo nguyên liệu sản xuất gạo 5% tấm. Đẩy giá gạo xuất khẩu lên tới 700 USD/tấn và thị trường không chấp nhận, ngưng giao dịch nên giá phải xuống. Mặt khác, giá gạo giảm còn do những doanh nghiệp đầu tháng bị kẹt hợp đồng buộc phải giao hàng nay cũng đã hoàn thành trách nhiệm. Chính vì vậy không ai mua nữa nên giá gạo giảm. "Với giá gạo nguyên liệu như hiện nay, giá gạo 5% tấm xuất khẩu chúng tôi đang chào 630 - 640 USD/tấn, nhưng khả năng sắp tới giảm thêm một ít nữa thì cung cầu mới gặp nhau. Tuy nhiên đây cũng là mức giá rất lý tưởng cho ngành lúa gạo trong nhiều năm qua", ông Đôn nói.

Giảm chi phí để tăng lợi nhuận cho nông dân

Còn tại TP.Cần Thơ, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết giá lúa giảm khoảng 400 đồng/kg, lúa thông dụng giống 5451 còn khoảng 7.500 đồng/kg. Giá lúa gạo giảm còn do việc thu hoạch vụ hè thu sắp kết thúc, sản lượng lúa hàng hóa trong dân còn ít. Hiện nay Công ty Trung An đang chuẩn bị giống cho bà con nông dân gieo trồng vụ thu đông. Cơn sốt giá lúa gạo mấy tuần trước là do tâm lý thương lái gom, trữ hàng với hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng. Nhưng tăng nhiều quá thì các nhà xuất khẩu và người mua không chịu đựng được, họ phải thỏa thuận giao chậm thậm chí là giao vào vụ mùa kế tiếp. Nguồn lực tài chính của thương lái có hạn, nên không thể cầm cự lâu, dẫn đến buộc phải giảm giá.

Theo các doanh nghiệp, giá lúa thấp và bấp bênh là do chi phí sản xuất quá cao; đặc biệt khi giá lúa xuống thấp nhiều nông dân không còn động lực sản xuất. Vấn đề thứ hai là có nhiều khâu trung gian trong việc thu mua, vận chuyển khiến miếng bánh lợi nhuận vốn đã ít lại càng bị chia nhỏ. Để giải quyết bài toán thu nhập cho người nông dân trồng lúa, nhà nước cần có chính sách về việc tổ chức sản xuất trên quy mô lớn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm giá thành. Bên cạnh đó, vật tư đầu vào phục vụ cho nông nghiệp cần quản lý tốt hơn về giá cũng như chất lượng sản phẩm.

TS Trần Hữu Hiệp, Trường ĐH FPT Cần Thơ, đề xuất gắn bài toán phát triển cây lúa và thu nhập của người trồng lúa vào bức tranh tổng thể của nền nông nghiệp thông minh và nông thôn hiện đại.

Theo đó, phải hướng phát triển người nông dân thành những doanh nông - doanh nhân hóa nông dân, người kinh doanh nông nghiệp. Muốn làm được như vậy, đầu tiên phải tăng diện tích bình quân nông hộ lên. Hiện bình quân diện tích nông hộ như ở ĐBSCL chỉ có 4 công đất (0,4 ha), quy mô đất như thế thì trồng lúa không thể nào giàu được. Thứ hai là điều kiện thị trường rất bấp bênh làm cho thu nhập đã thấp càng không ổn định. Muốn khá hơn lên thì phải kết hợp trồng lúa với những ngành nghề khác. Trồng lúa chỉ nên xem là một lĩnh vực trong bức tranh tổng thể của ngành nông nghiệp và chiến lược phát triển nông thôn, dịch vụ phi nông nghiệp.

"Để cải thiện thu nhập cho nông dân trồng lúa cần thực hiện 3 chiến lược: Thứ nhất, cải cách cơ chế chính sách có liên quan tới nông nghiệp như đất đai, thị trường, vốn… Thứ hai, là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để chủ động. Hiện nay chúng ta có chiến lược 1 triệu ha lúa chất lượng cao thì phải tổ chức cho bài bản bao gồm cả cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành này. Thứ ba là thị trường, giá lúa gạo sốt cao chưa từng thấy nhưng giá chỉ khoảng 650 USD/tấn trong khi giá gạo đang bán vào EU tới trên 1.000 USD/tấn. Vậy câu chuyện phát triển chất lượng, nâng giá trị để xâm nhập sâu rộng vào các thị trường cao cấp là yếu tố quan trọng", TS Trần Hữu Hiệp phân tích.

Vì sao người trồng lúa vẫn thu nhập thấp? - Ảnh 3.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Thời gian qua, việc sản xuất lúa gạo đã giảm được 20 - 25% chi phí đầu vào, do ứng dụng quy trình canh tác mới như: ba giảm ba tăng, một phải năm giảm… Chính những chi phí giảm xuống này là thành quả giúp gia tăng thu nhập cho người dân. Để giá cả lúa gạo cũng như nông sản bền vững thì cần phải đưa nông dân vào các tổ chức hợp tác sản xuất.

Nông dân sẽ không bỏ đất trống

Chi phí sản xuất vụ hè thu, vụ mùa ước tính từ 22 - 25 triệu đồng/ha, với năng suất khoảng 5,5 tấn/ha, và giá lúa hiện nay 8.000 đồng/kg, thu nhập của người nông dân trồng lúa khoảng 44 triệu đồng/ha, trừ chi phí sản xuất người trồng lúa lãi từ 22 triệu đồng/ha. Đối với vụ đông xuân, năng suất lúa cao hơn nhiều, có nơi đạt 8 tấn/ha, lợi nhuận của người nông dân lên đến trên 40 triệu đồng/ha. Với mức lợi nhuận này thì không cần ai kêu gọi, người nông dân sẽ trồng lúa hết, không bỏ đất trống nữa. Đại gia mua đất ruộng lâu nay cho thuê khoảng 10 - 15 triệu đồng/ha, nay sẽ tìm cách tăng giá cho thuê.

TS Đào Minh Sô (Trưởng bộ môn cây lương thực - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam)

Tăng diện tích lúa thu đông thêm 50.000 ha

Bộ NN-PTNT đã điều chỉnh, nâng diện tích trồng lúa vụ thu đông ở ĐBSCL từ 650.000 ha lên 700.000 ha. Theo tính toán, với việc tăng thêm 50.000 ha, năng suất đạt khoảng 5,7 tấn/ha thì sản lượng lúa vụ thu đông ở ĐBSCL là 325.000 tấn, tương đương 200.000 tấn gạo. Với giá gạo xuất khẩu cao như hiện nay, việc tăng 50.000 ha lúa có thể thu về hơn 100 triệu USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.