Vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản

Đình Sơn
Đình Sơn
01/05/2024 06:19 GMT+7

Bất chấp khó khăn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản tăng mạnh, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

DN nội khó khăn, cơ hội cho dòng vốn ngoại

Trong báo cáo Tổng cục Thống kê vừa công bố, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) trong 4 tháng đầu năm chỉ đứng thứ hai sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với gần 1,7 tỉ USD, chiếm hơn 20% tổng vốn đăng ký. So với 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 451 triệu USD, vốn ngoại đổ vào lĩnh vực BĐS từ đầu năm đến nay đã tăng gần 4 lần. Trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại VN, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,59 tỉ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hồng Kông (Trung Quốc) 898,6 triệu USD, chiếm 12,6%. Nhật Bản 814,1 triệu USD, chiếm 11,4%. Trong khi Trung Quốc là 740,2 triệu USD, chiếm 10,4%...

Bất động sản công nghiệp đang dẫn đầu thu hút vốn FDI

Bất động sản công nghiệp đang dẫn đầu thu hút vốn FDI

T.N

Hội Môi giới BĐS VN xác nhận số lượng nhóm đầu tư ngoại quan tâm tìm hiểu M&A dự án BĐS vẫn tăng mạnh. Nguyên nhân là nhiều chủ đầu tư trong nước không còn dòng tiền, phải bán rẻ dự án, cổ phần cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài.

Thực tế mới đây, một đoàn nhà đầu tư đến từ Malaysia đã sang VN để tìm kiếm cơ hội đầu tư, săn lùng các quỹ đất, nhất là các dự án có pháp lý hoàn chỉnh để mua lại hoặc hợp tác đầu tư. Các DN đến từ Malaysia nhận định đây là thời điểm tốt nhất để thâm nhập VN bởi thị trường đã ở vùng đáy nên có thể mua được quỹ đất với giá rẻ. Ở chiều ngược lại, BĐS VN vẫn còn nhiều dư địa để phát triển khi dân số đông, nhu cầu về nhà ở đang còn rất nhiều.

Vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản

Trước đó, CapitaLand Development (CLD), nhánh phát triển BĐS của Tập đoàn CapitaLand (Singapore) cũng đã khởi công 2 dự án lớn ở VN là Sycamore tại tỉnh Bình Dương và Lumi Hanoi tại Hà Nội, với trị giá khoảng 2 tỉ USD. Tập đoàn này đặt mục tiêu đến năm 2028 sẽ phát triển 27.000 căn hộ tại VN. Ông Jonathan Yap, Tổng giám đốc của CLD, cho biết CapitaLand đã có mặt tại thị trường VN từ năm 1994. Đến nay, CLD đã phát triển danh mục đầu tư tại VN với một khu thương mại, một dự án căn hộ officetel, hai dự án phức hợp, khoảng 16.000 căn hộ chất lượng thuộc 17 dự án nhà ở tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. 

"GDP của Việt Nam năm 2023 đạt mức tăng trưởng 5,05%, đây là mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với dân số hơn 100 triệu người cùng sự gia tăng của phân khúc trung lưu, nhu cầu mua nhà tại thị trường VN sẽ tăng trưởng mạnh. Do vậy, VN là một trong ba thị trường cốt lõi của CLD và DN có tầm nhìn phát triển dài hạn tại thị trường VN", vị này lý giải về việc tập đoàn đổ một nguồn vốn khổng lồ vào VN.

Vốn chảy vào BĐS công nghiệp là điều đáng mừng

Đánh giá về sức hút vốn ngoại của từng phân khúc, Cushman & Wakefield VN nhận định ngoài BĐS công nghiệp, thị trường nhà ở cao cấp vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi dân số VN đứng thứ 15 trên thế giới với 100 triệu người. Mô hình nhân chủng học ở VN với 70% dân số trong độ tuổi 15 - 64, thu nhập khả dụng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM càng tăng tính hấp dẫn của thị trường nhà ở đối với các DN FDI.

Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield VN, VN đã và đang lọt vào tầm ngắm của lượng lớn nguồn vốn FDI trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động. Đây là thời điểm phù hợp để họ tăng cường các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những DN có tiềm lực tài chính mạnh. "Một lượng vốn FDI lớn sẽ hoàn tất, đổ vào thị trường BĐS VN trong giai đoạn 2024 - 2026 bởi nhiều giao dịch đã, đang trong quá trình đàm phán và có nhiều tiến triển tích cực", bà Trang thông tin.

Không quá lo lắng về chuyện vốn ngoại thâu tóm DN nội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng nguồn vốn FDI chủ yếu chảy vào BĐS công nghiệp, một phần chảy vào BĐS du lịch của các tập đoàn lớn, một phần vào BĐS nhà ở. Và việc vốn FDI đổ mạnh vào BĐS công nghiệp là điều đáng mừng vì VN đang là nơi được lựa chọn để các tập đoàn công nghệ đặt nhà máy gia công, nhất là lĩnh vực chip bán dẫn, hậu cần. 

"Thủ tướng hay nói muốn có người mua nhà, có người đến ở phải tạo được sinh kế. Trong khi BĐS công nghiệp tạo được việc làm. Từ đó luân chuyển nhân công từ chỗ thừa đến chỗ thiếu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều này kích thích mặt bằng nhân lực tăng lên, thu nhập cũng tăng lên. BĐS công nghiệp nóng lên sẽ giúp lan tỏa đến các phân khúc khác, nhất là phân khúc BĐS nhà ở", ông Châu nhấn mạnh và dẫn chứng, ngay thời điểm Covid-19 BĐS công nghiệp vẫn phát triển, không hề bị suy thoái bởi VN là thị trường tiềm năng. 

"Không ai có thể hưởng trọn cái bánh mà phải chia cho các bên một cách hợp lý nên FDI vẫn là nguồn vốn tiềm năng. Như Tập đoàn Nam Long đã 15 năm nay hợp tác với các tập đoàn của Nhật Bản nên thời gian qua dù dịch Covid-19 hay khi thị trường BĐS đóng băng, DN này vẫn không bị ảnh hưởng. Hay Tập đoàn Becamex (Bình Dương) hợp tác với Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) cùng các DN nước ngoài khác nên đã có thêm tiềm lực để phát triển BĐS công nghiệp, nhà ở... Mặc dù vậy, ông Châu cũng khuyến cáo nguồn FDI này không thể thay thế các DN trong nước và các DN phải tìm mọi cách có nguồn vốn bền vững để phát triển dự án. "BĐS VN không nên để phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngoại mà phải đa dạng, phát triển vốn trái phiếu, chứng khoán, quỹ đầu tư… Ngay từ năm 2018 chúng tôi đã khuyến nghị điều này và khuyên các DN trong nước giảm dần vốn vay ngân hàng. Có như vậy thị trường mới có thể phát triển bền vững", ông Châu nhấn mạnh.

Hiện nay các DN nước ngoài đang có lợi thế khi tiền nhiều và vốn vay giá rẻ nên có nhiều lựa chọn ở thị trường VN. VN muốn thu hút dòng vốn phải chia sẻ lợi ích nhiều hơn so với trước đây.

Ông Lê Hoàng Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.