Xã Quỳnh Đôi 'phạt nguội' chó thả rông qua camera

Khánh Hoan
Khánh Hoan
29/04/2024 12:30 GMT+7

Từ nhiều năm qua, xã Quỳnh Đôi (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã sử dụng hình ảnh từ điện thoại, camera an ninh để 'phạt nguội' chó thả rông, góp phần giúp vùng quê này trở nên sạch, đẹp, an toàn và văn minh.

Xã Quỳnh Đôi được nhiều người biết đến trong những ngày qua với tên xã Đôi Hậu dự kiến đặt cho xã mới sau khi sáp nhập xã Quỳnh Đôi và xã Quỳnh Hậu. Tên xã sau đó đã được đổi lại thành xã Quỳnh An. Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, tại vùng quê này, có một câu chuyện thú vị khác về quản lý, "phạt nguội" chó thả rông.

Nhốt chó để đường làng sạch và an toàn

Ông Hồ Sỹ Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi, cho biết xã đã về đích nông thôn mới năm 2014. Sau khi về đích, đường sá trong xã được rải nhựa, đổ bê tông khang trang, sạch sẽ. Tuy nhiên, thói quen nuôi chó thả rông của người dân khiến những con đường đẹp đẽ này bị dơ bẩn bởi chó phóng uế. Chưa kể, chó thả rông khiến nhiều người lo ngại bị lây dại vì ở đây gần như gia đình nào cũng nuôi chó.

Xã Quỳnh Đôi 'phạt nguội' chó thả rông qua camera- Ảnh 1.

Cổng chào vào xã Quỳnh Đôi

K.HOAN

Để giữ gìn môi trường sạch sẽ và an toàn cho người dân, chính quyền xã Quỳnh Đôi đã họp, quyết định ra chỉ thị để quản lý chó nuôi và năm 2018, quyết định này ra đời. Quyết định quy định rất chi tiết về cách thức thực hiện, từ việc vận động người dân tự giác nuôi nhốt chó, đến việc bắt giữ chó thả rông ngoài đường để xử phạt hành chính chủ nuôi, tiêu hủy chó nếu chủ nuôi không đến nhận chó…

"Sau khi có quyết định, chúng tôi phổ biến đến các thôn và phải mất hơn 1 năm tuyên truyền đến tận mỗi nhà dân, mới đưa quy định vào thực hiện", ông Hưng nói.

Tháng 9.2019, quy định xử lý chó thả rông được áp dụng, xã Quỳnh Đôi thành lập 2 tổ tuần tra, bao gồm công an, công chức xã để đi bắt chó thả rông.

Các thành viên trong tổ này đi kiểm tra trên các tuyến đường làng, khi phát hiện chó thả rông thì dùng vợt bắt chó mang về trụ sở công an xã để xử lý.

Xã Quỳnh Đôi 'phạt nguội' chó thả rông qua camera- Ảnh 2.

Đường vào trung tâm hành chính xã Quỳnh Đôi

K.HOAN

Thông tin đặc điểm những con chó bị bắt giữ được thông tin nhiều lần trên loa truyền thanh của xã, yêu cầu chủ nuôi đến xác nhận chó, nộp phạt và mang chó về. Nếu quá 24 giờ kể từ khi thông báo, chủ nuôi không đến nhận chó thì chó sẽ bị tiêu hủy. Mức xử phạt cho mỗi lần thả rông chó không đeo rọ mõm là 700.000 đồng (áp dụng theo Nghị định 90/2017) và sau đó tăng lên 1.500.000 đồng (áp dụng Nghị định 04/2020).

"Thời gian đầu, rất nhiều con chó thả rông bị bắt giữ. Nhiều chủ nuôi không đến nộp phạt để đưa chó về, chúng tôi phải lập biên bản tiêu hủy, đem chôn. Việc tiêu hủy cũng rất phức tạp, phải làm các thủ tục chặt chẽ để tránh kiện tụng và nhờ đó mà đến nay chưa có vụ khiếu nại nào xảy ra", ông Hưng nói và khẳng định, đến nay chó thả rông gần như không xuất hiện ở đường làng của xã nữa vì người dân tuân thủ quy định rất tốt.

"Phạt nguội" chó thả rông qua hình ảnh

Để kiểm chứng lời của ông Hưng khẳng định, PV Thanh Niên đã "dạo" một vòng quanh xã Quỳnh Đôi và quả thực không hề thấy bóng dáng con chó nào thả rông ngoài đường. Các con đường làng lớn, nhỏ đều rất sạch sẽ. 

Gia đình ông Hồ Sỹ Chung (51 tuổi, ngụ thôn 8, xã Quỳnh Đôi) nuôi 2 con chó. Một con ông nhốt vào chuồng, con còn lại thả trong sân vườn nhưng nó không thể ra đường vì cửa cổng luôn đóng.

"Tôi thích chó nên đã nuôi từ hàng chục năm qua. Khi xã chưa cấm chó thả rông, chó thường ra đường đi vệ sinh, chạy khắp nơi. Nhưng từ khi có quy định, tôi quản lý rất chặt, không cho ra đường. Cổng lúc nào cũng đóng và tôi huấn luyện cho nó không tự ý ra đường. Loài chó này rất khôn nên bảo nó là nó nghe lời", ông Chung nói.

Xã Quỳnh Đôi 'phạt nguội' chó thả rông qua camera- Ảnh 3.

Ông Hồ Sỹ Chung và con chó nuôi được quản lý rất chặt

K.HOAN

Từ năm 2020, xã Quỳnh Đôi đã gắn số nhà cho toàn bộ nhà dân trong xã, lắp đặt camera an ninh ở các trục đường nên việc quản lý chó thả rông dễ dàng hơn. Thay vì nuôi chó giữ nhà, nhiều gia đình đã chuyển sang lắp camera an ninh trước cổng nhà. 

Những camera này là "mắt thần" giám sát chó hàng xóm thả rông, để giúp chính quyền xã có cơ sở phạt nguội. Ngoài các "mắt thần" này, người dân địa phương đã tự giám sát chó thả rông của gia đình khác, khi phát hiện chó thả rông thì dùng điện thoại ghi hình, chuyển cho công an xã để xử lý.

Xã Quỳnh Đôi 'phạt nguội' chó thả rông qua camera- Ảnh 4.

Camera an ninh là "mắt thần" giám sát cho thả rông để phạt nguội

K.HOAN

"Lâu nay, các tổ bắt chó thả rông cũng không cần dùng vợt nữa, anh em chỉ đi kiểm tra, nếu phát hiện chó thả rông không bịt mõm, chỉ cần dùng điện thoại ghi hình, chó vào cổng nhà ai thì sẽ đến đó để phạt nguội. Người bị phạt không chỉ mất tiền mà còn bị thông báo "nêu tên" trên loa truyền thanh của xã, nên không ai dại gì vi phạm", ông Hưng nói.

Chó không được thả rông nên nạn trộm chó cũng không còn, làng quê trở nên yên bình hơn.

Ông Hưng cũng cho hay, mô hình này đã được nhiều xã đến tìm hiểu, học hỏi vì nhận thấy cách làm này rất hiệu quả.

Nhờ quản lý tốt chó nuôi nên số gia đình nuôi chó ở xã Quỳnh Đôi đã giảm đáng kể. Không còn chó thả rông, đường làng sạch sẽ, người dân cảm thấy an toàn hơn vì không còn sợ bị chó tấn công, nhất là chó bị bệnh dại.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.